Kinh tế
Kinh tế Việt Nam năm 2022 phản ánh khả năng ổn định và phát triển trong bối cảnh khủng hoảng
Đài Sputnik dẫn ý kiến phân tích từ Giáo sư-Tiến sĩ kinh tế Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc và châu Á hiện đại, đánh giá nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đã ghi nhận những chỉ số tích cực, phản ánh khả năng ổn định và phát triển trong bối cảnh diễn ra các cuộc khủng hoảng chồng chéo.
Sản xuất chi tiết động cơ, ly hợp, côn, hộp số của ô tô, xe máy tại Công ty Exedy Việt Nam, Khu công nghiệp Khai Quang. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Ông Vladimir Mazyrin đánh giá tăng trưởng Tổng sản phẩm nội địa (GDP) là thành công rõ nét nhất của Việt Nam. Theo Giáo sư Mazyrin, tuy chưa có số liệu cuối cùng và trong các báo cáo thống kê 11 tháng đầu năm cũng chưa có thông số này, song số liệu về tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm là khoảng 3%. Các tổ chức xếp hạng và ngân hàng thế giới dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay và những năm tới ở mức 6,5-7%. Ông Mazyrin dự báo con số này sẽ ở mức 4-5%, cho rằng mức tăng trưởng này cũng đã là thành công lớn đối với kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch Covid-19 khiến chỉ số này của nhiều quốc gia về âm.
Bên cạnh đó, Giáo sư Mazyrin nhận định số liệu sản xuất công nghiệp 11 tháng cho thấy xu hướng khả quan. Theo ông Mazyrin, tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp trong 11 tháng là khoảng 9%, trong đó sản xuất điện tăng trưởng 7,7%, cho thấy công nghiệp vẫn là ngành chủ đạo của nền kinh tế Việt Nam. Đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang đạt được tiến bộ trong mục tiêu trở thành "xưởng sản xuất thế giới".
Kết quả 11 tháng cho thấy vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Việt Nam đạt 25 tỷ USD - thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái, song Giáo sư Mazyrin đánh giá con số này vẫn ở mức tốt. Ông Mazyrin đánh giá 2 tỷ lệ vốn -vốn được đăng ký và vốn đã sử dụng - trong 11 tháng có sự chênh lệch rất nhỏ, cho thấy sự cân bằng và hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, ông lưu ý rằng tỷ lệ hấp thụ vốn tại Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt. Trong 11 tháng, chỉ số này đã tăng 15% và đạt gần 20 tỷ USD.
Giáo sư Mazyrin cho rằng ngoại thương là một ví dụ về thành công nổi bật nhất của nền kinh tế Việt Nam. Trong suốt thời kỳ đại dịch, cũng như trong năm 2022, quan hệ ngoại thương của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định. Ở Việt Nam, cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều tăng trưởng, trong đó xuất khẩu có phần tăng nhanh hơn. Ông Mazyring dự báo đến cuối năm 2022, cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt khoảng 400 tỷ USD và kim ngạch thương mại có thể lên 800 tỷ USD. Các cơ quan xếp hạng có cơ sở báo cáo rằng chỉ số ngoại thương của Việt Nam sẽ đạt mốc nghìn tỷ USD trong thời gian tới. Ông Mazyrin lưu ý một số yếu tố về cục diện thương mại có thể tác động đến các con số trong báo cáo.
Theo Báo Tin tức