Nông dân vào vụ hoa Tết

.

Sau đợt mưa bão vừa qua, nông dân tại các vùng chuyên canh trồng hoa trên địa bàn thành phố đang tất bật chăm bón, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật để cây hoa phát triển tốt, bảo đảm hoa nở đúng thời điểm phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Nông dân tại vùng sản xuất hoa Dương Sơn, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) đang chăm sóc hoa cúc. Ảnh: VĂN HOÀNG
Nông dân tại vùng sản xuất hoa Dương Sơn, xã Hòa Châu (huyện Hòa Vang) đang chăm sóc hoa cúc. Ảnh: VĂN HOÀNG

Xuống giống nhiều loại hoa

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, tại một số vùng trồng hoa trên địa bàn thành phố như Hòa Phát (quận Cẩm Lệ), Nhơn Thọ (xã Hòa Phước), Dương Sơn (xã Hòa Châu)…, không khí trồng trọt, sản xuất diễn ra tất bật. Nhiều chủng loại, giống hoa quen thuộc, đặc trưng được xuống giống, bảo đảm nhu cầu, đáp ứng thị hiếu của khách hàng. So với cùng thời điểm năm ngoái, các loại hoa phát triển ổn định, tươi tốt hơn.

Trên diện tích khoảng 3.300m2 tại vùng sản xuất hoa Dương Sơn, ông Đoàn Văn Trinh (trú xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) cùng nhiều nhân công khác đang chăm sóc các chậu hoa để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2023. Dự kiến, ông sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 1.200 chậu cúc đất với 200 chậu vạn thọ, 1.000 chậu hoa treo các loại… cho dịp Tết năm nay.

Đợt mưa bão vừa qua, một số chậu cúc trong vườn bị dập lá, rễ suy khiến cây chậm phát triển. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, số hoa trên đã ổn định trở lại, phát triển và sinh trưởng tốt, nhiều chậu hoa đã cao được khoảng 50cm. “Năm nay, tất cả chi phí đầu vào về giống, phân bón, chậu, nhân công… đều tăng, thậm chí có loại phân bón còn tăng giá gấp đôi. Bây giờ chúng tôi đang tập trung chăm sóc để cây phát triển tốt”, ông Trinh cho hay.

Cách đó không xa, vườn hoa treo dạ yến thảo rộng khoảng 3.000m2 của ông Trần Dũng Quốc (trú xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) cũng đang phát triển tốt. Thời điểm này, ông Quốc cùng các nhân công đang tập trung chăm sóc, đưa hoa lên giàn, bảo đảm tiến độ để cung cấp cho thị trường. Được biết, số hoa treo tại vườn được tiêu thụ quanh năm nên ông Quốc phải trồng “cuốn chiếu”, liên tục để đáp ứng kịp thời nhu cầu của thị trường. Do nhu cầu trang trí dịp Tết của người dân tăng cao, ông tăng thêm số lượng hoa để cung ứng ra thị trường.

Còn tại xã Hòa Liên, do không có đất trồng tập trung, nhiều nông dân tại vùng hoa Vân Dương đã chuyển về trồng rải rác tại các dự án chưa xây dựng và đất trống ở các thôn trên địa bàn. Ông Ngô Văn Thành (trú thôn Vân Dương, xã Hòa Liên) cho hay, vụ Tết năm nay, gia đình ông đã chuẩn bị khoảng 1.300 chậu cúc pha lê, tăng khoảng 30% so với năm trước và 250 chậu hoa trạng nguyên...

Trong đợt mưa bão vừa qua, nhiều diện tích bị ngập lụt khiến một số chậu hoa bị chết, ông Thành phải dặm trở lại. Dự kiến, vào cuối tuần này, ông Thành sẽ trồng thêm hoa ly để phục vụ nhu cầu của thị trường trong dịp Tết Quý Mão.

Kỳ vọng được mùa, được giá

Ông Lý Phước Dạng, Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất hoa Dương Sơn cho biết, toàn vùng có 23 hộ trồng hoa với tổng diện tích 4,5ha, trong đó có 4 hộ trồng hoa lan và hoa treo, 18 hộ trồng hoa cúc và hoa các loại, 1 hộ trồng hoa sen. Các giống hoa chủ lực tại vùng gồm: cúc đại đóa, cúc pha lê, vạn thọ, hoa treo, hoa lan Mokara…

Trong dịp Tết năm nay, nông dân trong vùng sẽ sản xuất khoảng 15.000 chậu cúc các loại, khoảng 4.000 chậu vạn thọ, ly ly… “Còn khoảng hơn 1 tháng nữa, thương lái từ các nơi sẽ đến vườn hoa để thu mua phục vụ dịp Tết. So với mọi năm, chí phí sản xuất đầu vào năm nay tăng nên giá hoa có khả năng tăng nhẹ. Thời điểm này, cây hoa bước vào giai đoạn phát triển quan trọng nên nông dân trong vùng đang tập trung chăm sóc. Mong vụ hoa Tết năm nay sẽ được mùa, được giá để nông dân có thêm thu nhập sau một năm vất vả trồng trọt”, ông Lý Phước Dạng chia sẻ.

Tại xã Hòa Phước, nông dân trên địa bàn xã đang trồng khoảng 6.700 chậu cúc các loại, 7.000m2 trồng cây cúc đất, 3.000m2 hoa thạch thảo. Riêng vùng hoa Nhơn Thọ (thôn Nhơn Thọ 1, xã Hòa Phước) có khoảng 14 hộ dân đang sản xuất với tổng diện tích gần 4ha, trong đó, 12 hộ trồng hoa cúc chậu và cúc đất, 2 hộ trồng hoa lan.

Bà Nguyễn Thị Bông, nông dân trồng hoa trong vùng cho hay, từ ngày 10-8 âm lịch, bà đã xuống giống hoa cúc chậu. Số giống trên được bà Bông nhập từ thành phố Đà Lạt, sau 2 tháng trồng, số lượng hoa đang phát triển ổn định. Năm nay, bà trồng khoảng 200 chậu cúc, khoảng 70 chậu vạn thọ, thược dược và khoảng 300 chậu vạn thọ lùn.

“Đợt mưa lũ vừa qua, do vùng hoa nằm trên diện tích đất cao, hệ thống thoát nước nhanh nên không bị ảnh hưởng, nhờ vậy, cây vẫn phát triển khỏe mạnh. Trồng hoa khó nhất là giữ được màu lá xanh, đẹp, không bị bầm và hoa nở đúng dịp nên mong thời tiết sẽ thuận lợi để hoa phát triển, bán được giá”, bà Bông tâm sự.

Phó chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp thành phố Đoàn Văn Bảo cho biết, các đợt mưa bão thường khiến cây bị dập, tổn thương, gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để một số bệnh phát sinh trên cây như: bệnh đốm lá, thối thân, lở cổ rễ, héo xanh…

Chi cục đã có hướng dẫn các địa phương, nông dân các vùng sản xuất hoa thực hiện các biện pháp phòng trừ, xử lý sâu bệnh hại. Ngoài ra, cán bộ của chi cục cũng thường xuyên đứng điểm tại các vùng sản xuất, trực tiếp hướng dẫn và xử lý kịp thời các sự cố, không để ảnh hưởng đến tình hình trồng trọt của nông dân.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.