Kinh tế
Dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi: Nhiều điểm mới
Cả 2 dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, địa phương và các bộ, ngành trong vòng 2 tháng, dự kiến sẽ được báo cáo tại kỳ họp thứ 5 và thông qua vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Đô thị quận Sơn Trà. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Vừa qua tại Đà Nẵng, Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với Luật nhà ở sửa đổi, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng được Chính phủ, Quốc hội giao chủ trì dự thảo đề xuất Luật nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
Trong thời gian qua, bộ đã tiến hành tổng kết, đánh giá đề xuất nhóm chính sách và được Quốc hội thông qua. Trong đó, Luật Nhà ở có 8 nhóm chính sách và Luật Kinh doanh bất động sản có 4 nhóm chính sách. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp các địa phương, doanh nghiệp, các bộ, ngành tiến hành tổng kết, đánh giá, rà soát các bất cập, đồng thời lấy ý kiến thông qua dự thảo luật theo đúng trình tự ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bước đầu đã bảo đảm yêu cầu giải quyết những vướng mắc cơ bản, giảm bớt những bất cập của Luật nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản 2014, đồng bộ với các luật khác có liên quan, đồng thời cố gắng để cắt giảm các thủ tục hành chính, luật hóa một số quy định trong nghị định, các văn bản dưới luật.
Cả 2 dự thảo luật đang được lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, địa phương và các bộ, ngành trong vòng 2 tháng. Bộ Xây dựng có kế hoạch tổ chức hội thảo lấy ý kiến cho 2 dự thảo luật tại miền Bắc (Hà Nội), miền Nam (Thành phố Hồ Chí Minh) và miền Trung (thành phố Đà Nẵng). Sau đó, bộ sẽ làm việc để lấy ý kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam và một số tổ chức có liên quan.
Đại diện Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, Bộ Xây dựng dự kiến thể chế hóa 8 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội, trong đó có một số điểm mới được dư luận quan tâm nhiều trong thời gian qua như thời hạn sở hữu nhà chung cư. Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án. Phương án 1 bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư được căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng, dự kiến bổ sung mới toàn bộ các nội dung liên quan đến quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư (Điều 27 dự thảo), cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà chung cư (Điều 28 dự thảo), xử lý khi nhà chung cư còn thời hạn sở hữu (Điều 29 dự thảo), xử lý nhà chung cư khi hết thời hạn sở hữu (Điều 30 dự thảo). Phương án 2 không quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư mà giữ nguyên như quy định hiện hành, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.
Tại hội thảo khu vực miền Trung tổ chức tại Đà Nẵng, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội tập trung vào mục 4, chương 2 của dự thảo luật quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư.
Các ý kiến đề nghị giữ nguyên văn bản hiện hành về thời hạn sở hữu nhà chung cư bởi việc xử lý nhà chung cư xuống cấp đã có luật xây dựng, bởi “nếu đưa vào thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ ảnh hưởng tâm lý người mua, ảnh hưởng đến chương trình phát triển nhà ở chung cư của Chính phủ”. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Công ty CP Alphanam tại miền Trung Nguyễn Minh Thông đồng ý với ý kiến của các doanh nghiệp và đặt thêm câu hỏi: “Nếu đưa vào quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư thì sau luật này, những nhà chung cư đã xây dựng và đưa vào sử dụng trước đây sẽ chỉ còn thời hạn 50 năm hay vẫn như cũ là sở hữu lâu dài?”.
Còn ông Trần Khuê, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản tỉnh Khánh Hòa, lại lo ngại sự lãng phí khi các công trình chung cư xây mới hiện nay đều được yêu cầu sử dụng kết cấu bê-tông vĩnh cửu (99 năm). “Nếu đưa ra thời hạn khoảng 50 năm thì có bị lãng phí với khối lượng bê-tông đã được yêu cầu sử dụng là vĩnh cữu không? Do đó đề nghị giữ nguyên quy định tại luật cũ”, ông Khuê nêu quan điểm.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, kinh nghiệm một số nước trên thế giới gần đây đều đưa vào vấn đề thời hạn sử dụng nhà chung cư, gắn với niên hạn sử dụng chung cư, tuổi thọ công trình. Cơ quan soạn thảo luật nghiêm túc tiếp thu ý kiến các doanh nghiệp và sẽ cân nhắc kỹ lưỡng. Ông Sinh cho hay, nếu chọn phương án mới thì chỉ áp dụng với những chung cư đầu tư xây dựng sau khi Luật nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực.
TRIỆU TÙNG