Kinh tế

Nâng cao hiệu quả đầu tư công, hạn chế thiệt hại do lãng phí nguồn lực

14:01, 17/01/2023 (GMT+7)

Đến ngày 31-12-2022, giải ngân kế hoạch vốn theo dự toán giao năm 2022 thành phố Đà Nẵng đạt 5.750 tỷ đồng, bằng 104% kế hoạch Trung ương giao và bằng 77% kế hoạch HĐND thành phố giao. Để đạt được kết quả này, thành phố triển khai quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp; thực hiện tốt công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền và đề xuất các cơ quan Trung ương các nội dung vượt thẩm quyền, còn vướng mắc, chồng chéo.

Công trình cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu) được khánh thành, đưa vào sử dụng trong năm 2022 góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.Ảnh: THÀNH LÂN
Công trình cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý (quận Hải Châu) được khánh thành, đưa vào sử dụng trong năm 2022 góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Ảnh: THÀNH LÂN

Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, gần nhất là tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 23-9-2022 và Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15-9-2022; Công văn số 2281-CV/TU ngày 29-8-2022 của Thành ủy về việc định kỳ báo cáo kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 và Thông báo số 328-TB/TU ngày 5-8-2022 của Thành ủy, UBND thành phố đã tập trung chỉ đạo, điều hành, quyết liệt triển khai nhiều nội dung trên tinh thần xác định giải ngân, hoàn thành kế hoạch đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm của thành phố trong năm 2022, là cơ sở để góp phần thực hiện chủ đề năm 2022 “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.

Trên tinh thần đó, UBND thành phố đã khẩn trương giao kế hoạch vốn, phân bổ 100% kế hoạch vốn năm 2022 ngay từ cuối năm 2021 và chỉ đạo các đơn vị quyết liệt thực hiện, đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao ngay sau khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 36/NQ-HĐND ngày 14-7-2022 về việc điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.

Đặc biệt, các giải pháp cụ thể được UBND thành phố chỉ đạo tập trung thực hiện ngay từ đầu năm như: chủ động, bám sát và quán triệt Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; tích cực triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8-1-2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022; kịp thời ban hành Quyết định số 348/QĐ-UBND ngày 26-1-2022 về một số nhiệm vụ, giải pháp tập trung triển khai, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022; Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 28-1-2022 về kế hoạch đền bù giải tỏa các dự án trên địa bàn thành phố năm 2022 để làm cơ sở triển khai thực hiện, giám sát, kiểm tra tiến độ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; ban hành Quyết định số 776/QĐ-UBND ngày 23-3-2022 về kế hoạch tiến độ triển khai cụ thể các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2021-2025 để tạo sự chủ động trong việc triển khai thực hiện.

Về công tác giải tỏa, đền bù, giao chủ tịch hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện lập kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện về đền bù giải tỏa hằng tuần, có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa để bàn giao mặt bằng thi công, chịu trách nhiệm về tỷ lệ giải ngân vốn đền bù các dự án trên địa bàn trước Chủ tịch UBND thành phố.

Trên cơ sở kết quả thực hiện trong năm 2022 về việc giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư công trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thành phố triển khai một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, phân công chủ tịch và các phó chủ tịch UBND thành phố theo dõi, phụ trách trực tiếp, xuyên suốt công tác giải phóng mặt bằng, công trình động lực trọng điểm trên địa bàn các quận, huyện; đồng thời tăng cường phân cấp thêm thẩm quyền cho các phó chủ tịch và chủ tịch hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện để đẩy nhanh tiến độ triển khai, đặc biệt là đối với các công trình động lực, trọng điểm. Yêu cầu chủ đầu tư, Trung tâm Phát triển quỹ đất, các ban quản lý, sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện phối hợp xây dựng kế hoạch tiến độ triển khai cụ thể các dự án, đặc biệt là các công trình động lực trọng điểm (quy định cụ thể thời gian thực hiện các bước thủ tục đầu tư từ khâu quy hoạch đến hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư; thời gian khởi công, hoàn thành, bàn giao công trình đưa vào sử dụng; tỷ lệ giải ngân từng thời điểm), trình UBND thành phố phê duyệt để có cơ sở giám sát và đôn đốc thực hiện. Hằng tháng, Chủ tịch UBND thành phố tổ chức họp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện, ban dự án và các nhà thầu để đánh giá tình hình thực hiện và xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh.

Đánh giá trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân, người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là việc triển khai các thủ tục để thi công công trình, dự án sau khi được bố trí kế hoạch vốn nhằm đảm bảo nâng cao tỷ lệ giải ngân theo quy định gồm các khâu: giải phóng mặt bằng; tổ chức lựa chọn tư vấn lập thiết kế bản vẽ thi công - dự toán, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp, khởi công và hoàn thành, đưa công trình, dự án vào sử dụng.

Thứ hai, nghiêm túc thực hiện hệ thống luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư công; tranh thủ xin ý kiến của cơ quan Trung ương khi có vướng mắc hoặc sự chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ ba, công khai, minh bạch và tuân thủ đầy đủ, chặt chẽ trình tự, thủ tục xây dựng cơ bản hiện hành trong toàn bộ quá trình thực hiện dự án.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác lựa chọn nhà thầu tư vấn và chất lượng quản lý dự án.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát ngay trong từng khâu, từng giai đoạn của dự án để kịp thời phát hiện, điều chỉnh, xử lý trong quá trình thực hiện. Công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để giúp các đơn vị nhận thức và quan tâm hơn đến việc phòng, ngăn ngừa, hạn chế những thiệt hại do lãng phí nguồn lực gây nên.

TRẦN THỊ THANH TÂMGiám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

.