Doanh nghiệp nỗ lực về đích cuối năm

.

Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang tăng tốc, bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2022.

Công nhân sản xuất tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: QUỲNH TRANG
Công nhân sản xuất tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: QUỲNH TRANG

Trong 6 tháng đầu năm, nhiều sản phẩm công nghiệp có mức giảm sâu do doanh nghiệp thiếu hụt nguyên, vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao do ảnh hưởng của giá nguyên, nhiên, vật liệu có nguồn gốc nhập khẩu tăng mạnh, đầu ra của sản phẩm bị hạn chế khi chuỗi cung ứng chưa thực sự liền mạch do ảnh hưởng từ giá xăng, dầu trên thế giới tăng cao cũng như tình hình chiến sự ở một số quốc gia... 

Tuy nhiên, những ngày này, hơn 250 công nhân của Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ) đang hoạt động tích cực để kịp đơn hàng cho đối tác tại thị trường châu Âu (EU). Ông Huỳnh Trinh, Giám đốc công ty chia sẻ, trước đó, tình hình xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng xung đột Nga và Ukraine cũng như lạm phát ở các nước châu Âu khiến sức mua tại thị trường chủ lực này sụt giảm mạnh. Một số bạn hàng phải gia hạn thời gian nhận hàng, thậm chí hủy đơn hàng dẫn đến đầu ra của các sản phẩm gỗ có thời điểm bị chững lại, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng cao.

Tuy vậy, thời điểm này, các đơn hàng của các đối tác truyền thống của công ty đang có xu hướng tăng, công ty đã tuyển dụng thêm 40 lao động. Hiện, công ty đang tập trung toàn lực sản xuất để trong quý 4, mỗi tháng xuất khẩu 20-30 container hàng sang nước ngoài, và liên tục đến hết quý 1-2023, hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 100 container hàng.

“Từ nay đến hết năm, chúng tôi tăng tốc sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường và hoàn tất các đơn hàng đã ký kết trong năm; tiến hành đàm phán ký kết đơn hàng mới trong năm 2023; đồng thời, đầu tư đổi mới hệ thống máy móc, trang thiết bị cũng như sớm đưa nhà xưởng mới với diện tích 1.400m2 vào hoạt động. Mục tiêu đến cuối năm, công ty đạt doanh thu tăng khoảng 15% so với năm 2021, tốc độ tăng trưởng sản lượng đạt 12%”, ông Huỳnh Trinh cho biết.

Công nhân Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng tăng tốc hoàn thiện đơn hàng cuối năm.  Ảnh: QUỲNH TRANG
Công nhân Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng tăng tốc hoàn thiện đơn hàng cuối năm. Ảnh: QUỲNH TRANG

Tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại giày BQ, doanh nghiệp đang chạy đua chuẩn bị hàng hóa phục vụ cho thị trường cuối năm và Tết nguyên đán Quý Mão 2023. Theo Giám đốc Phan Hải, công ty đã xây dựng kế hoạch sản xuất sản phẩm từ cuối tháng 7, trọng tâm là 2 tháng 9, 10 và tiến hành sản xuất hàng loạt với mục tiêu đưa sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng và giá thành ổn định đến tay người tiêu dùng.

Đến thời điểm này, đơn vị đã chủ động làm việc, thương lượng với các đối tác, nhà cung cấp và nhập vật tư dự trữ cũng như xây dựng các phương án dự phòng cho việc sản xuất, phân phối sản phẩm. “Trong 9 tháng vừa qua, tuy tình hình thị trường mới bắt đầu khởi sắc nhưng chúng tôi có được sự tăng trưởng vượt kế hoạch đề ra. Cụ thể, doanh thu tăng khoảng 75% so với cùng kỳ năm 2021, dự kiến các số liệu này sẽ còn tăng mạnh vào dịp Tết Quý Mão 2023”, ông Hải thông tin.

Theo đánh giá của ngành công thương, đến thời điểm này, nhiều DN đã đạt kết quả sản xuất, kinh doanh khá khả quan. Song, điều này không có nghĩa DN đã hết khó khăn, thách thức. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, khó khăn của DN trong nước không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh xung đột quốc tế, thị trường tài chính, tiền tệ, xăng dầu thế giới diễn biến khó lường.

Những tác động từ bên ngoài như đồng tiền của nhiều nước giảm giá mạnh, lạm phát tăng cao, mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập, giá nguyên vật liệu tăng cao… có thể khiến DN gặp khó nếu không chủ động có những giải pháp ứng phó. Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Chí Trực, Giám đốc Công ty CP Vinatex quốc tế - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, so với năm 2021, số lượng công nhân của công ty đã tăng từ 450 lên 750.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của đơn vị hiện gặp khó khăn do đơn hàng từ thị trường chủ lực (Mỹ, Nhật Bản) giảm mạnh. “Là đơn vị sản xuất và cung ứng nguồn vải dệt cho thị trường trong nước và quốc tế, chúng tôi kỳ vọng kết quả sản xuất cũng như doanh thu có thể khả quan hơn so với những quý đầu năm. Hiện, chúng tôi đã đầu tư thêm hệ thống dệt hiện đại, cập nhật lại tình hình thị trường để có định hướng cho giai đoạn tiếp theo”, ông Trực cho biết.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.