Kinh tế

Doanh nghiệp xoay xở mùa sản xuất cuối năm

06:48, 15/11/2022 (GMT+7)

Cuối năm là mùa tăng tốc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Khác với mọi năm, năm nay, càng về cuối năm, nhiều yếu tố bất lợi như: tình hình lạm phát ở các nước làm giảm sức cầu hàng hóa và ảnh hưởng đến đầu tư mới; gián đoạn chuỗi cung ứng dự báo còn tiếp diễn làm giảm đà phục hồi các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại hậu Covid-19... Vì vậy, hiện nay, cùng với các chính sách hỗ trợ của thành phố, doanh nghiệp đang nỗ lực vượt khó.

Lãi suất ngân hàng cao những tháng cuối năm khiến doanh nghiệp gặp khó. Trong ảnh: Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG
Lãi suất ngân hàng cao những tháng cuối năm khiến doanh nghiệp gặp khó. TRONG ẢNH : Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Công ty CP Công nghệ Bích Hạnh (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) chuyên sản xuất tủ bảng điện và thiết bị ngành điện, cung cấp cho đối tác trong và ngoài nước. 80% thị phần kinh doanh của công ty là thị trường trong nước, 20% còn lại là ở một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Để đáp ứng chiến lược phát triển dài hạn, ngoài việc chú trọng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, công ty đầu tư máy móc mới để nâng công suất, hiện đại hóa sản phẩm…

Tuy nhiên, những tác động bất lợi từ thị trường khiến việc kinh doanh trong quý 4 của công ty sụt giảm 30-40% so với cùng kỳ. Ông Huỳnh Ngọc Trung, Giám đốc công ty, cho hay nguồn vật liệu chính của công ty là các linh kiện chip điện tử nhập khẩu từ Pháp, Ý. Trong bối cảnh cả châu Âu đang vật lộn với lạm phát tăng, giá nguyên liệu nhập về không chỉ tăng cao mà còn khan hiếm.

Dù đã có các giải pháp để tiết giảm các khâu trung gian, tối ưu hóa chi phí sản xuất và ứng dụng công nghệ nhưng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của các nước cũng giảm mạnh nên hợp đồng xuất khẩu sang các thị trường lớn giảm đáng kể. Hiện, công ty chỉ cố gắng hoàn thành các đơn hàng đã ký kết trong năm, chưa có đơn hàng mới cho quý 1-2023.

Bên cạnh sức tiêu thụ của thị trường thì vấn đề dòng vốn lưu động cũng đang là nỗi âu lo của không ít DN. Đại diện một DN chuyên về lĩnh vực xuất khẩu gỗ trên địa bàn cho hay, thời gian này, ông phải vất vả thu hồi các công nợ cũ. Lĩnh vực gỗ chi phí ban đầu lớn nên trong bối cảnh cạnh tranh và nhu cầu sụt giảm thì phải có những ưu đãi nhất định với khách hàng nhưng công nợ dồn về cuối năm khiến dòng tiền của DN rất khó khăn.

Chưa kể, lãi suất ngân hàng đang cao khiến DN gặp khó khăn về dòng tiền. Ông nói: “Năm ngoái, lãi suất cho DN vay chỉ khoảng 7,5-8%/năm nhưng nay đã tăng lên 9%/năm. Nhu cầu thị trường, siết chặt tín dụng, giải ngân nhỏ giọt, muốn làm cũng không làm được, khó nhất về dòng tiền, không có tiền là chịu không làm gì được, đơn hàng đã có”.

Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường. Ảnh: QUỲNH TRANG
Công nhân đang làm việc tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường. Ảnh: QUỲNH TRANG

Ông Hà Ngọc Thống, Giám đốc Nhà máy giấy bao bì Tân Long (đường số 10, Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) chia sẻ, sản phẩm chính của nhà máy là giấy và bao bì carton và đối tác chính của nhà máy là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu như dệt may, da giày, thủy sản.

Trong 10 tháng qua, nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, tác động tiêu cực đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, chuỗi cung ứng của thị trường toàn cầu bị ảnh hưởng, nhu cầu thị trường giảm dẫn đến một số doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhà máy giảm sản lượng tiêu thụ.

“Tuy nhiên, trong 10 tháng giảm, chúng tôi đi tìm khách hàng mới, mở rộng thị trường tiêu thụ và đã có kết quả khả quan. Đó là chúng tôi đánh mạnh vào phân khúc giấy cao cấp - thị trường tiềm năng nhưng lâu nay bị bỏ ngỏ. Trước mắt, dù chỉ còn 2 tháng nữa là kết thúc năm nhưng nhà máy đã có được một vài đơn hàng lớn giúp tăng đến 30% doanh thu”, ông Thống cho biết. 

Trong khi đó, tại Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường (Khu công nghiệp Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ), hơn 100 nhân công làm việc hết sức khẩn trương bởi hiện lượng đơn hàng của công ty đã đủ cho những tháng cuối năm. Sản phẩm chính của công ty là kết cấu thép, nhà xưởng cho các nhà máy, kết cấu thép cho các công trình thể thao - văn hóa; thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện... Thị trường là các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. “Năm nay, doanh số ký hợp đồng tăng hơn 60% so với năm 2021 và đã ký hợp đồng 50% cho sản lượng của năm 2023 nên người lao động rất yên tâm làm việc”, Giám đốc công ty Hà Đức Hùng cho biết.

Trợ lực cho doanh nghiệp

Để ổn định sản xuất công nghiệp trong thời gian tới, Sở Công Thương và các sở, ban, ngành thành phố tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp thành phố Đà Nẵng năm 2022. Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết, thời gian đến, ngành công thương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đã được HĐND thành phố ban hành như: triển khai các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực điện tử, thiết bị điện, cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị, sản xuất ô-tô, phương tiện vận tải khác theo Nghị quyết số 53/2021/NQ-HĐND quy định chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn; trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tham gia kết nối cung cầu, tham gia hội chợ triển lãm trong và ngoài nước… Bên cạnh đó, phối hợp với đầu mối Bộ Công Thương, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, khai thác có hiệu quả các thị trường Việt Nam đã đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP) và các thị trường tiềm năng, thị trường mới tại các khu vực châu Phi, Nam Mỹ, Tây Á - Trung Đông...

QUỲNH TRANG

.