Những 'chiến sĩ' áo cam thầm lặng

.

Hình ảnh người thợ điện trong màu áo cam có lẽ đã trở nên quen thuộc với tất cả mọi người, nhưng những nỗi vất vả, hy sinh thầm lặng để mang nguồn sáng đến với cộng đồng thì ít ai hiểu được. Bởi vậy, khi thấu hiểu được những khó khăn vất vả đó, tôi lại càng khâm phục và trân quý những người công nhân ngành điện hơn...

Những
Những "chiến sĩ" áo cam thầm lặng của PC Đà Nẵng.

Khoác lên mình bộ đồ màu cam nổi bật ấy cũng đồng nghĩa các anh mang trong mình sứ mệnh mang ánh sáng, mang nguồn điện đến cho mọi nhà. Hàng ngày, các anh đến cơ quan từ sớm, chuẩn bị vật tư, cập nhật sổ sách, sinh hoạt đầu giờ, được phổ biến các biện pháp an toàn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ kịp tiến độ, chất lượng và an toàn. Sau khi nhận được phân công, các anh lại cùng nhau tỏa ra mọi nẻo đường, ngõ, hẻm, nắm bắt trực tiếp công việc, kiểm tra hành lang an toàn đường dây điện trung thế, hạ thế, trạm biến áp; kịp thời phát hiện sự cố, hư hỏng trên đường dây điện và xử lý kịp thời, cấp điện ổn định cho khách hàng.

Với đặc thù công việc luôn bảo đảm nguồn điện vận hành an toàn, liên tục phục vụ cho hoạt động của người dân, công việc của các anh được thực hiện bất kỳ vào thời gian nào kể cả lúc nửa đêm, khi thành phố đã lên đèn hoặc ngay cả khi người dân đã chìm sâu vào giấc ngủ.

Vào ngày lễ, Tết, trong khi mọi người được sum vầy bên bữa cơm gia đình đầm ấm, thì anh em ngành điện vẫn phải chia nhau trực ca thâu đêm. Bất kể nắng nóng khắc nghiệt hay mưa bão, lũ lụt tại các vùng dân cư trên địa bàn, các anh vẫn sẵn sàng đảm nhận mọi công việc, từ leo cao xử lý sự cố đường dây trung, hạ áp, xây lắp các công trình lưới điện, để đảm bảo cho việc cung cấp điện ổn định cho người dân. Hình ảnh người thợ điện lúc ấy đẹp đẽ vô cùng và trong mắt người dân, và họ như những người anh hùng giữa đời thường.

Nhớ lại thời điểm dịch Covid-19 hoành hành khắp thành phố, các anh vẫn nhận nhiệm vụ trong tư thế sẵn sàng ứng biến với mọi tình huống để bảo đảm cho dòng điện luôn được thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Và mới đây, trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua, sau khi cơn bão số 4 (Noru) càn quét dữ dội qua các tỉnh miền Trung là lúc các anh căng mình chạy đua với thời gian để khắc phục sự cố sau bão và khôi phục cấp điện trở lại một cách nhanh nhất và an toàn nhất cho hơn 246.000 khách hàng trong toàn thành phố.

Trong một lần chuyện trò, tôi có hỏi các anh: “Công việc của một công nhân ngành điện em thấy rất nhiều rủi ro và có thể xảy ra nguy hiểm, sao các anh vẫn lựa chọn ngành này và tận tâm với công việc đến thế?”. Câu trả lời của các anh khiến tôi nhớ mãi: “Công nhân ngành Điện tụi anh, đúng là ngoài vất vả, khó khăn thì còn đối mặt với nguy hiểm. Có những hôm, anh em làm công tác sửa chữa, cải tạo lưới điện phải treo mình lơ lửng trên cao dưới trời nắng như đổ lửa hay dầm mình dưới trời mưa giông... Nhưng vì tình yêu nghề, trách nhiệm với công việc, tụi anh luôn tự nhủ mình cố gắng vượt qua khó khăn, không bao giờ nản lòng và bỏ cuộc. Anh luôn ý thức tự rèn luyện sức khỏe, cẩn thận khi làm việc để giảm thiểu rủi ro, tai nạn nghề nghiệp. Từ đó mà quen, anh lại thấy rất hạnh phúc khi là một phần quan trọng trong “đội ngũ mang ánh sáng đến cho mọi nhà” các anh tâm sự.

Màu áo cam của các anh trong mắt tôi giờ đây là màu của sự ngưỡng mộ, sự khâm phục và sự thân thuộc. Trong công việc hằng ngày, những người thợ, nhân viên ngành điện luôn gặp không ít vất vả, thậm chí phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng các anh vẫn vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các anh đã phải gác lại bao nỗi lo toan cũng như bao thiệt thòi để bảo đảm dòng điện luôn chảy liên tục, thắp sáng bao niềm tin trong lòng bao nhiêu hộ gia đình. Tuy gian lao là thế, nhưng màu áo ấy vẫn luôn chứa đựng tinh thần lạc quan, vui vẻ, chan hòa mọi người xung quanh, những nụ cười luôn thường trực trên môi vì các anh đã mang nguồn ánh sáng - nguồn hạnh phúc - đến cho mọi nhà. Đơn giản chỉ có yêu nghề điện, yêu người dân hay yêu quý cái sứ mệnh thiêng liêng của ngành điện thì các anh mới có thể hết mình với công việc của mình như vậy.

Nhiệt huyết của các anh không chỉ dành cho nghề, cho bản thân mà còn dành cho anh em đồng nghiệp và người dân thành phố. Các anh coi nhau như anh em ruột thịt, sẵn sàng hỗ trợ công tác lẫn nhau để đảm bảo tiến độ và hiệu quả công việc, các anh cũng sẵn sàng giúp đỡ bà con ở địa phương nơi mình công tác như thay bóng đèn, hướng dẫn bà con sử dụng điện tiết kiệm một cách an toàn và hiệu quả, hướng dẫn bà con cách xử lý an toàn tạm thời các sự cố trước khi các anh có mặt... Các anh không chỉ làm tròn trách nhiệm của một nhân viên Điện lực mà còn tạo được lòng tin, sự yêu mến của người dân bằng chính sự nhiệt tình, chân thành của mình.

Thấu hiểu được nỗi vất vả, khó khăn cũng như tinh thần nỗ lực, lạc quan yêu đời, yêu nghề và cống hiến hết mình của những người “chiến sĩ áo cam” thầm lặng trong việc giữ vững nguồn sáng cho quê hương, đất nước. Cột điện nào cao nhất sẽ thấy anh ở đó, cung đường nào trắc trở cũng đều in dấu chân các anh; nghĩ thế tôi càng thêm trân trọng và yêu quý những người công nhân ngành điện.

Thanh Trang

;
;
.
.
.
.
.