Kinh tế
Tiếp sức doanh nghiệp phục hồi và phát triển
Công tác phòng, chống Covid-19 trên địa bàn hiệu quả đã góp phần hồi phục kinh tế thành phố, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm 2022 cũng tăng 39,2% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương với 1.815 doanh nghiệp). Để góp phần vào kết quả tích cực trên, các nghị quyết, chính sách hỗ trợ, khôi phục kinh tế do Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành đã và đang được triển khai giúp doanh nghiệp ổn định và mở rộng sản xuất, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Các nghị quyết, chính sách hỗ trợ do thành phố ban hành đã tạo điều kiện để doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh trong năm 2022. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Nhà máy điện tử Trung Nam EMS (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.Q |
Hơn 3 năm đầu tư tại Đà Nẵng, Công ty TNHH Universal Alloy Corporation (UAC) Việt Nam (Khu Công nghệ cao Đà Nẵng) đã hoàn thành giai đoạn 1 vượt tiến độ cam kết và đang triển khai hoạt động sản xuất theo đúng yêu cầu về thời gian cho các đối tác. Hiện công ty đang xem xét mở rộng quy mô các dự án để đầu tư tại Đà Nẵng.
Ông Trương Hoàng Nguyên, Giám đốc điều hành công ty cho biết, để có được kết quả trên, doanh nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ, quan tâm rất lớn từ chính quyền thành phố, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng về thủ tục đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Cụ thể, UAC được miễn tiền thuê đất, miễn giảm tiền sử dụng hạ tầng, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất khẩu; đặc biệt trong giai đoạn Covid 19, công ty đã nhận được sự hỗ trợ và cùng tháo gỡ các khó khăn. Với sự tiếp sức đó, UAC bảo đảm duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Không chỉ riêng UAC, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đầu tư tại Khu Công nghệ cao đã nhận được những hỗ trợ từ chính sách ưu đãi đối với Khu Công nghệ cao Đà Nẵng theo Nghị định số 04/2018/NĐ-CP ngày 4-1-2018 của Chính phủ. Nghị định quy định ưu đãi về tiền thuê đất, tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, ưu đãi về tín dụng đầu tư, tiền sử dụng hạ tầng, ưu đãi về xuất, nhập cảnh. Lũy kế đến nay, Khu Công nghệ cao thu hút 26 dự án; nâng tổng vốn đầu tư lên 5.985 tỷ đồng và 607,6 triệu USD.
Ở khía cạnh khác, để hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhiều chính sách đặc thù của thành phố đã được ban hành và phát huy tác dụng, có thể kể đến như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ trên địa bàn. Đến nay, thành phố đã hỗ trợ hơn 2,8 tỷ đồng cho 17 doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp tiêu biểu trong hoạt động đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất, phát triển sản phẩm mới từ chính sách có thể kể đến như: Công ty TNHH Châu Đà, Công ty CP Điện Trường Giang...
Là doanh nghiệp từng có 3 lần nhận hỗ trợ đổi mới công nghệ của thành phố cho các dự án nghiên cứu, chế tạo thiết bị áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất với tổng kinh phí hơn 1,6 tỷ đồng, Công ty CP Cơ khí Hà Giang - Phước Tường liên tục cải tiến sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, thay thế được hàng nhập khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.
Ông Hà Giang, Chủ tịch HĐQT công ty đánh giá, trong bối cảnh chịu nhiều tác động lớn từ Covid-19, các chính sách đã tiếp sức doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất đã tạo động lực cho công ty có được những sản phẩm tốt nhất. Nhờ sự tiếp sức của thành phố, công ty đã mở rộng được quy mô sản xuất, có thêm khách hàng mới, doanh thu năm sau cao hơn năm trước khoảng 20%.
Nhiều chính sách hỗ trợ được thành phố ban hành nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH ICT Vina (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.Q |
Trước kỳ họp HĐND thành phố cuối năm 2021, thành phố đã hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng cho 5 lượt doanh nghiệp, dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để đầu tư máy móc thiết bị cũng như vay vốn ưu đãi. Sau khi HĐND thành phố thông qua Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Đà Nẵng, Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố dự thảo chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025 và dự thảo quyết định của UBND thành phố ban hành quy chế xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tại Tờ trình số 1307/TTr-SCT ngày 7-6-2022. Dự kiến, nhiều nội dung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ được thành phố ban hành trong thời gian tới.
Ông Lâm Phùng Út, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức (quận Liên Chiểu) chia sẻ, là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nên công ty rất mong Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND sớm được triển khai. Bản thân công ty cũng đã được hỗ trợ khi vay vốn tại Quỹ Đầu tư phát triển thành phố nhiều năm qua với lãi suất ưu đãi 6%/năm cũng như hạn mức cho vay lớn, khoảng hàng chục tỷ đồng để đầu tư máy móc cho cơ khí chính xác và gia công thiết bị.
Có thể nói, chính sách để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi là điều mà nhiều doanh nghiệp đánh giá cao trong các chính sách hỗ trợ của thành phố. Chính sách phát triển nông, lâm, ngư nghiệp cũng được thành phố quan tâm, mới đây, thành phố đã bố trí 5 tỷ đồng trong năm 2022 để thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố theo Nghị quyết số 329/2020/NQ-HĐND ngày 9-12-2020 của HĐND thành phố.
Nhìn nhận về các chính sách hỗ trợ của thành phố được ban hành trong thời gian qua, ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bình Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố đánh giá là tương đối kịp thời; nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời giúp các doanh nghiệp bớt một phần chi phí, có thêm nguồn vốn sản xuất. Bản thân doanh nghiệp của ông Bình cũng đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ của thành phố. Tuy nhiên, theo ông Bình, vẫn có một số chính sách ban hành lâu nhưng còn chậm triển khai hoặc doanh nghiệp còn chưa tiếp cận được nên cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thành phố tiếp tục rà soát để sớm đưa vào thực tế.
MAI QUẾ