Kinh tế
Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP
UBND quận Thanh Khê vừa đưa vào hoạt động điểm giới thiệu, bán sản phẩm trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (hay còn gọi OCOP); tạo điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm OCOP tiếp cận với thị trường và người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy kinh tế, dịch vụ của địa phương.
Quận Thanh Khê đưa vào hoạt động điểm bán hàng OCOP đặt tại số 86 Phạm Nhữ Tăng, phường Hòa Khê. Ảnh: NGỌC HÀ |
Điểm bán hàng OCOP có địa chỉ tại số 86 Phạm Nhữ Tăng (phường Hòa Khê) do Cơ sở sản xuất giò chả Thảo Sinh làm đại diện. Tại đây, ngoài các mặt hàng của cơ sở như: chả gà, chả rạm đồng, chả da bao ớt hiểm, chả bao tử da bao, chả bao tử bát bửu, chả lụa, chả bò, chả lụa da bao... thì còn trưng bày các sản phẩm OCOP trên địa bàn quận và nhiều mặt hàng khác. Các sản phẩm được trưng bày và bán được niêm yết giá, bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc... theo quy định hiện hành.
Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng điểm bán hàng này đã thu hút sự quan tâm của người dân. Chị Nguyễn Kim Ánh (trú đường Trần Xuân Lê, phường Hòa Khê) cho biết, các mặt hàng bày bán khá đẹp mắt, đa dạng từ sản phẩm của địa phương đến đặc sản vùng miền, thực phẩm nhập khẩu, rất thuận tiện cho người dân mua sắm, nhất là thời điểm Tết sắp tới. “Tôi nghĩ nếu được quảng bá mạnh mẽ thì các điểm bán hàng OCOP sẽ được người dân hưởng ứng, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam như tuyên truyền lâu nay”, chị Ánh nói.
Theo ông Võ Kim Tú, Trưởng phòng Kinh tế quận Thanh Khê, Nghị quyết Đảng bộ quận Thanh Khê đặt ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu kinh tế thương mại - dịch vụ đạt 86,15%; do đó, việc tập trung phát triển sản phẩm OCOP được đặc biệt quan tâm. Dựa vào tiềm lực của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, UBND quận xác định, các sản phẩm tham gia chương trình OCOP đến năm 2025 sẽ tập trung vào các nhóm sản phẩm có thế mạnh như: nhóm thực phẩm tươi sống, chế biến từ nông - thủy sản; nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ (từ mây tre, gỗ) và nhóm hoa cây cảnh.
Hiện quận Thanh Khê có 9 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Đây là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm chế biến, đặc sản của quận Thanh Khê gắn với nghề truyền thống, được sản xuất với chất lượng, giá cả phù hợp cho người tiêu dùng.
Trong 3 năm qua, với các chính sách đã hỗ trợ nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm OCOP, quận quan tâm đến công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung – cầu thông qua việc tham gia các hội chợ, phiên chợ, triển lãm sản phẩm OCOP (bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến) được tổ chức trong và ngoài thành phố. Đặc biệt, UBND quận hỗ trợ phát triển thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online). Đây là hình thức giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm hiện đại phù hợp xu thế công nghệ số hiện nay và chủ trương chuyển đổi số của quận.
Song song với các hình thức, kênh quảng bá, UBND quận Thanh Khê phát triển, hình thành điểm trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng trên địa bàn quận. Đây là một kênh phân phối, quảng bá cần thiết nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm đặc trưng được kiểm soát và đánh giá chất lượng; góp phần thúc đẩy liên kết giữa việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tăng cường quảng bá các sản phẩm rộng rãi trên thị trường trong và ngoài quận.
“Để điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP hoạt động đạt hiệu quả tốt, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND quận đã đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan hỗ trợ, hướng dẫn việc vận hành điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP bảo đảm theo quy định của pháp luật, đặc biệt là trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và chống gian lận thương mại. UBND các phường tuyên truyền, giới thiệu để người dân biết và tham quan mua sắm”, ông Tú chia sẻ.
NGỌC HÀ