Kinh tế
Định vị thương hiệu du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc
Ngày 21-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến về thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP |
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan; nghiên cứu, sớm hoàn thiện và trình ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh định hướng “cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không chỉ cái chúng ta sẵn có”; phát triển ngành du lịch cần theo tinh thần sáng tạo, phát triển cả du lịch quốc tế và nội địa, phát triển du lịch xanh, bền vững. Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực; gắn với kinh tế, văn hóa, thể thao, lịch sử, truyền thống dân tộc, đất nước, con người Việt Nam; giải quyết vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng -an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Về nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về du lịch, nhất là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, từng năm và nhất là Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, phục hồi du lịch nhanh và phát triển bền vững gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu, các nền tảng số kết nối hệ thống thông tin cho công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý Nhà nước và phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế. Các tập đoàn lớn về viễn thông, công nghệ thông tin phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các doanh nghiệp du lịch theo cơ chế thị trường trên tinh thần lợi ích hài hòa.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực du lịch về hạ tầng, cơ sở vật chất, chi phí logistics, nhân lực, cách làm, tổ chức các tuyến du lịch... cơ cấu lại các hoạt động du lịch phù hợp với tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, đáp ứng với xu thế toàn cầu và thích ứng với những biến động trên thị trường du lịch thế giới; đẩy mạnh hợp tác công-tư, huy động các nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế để đầu tư phát triển cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng du lịch, nhất là ở những vùng có tiềm năng, bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; mở rộng mạng lưới giao thông đường bộ, đường hàng không…
Xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới, độc đáo trên cơ sở tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ. Công tác xúc tiến đầu tư, thông tin, truyền thông, quảng bá về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam tới bạn bè, du khách quốc tế cũng cần đẩy mạnh, trong đó cần phối hợp chặt chẽ, phát huy hiệu quả vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức, cá nhân Việt Nam, các kênh ngoại giao… nhằm quảng bá, phát triển du lịch.
MAI QUẾ