Kinh tế

Sản vật Hòa Vang sẵn sàng phục vụ Tết

08:23, 24/12/2022 (GMT+7)

Các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Hòa Vang đang hối hả chuẩn bị cho vụ mùa quan trọng nhất trong năm, khi chỉ còn chưa tới một tháng nữa đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Các làng hoa ở huyện Hòa Vang rộn ràng chuẩn bị cho thị trường cuối năm.  Trong ảnh: Người dân ở làng hoa Dương Sơn chăm lan Mokara để bán vụ Tết. Ảnh: KHÁNH HÒA
Các làng hoa ở huyện Hòa Vang rộn ràng chuẩn bị cho thị trường cuối năm. TRONG ẢNH: Người dân ở làng hoa Dương Sơn chăm lan Mokara để bán vụ Tết. Ảnh: KHÁNH HÒA

Những ngày này, tại làng trồng hoa lâu đời và lớn nhất của thành phố - làng hoa Dương Sơn, thôn Giáng Đông (xã Hòa Châu), các chủ vườn cùng nhân công tất bật chăm sóc, tỉa cành, chuốt nụ, chuẩn bị cho vụ hoa Tết đang tới gần. Khác với năm ngoái, năm nay, hầu hết các hộ dân đều tăng số lượng hoa gần gấp đôi do dự báo sức tiêu thụ của thị trường tăng trở lại. Các chủng loại hoa được trồng nhiều nhất ở làng hoa Dương Sơn là cúc đại đóa, cúc pha lê, dạ yến thảo, lan Mokara...

Ông Lý Phước Văn (38 tuổi), chủ vườn hoa Văn tại thôn Dương Sơn cho biết, đã chuẩn bị 1.500 chậu cúc đại đóa và pha lê, 1.000 chậu hoa cát tường và 1.000 chậu hoa dạ yến thảo để phục vụ Tết Nguyên đán đang cận kề. “Chúng tôi ký hợp đồng cung cấp hoa phục vụ Tết cho các thương lái trên 70% tổng số lượng hoa các loại tại vườn. Giá cả vẫn giữ ổn định, chỉ có sản lượng tiêu thụ tăng lên”, ông Văn nói.

Tương tự, trên diện tích 2.500m2, ông Lý Phước A trồng 1.000 chậu cúc và một số loài hoa khác như vạn thọ, hoa bươm bướm... Theo ông A, năm nay thời tiết khá thuận lợi nên hoa sẽ nở đúng thời điểm để người dân chơi tết; trong đó, hoa cúc được bánh nhiều nhất với mức giá dự kiến 300.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/cặp, mức giá này không tăng so năm ngoái. Ngoài các loài hoa truyền thống như trên, nhiều năm nay, tại làng hoa Dương Sơn phát triển giống lan Mokara được trồng trong nhà lồng với mức giá bán ra 400.000 - 500.000 đồng/cây.

Ông Lê Đức Hùng, Chủ tịch UBND xã Hòa Châu cho biết, nhiều năm nay, nghề trồng hoa đã đem lại nguồn thu nhập tốt cho các chủ vườn. Làng hoa Dương Sơn hiện có 20 hộ sản xuất hoa chậu. Để phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán có hơn 32.750 chậu hoa các loại được trồng, cụ thể: cúc chậu các loại 12.500 chậu, vạn thọ lớn 5.900 chậu, thược dược 650 chậu, bươm bướm 2.800 chậu, mào gà 400 chậu, hoa giấy 2.500 chậu, hoa treo các loại 5.000 chậu, hoa súng 3.000 chậu... Ngoài các loài hoa truyền thống như nói trên, vài năm trở lại đây, các hộ dân trồng hoa tiếp tục duy trì sản xuất mô hình ứng dụng công nghệ cao với các loại hoa Lan Mokara, hoa treo, hoa hồng, hoa giấy, các loại cây trang trí và lấy lá... Bên cạnh thị trường địa bàn thành phố, còn cung ứng cho một số tỉnh lân cận như Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam...

Ngoài thế mạnh về hoa, huyện Hòa Vang là địa phương cung ứng nhiều sản phẩm nông nghiệp cho thành phố, nhất là khi vào mùa Tết như rau, củ các loại và gà, cá, heo... Ông Bùi Dũng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan (xã Hòa Phong) cho biết, từ hơn một tháng nay, các hội viên đã triển khai gieo trồng các loại rau củ như khổ qua, bầu, bí, mướp ngọt... Vào cuối tháng 12 này, sẽ xuống giống gieo trồng hơn 25 loài rau các loại như rau muống, mồng tơi, rau dền, xà lách, tần ô... Với tổng diện tích gieo trồng 8ha, dự kiến mỗi ngày Hợp tác xã dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan cung ứng ra thị trường trung bình 1,5 tấn rau/ngày; riêng 10 ngày trước Tết, cung ứng khoảng 15 tấn. “Hiện có tới 50% rau của hợp tác xã vào các hệ thống tiêu thụ theo chuỗi ổn định như các siêu thị, trung tâm thương mại và 10 cửa hàng tiện lợi”, ông Dũng cho biết .

Báo cáo từ Phòng Nông nghiệp huyện Hòa Vang cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 53 hộ sản xuất rau vụ đông xuân, phục vụ cả dịp Tết Nguyên đán 2023 với tổng diện tích gieo trồng 475.200m2, chủ yếu là các loại rau, củ: cải xanh, cải ngọt, mồng tơi, rau muống, xà lách, dưa leo, khổ qua, mướp hương, đậu cove, bí xanh, bầu, ngò rí, rau dền, tần ô... Hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn đã chủ động từng bước sản xuất sạch hơn đáp ứng các tiêu chuẩn VietGap, cùng với đó tích cực xúc tiến thương mại, kết nối với các đơn vị tiêu thụ là các trường học, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạo ra chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đưa sản phẩm sạch đến tay người tiêu dùng. Nhờ đó, đầu ra của sản phẩm không ngừng mở rộng và giữ được sự ổn định, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán.

Đối với hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, toàn huyện hiện có 5 trang trại nuôi gà với số lượng hàng  ngàn con; có 38 trại nuôi chim cút; 9 trang trại nuôi heo thịt và heo nái. Trong đó, đàn lợn đang được nuôi trên địa bàn huyện có tổng số 17.194 con; số lượng bò là 4.038 con; gà 154.630 con; vịt, ngan và ngỗng 15.940 con; số lượng chim cút 351.800 con. Ngoài ra, còn có các hộ gia đình, các trại nuôi nhỏ các loài gia cầm như vịt trời, thỏ, dê...

KHÁNH HÒA

.