Kinh tế
Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới chợ
Công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp. Hệ thống các chợ truyền thống đã góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ, lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt đời sống của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế…
Hệ thống các chợ truyền thống đã góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh sản xuất, phát triển dịch vụ, lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt đời sống của người dân trên địa bàn. TRONG ẢNH: Chợ Hòa Khánh, quận Liên Chiểu. Ảnh: QUỲNH TRANG |
Mạng lưới chợ truyền thống đã cũ
Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại một số chợ đã xuống cấp; văn minh thương mại tại các chợ chưa đồng đều, tình trạng kinh doanh hàng rong; kinh doanh trong nhà các hộ dân xung quanh một số chợ vẫn còn diễn biến phức tạp; hiện tượng lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè để họp chợ; sự chồng chéo, bất cập của các quy định pháp luật liên quan hướng dẫn trong công tác quản lý và phát triển chợ... đòi hỏi phải có sự sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống chợ trên địa bàn.
Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 74 chợ các loại 1; trong đó: Sở Công Thương quản lý 4 chợ hạng 1 (chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ Đầu mối Hòa Cường); Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý 1 chợ hạng 1 (chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang); các quận/huyện, xã/phường quản lý 67 chợ và 2 doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý 2 chợ; tổng diện tích mặt bằng tại các chợ khoảng 275.983m2, trong đó, diện tích kinh doanh tại các chợ khoảng 141.273m2 (chiếm 54%) với tổng số hộ kinh doanh khoảng 22.077 hộ. Diện tích bán hàng bình quân của hộ kinh doanh khoảng 6,4m2/hộ, rộng hơn so với quy định hiện hành về diện tích quy chuẩn tối thiểu của điểm kinh doanh tại chợ (3m2/điểm).
Tuy nhiên, trong tổng số 74 chợ có khoảng 22 chợ có diện tích điểm kinh doanh bình quân nhỏ hơn 3m2/điểm như: chợ Thanh Bình, chợ Hàn (quận Hải Châu), chợ Thuận An (quận Thanh Khê), chợ Chiều (Quận Sơn Trà).... Các chợ có diện tích kinh doanh bình quân/hộ cao nhất tập trung ở các chợ thuộc huyện Hòa Vang. Các nguồn vốn đầu tư, phát triển chợ trong thời gian qua chủ yếu từ ngân sách Nhà nước, từ nguồn thu của đơn vị quản lý chợ giữ lại tái đầu tư sửa chữa chợ và một phần vốn góp của tiểu thương. Đối với các khoản chi sửa chữa chợ thì sử dụng một phần nguồn thu của Công ty Quản lý và phát triển các chợ, Ban Quản lý các chợ quận, huyện để thực hiện.
Theo số liệu từ Sở Công Thương, hiện bình quân mỗi quận/huyện trên địa bàn có 12,5 chợ; mỗi phường/xã có 1,3 chợ; bình quân mỗi chợ phục vụ 15.420 người dân; trong đó có 56 chợ ở khu vực đô thị (chiếm tỷ lệ 74,6 %) và 19 chợ ở khu vực nông thôn (chiếm tỷ lệ 25,4 %). Nhìn chung, phân bố mạng lưới chợ tại các phường/xã khá đồng đều. Hiện nay, vẫn còn một số phường/xã chưa có chợ như: phường Hòa Thuận Tây, phường Thạch Thang (quận Hải Châu), phường Thạc Gián (quận Thanh Khê).
Khảo sát tại các chợ truyền thống trên địa bàn, số lượng hộ kinh doanh tại các chợ so với quy mô của chợ đã quá tải; đa số mặt bằng bố trí kinh doanh có diện tích nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu của các hộ kinh doanh; hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình phụ trợ thiếu và không đồng bộ; giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, chiếu sáng, công trình vệ sinh... chắp vá, hư hỏng; các bãi giữ xe diện tích rất hạn chế... nên cần đầu tư mở rộng, nâng cấp hạ tầng và tổ chức sắp xếp lại trật tự kinh doanh chợ truyền thống theo hướng văn minh, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại - dịch vụ trên địa bàn thành phố.
Khách mua hàng tại chợ Mới (quận Hải Châu). Ảnh: QUỲNH TRANG |
Cần thiết sắp xếp, quy hoạch lại
Việc kêu gọi đầu tư xây dựng và cải tạo các chợ bên cạnh việc quản lý và đào tạo kỹ năng phục vụ của tiểu thương là việc rất cấp bách hiện nay. Tuy nhiên, nếu việc kêu gọi đầu tư được triển khai theo hướng đầu tư vì lợi nhuận sẽ khiến chi phí mà tiểu thương trong chợ phải chịu sẽ tăng dẫn đến mất lợi thế cạnh tranh vốn có của chợ truyền thống là giá cả thấp và cung cấp đa dạng sản phẩm (do chi phí cố định thấp sẽ giúp nhiều tiểu thương khác nhau tham gia cung ứng hàng hóa khác nhau với quy mô nhỏ).
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Trừ cho biết, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 quy định: hạ tầng thương mại không nằm trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP, vì vậy không thể kêu gọi nhà đầu tư theo hình thức PPP để đầu tư xây dựng chợ.
Đối với việc đầu tư xây dựng mới, sửa chữa chợ hiện nay áp dụng theo hình thức sau: từ nguồn ngân sách Nhà nước và huy động từ tiểu thương đóng góp; sử dụng vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước đối với chợ dân sinh (chợ hạng 3 theo Nghị định số 02/2003/NĐ-CP), chợ đầu mối. Do đó, một số địa phương đang đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa chợ hạng 1, hạng 2 gặp khó khăn về nguồn vốn, chưa thể triển khai thực hiện theo đúng tiến độ.
Theo Ths Trần Danh Nhân (giảng viên Khoa Thương mại điện tử, Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), nhằm duy trì và phát huy lợi thế cạnh tranh của chợ truyền thống so với các mô hình thương mại hiện đại khác như các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh hay các mô hình kinh doanh trực tuyến, chợ truyền thống nên được đầu tư theo hướng không vì lợi nhuận từ các nguồn tài trợ của Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội nhằm duy trì mức chi phí thấp cho tiểu thương, bảo đảm khả năng cạnh tranh của tiểu thương trong chợ.
Tuy nhiên, công tác quản lý vận hành và quản lý tài chính của chợ cần được chuyên nghiệp hóa nhằm bảo đảm việc các chợ truyền thống có thể tự vận hành sinh lãi và dùng lãi đó để tái đầu tư duy trì và cải tạo cơ sơ vật chất của chợ. Các doanh nghiệp phù hợp để thu hút vốn đầu tư không vì lợi nhuận cho chợ truyền thống có thể là các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm hay các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Phương thức khả dĩ giúp chuyên nghiệp hóa công tác quản lý vận hàng và quản lý tài chính có thể là phương thức đấu thầu quản lý.
QUỲNH TRANG