Kinh tế
Xuất khẩu thủy sản 10 tháng tăng 34%
Cụ thể, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu tôm đạt gần 3,8 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm 2022 đạt trên 4,4 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2021. Về cơ cấu, tôm chân trắng vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, chiếm 75% với khoảng trên 3,2 tỷ USD, tôm sú chiếm khoảng 13% với gần 0,5 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 10-2022, xuất khẩu thủy sản cả nước đã mang về 9,5 tỷ USD. Ảnh tư liệu: TTXVN |
Xuất khẩu cá tra tăng trưởng ấn tưởng với kim ngạch 10 tháng của năm đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến cả năm 2022, xuất khẩu cá tra sẽ đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với năm 2021.
Theo các doanh nghiệp, năm 2022, kinh tế thế giới nhiều biến động, tác động tiêu cực đến hầu hết mặt hàng xuất khẩu, tuy nhiên lạm phát và xung đột Nga - Ukraine đã giúp cho sản phẩm cá thịt trắng có giá phải chăng như cá tra tăng mạnh doanh số xuất khẩu đi các thị trường. Đa số các thị trường đều tăng từ 40 - 200% giá trị nhập khẩu cá tra của Việt Nam trong năm nay.
Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ tính đến hết tháng 10 ước đạt 890 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ. Dự báo đến cuối năm 2022, lần đầu tiên cá ngừ gia nhập nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Có được kết quả trên là nhờ các doanh nghiệp tận dụng tốt nguồn nguyên liệu trong nước và nhập khẩu để chế biến đa dạng sản phẩm cũng như đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ loin, phile đông lạnh và cá hộp sang các thị trường.
Các sản phẩm mực - bạch tuộc cũng đạt mức tăng trưởng xuất khẩu khá, 10 tháng đầu năm doanh số xuất khẩu đạt 625 triệu USD, tăng 32%. Ước tính cả năm 2022, xuất khẩu mực - bạch tuộc sẽ đạt 734 triệu USD, tăng 22% so với năm 2021.
Với những kết quả đạt được trong 10 tháng năm 2022, Vasep dự báo đến cuối tháng 11, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sẽ đạt hơn10 tỷ USD, mốc kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.
Bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm đào tạo và xúc tiến thương mại Vasep nhận định: Năm 2022 là một năm có nhiều biến động và khó khăn đối với ngành xuất nhập khẩu. Với sự nỗ lực không ngừng, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã biến thách thức thành cơ hội, tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do cũng như nhu cầu của thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo bà Lê Hằng, đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ chiếm khoảng 3% tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam; đóng góp gần 12% giá trị trong tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước. Trong khi tỷ trọng của nhóm hàng nông lâm thủy sản nói chung đang bị giảm 0,6% điểm thì ngành hàng thủy sản tăng 0,4% điểm, cho thấy sự bứt phá và vai trò ngày càng quan trọng của ngành thủy sản trong chỉ số tăng trưởng GDP của cả nước, đặc biệt trong ngành hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu.
Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Na Uy (2 cường quốc có diện tích đất và mặt nước lớn hơn nhiều so với Việt Nam). Với kết quả của năm 2022, ước tính thủy sản Việt Nam sẽ chiếm hơn 7% thị phần trên thị trường thủy sản thế giới.
Theo TTXVN