Phát triển sản phẩm OCOP bền vững

.

Phát triển bền vững các sản phẩm theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương... là mục tiêu chương trình OCOP của thành phố trong thời gian đến. Theo đó, các sở, ban, ngành, địa phương và chủ thể cần phối hợp, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để chương trình triển khai hiệu quả hơn; qua đó nhằm nâng cao giá trị, định vị thương hiệu và chất lượng các sản phẩm OCOP hiện nay.

Giai đoạn 2022-2025, thành phố sẽ phát triển sản phẩm OCOP theo hướng có trọng tâm, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.  Trong ảnh: Công nhân đang sản xuất tại Công ty TNHH Mỹ Phương Food. Ảnh: VĂN HOÀNG
Giai đoạn 2022-2025, thành phố sẽ phát triển sản phẩm OCOP theo hướng có trọng tâm, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng. TRONG ẢNH: Công nhân đang sản xuất tại Công ty TNHH Mỹ Phương Food. Ảnh: VĂN HOÀNG

Tận dụng lợi thế, tài nguyên bản địa

Năm 2021, sản phẩm “Lạp xưởng tươi Minkai” của Hộ kinh doanh Hồ Thị Quỳnh Trâm (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) được chứng nhận OCOP 3 sao. Trong năm 2022, sản phẩm tiếp tục đăng ký nâng hạng sao OCOP và được Hội đồng đánh giá thành phố đề xuất 4 sao (đợt 2-2022). Đến nay, sản phẩm đã được chứng nhận ISO và đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và tiêu thụ; nâng cấp, hoàn thiện mẫu mã, mã vạch…

Được biết, từ khi tham gia chương trình OCOP, sản lượng kinh doanh của cơ sở đã tăng từ 20-30% so với trước đây. Theo bà Hồ Thị Quỳnh Trâm, chủ hộ kinh doanh, việc tham gia chương trình OCOP là tiền đề để sản phẩm phát triển mạnh hơn nữa. Đây là lợi thế lớn, tạo nên sự tin tưởng và thuyết phục được khách hàng, nhà phân phối lựa chọn sản phẩm, do đó bản thân chủ thể thấy cần có trách nhiệm và hiểu được giá trị của thương hiệu sản phẩm OCOP Đà Nẵng.

“Thực tế, nhiều người dân và du khách vẫn chưa hiểu được sản phẩm OCOP. Do đó, tôi đề xuất thành phố cần tăng cường sự quảng bá ngay từ các phường, xã đến sở, ban, ngành, đơn vị, nhất là tận dụng lợi thế về du lịch về quảng bá sản phẩm OCOP Đà Nẵng”, bà Hồ Thị Quỳnh Trâm nói.

Trong khi đó, với mong muốn xây dựng thương hiệu cho dòng sản phẩm là thế mạnh của xã Hòa Phong, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 đã tham gia chương trình OCOP năm 2022 với sản phẩm “Gà thả vườn Kê Sơn”. Trong đợt đánh giá phân hạng OCOP năm 2022 lần thứ 2, sản phẩm của HTX được đề xuất công nhận OCOP 3 sao.

Ông Nguyễn Sĩ, Giám đốc HTX cho biết, sản phẩm được chứng nhận OCOP là động lực để HTX phát huy được tiềm năng của địa phương, tạo điều kiện cải thiện đời sống của bà con trên địa bàn xã. Việc tận dụng được ưu thế của địa phương và liên kết được vùng nguyên liệu là một trong những điều kiện quyết định đến sự bền vững khi phát triển các sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Đến nay, HTX đã chủ động liên kết với các tổ chức hình thành chuỗi liên kết sản xuất từ chăn nuôi đến tiêu thụ; đầu tư, hoàn thiện sản phẩm để cung cấp đến người tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng…

Là đơn vị sở hữu sản phẩm OCOP có tiềm năng phát triển 5 sao, bà Mai Thị Ý Nhi, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Mỹ Phương Food cũng cho rằng, sản phẩm OCOP của Đà Nẵng cần gắn với du lịch. Việc tận dụng các ưu thế về du lịch sẽ là cầu nối, giúp lan tỏa sản phẩm OCOP Đà Nẵng đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Sản phẩm đến tay du khách, đặc biệt khách quốc tế là cơ hội cho doanh nghiệp tìm nhà phân phối, mở rộng kênh bán hàng.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả như kỳ vọng, doanh nghiệp cần nỗ lực và tận dụng hiệu quả những hỗ trợ của thành phố; luôn gắn chất lượng sản phẩm với thương hiệu OCOP. Đây không chỉ giúp các chủ thể “định vị thương hiệu” và còn quảng bá hình ảnh sản phẩm sạch, chất lượng, an toàn và đặc trưng của Đà Nẵng đến với người dân, du khách và bạn bè quốc tế. “Để chương trình OCOP được triển khai hiệu quả, tạo sự bền vững và nâng cao giá trị, rất cần sự chung tay, hỗ trợ của “3 nhà” gồm: Nhà nước, chủ thể và cộng đồng doanh nghiệp”, bà Mai Thị Ý Nhi chia sẻ.

Sản phẩm OCOP của Đà Nẵng tập trung vào chất lượng, kiểm tra, sàng lọc kỹ trong đánh giá,  phân hạng. Trong ảnh: Một chủ cơ sở giới thiệu sản phẩm tại buổi kiểm tra, đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2-2022. Ảnh: VĂN HOÀNG
Sản phẩm OCOP của Đà Nẵng tập trung vào chất lượng, kiểm tra, sàng lọc kỹ trong đánh giá, phân hạng. TRONG ẢNH: Một chủ cơ sở giới thiệu sản phẩm tại buổi kiểm tra, đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2-2022. Ảnh: VĂN HOÀNG

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Theo chuyên gia Trần Thế Như Hiệp, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mekong Cần Thơ, Đà Nẵng không phải là địa phương có lợi thế về đa dạng tài nguyên, nguyên liệu nên không cần chú trọng phát triển số lượng sản phẩm OCOP mà tập trung vào yếu tố chất lượng. Sản phẩm của Đà Nẵng cần tận dụng và mở rộng khai thác, phát triển theo 3 nhóm tài nguyên gồm: biển và ven biển, du lịch, ẩm thực.

Thời gian tới, Đà Nẵng cần tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết, chính sách hỗ trợ, như kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và xã hội về chương trình và các sản phẩm OCOP; đầu tư, mở rộng quy mô và gia tăng số lượng các điểm bán sản phẩm OCOP không chỉ của Đà Nẵng mà cả khu vực miền Trung với vai trò đầu tàu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong chương trình.

Bên cạnh đó, cần chú trọng thực thi các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm như: đa dạng hóa kênh tiêu thụ sản phẩm; đào tạo kỹ năng marketing, bán hàng trực tuyến cho chủ thể; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu thương mại điện tử, kết nối sản phẩm; đầu tư phát triển logistics về thương mại điện tử cho các sản phẩm OCOP…

Các chủ thể OCOP cần thường xuyên quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm đã được công nhận; có ý thức trong việc gìn giữ danh hiệu “sản phẩm OCOP”; nâng cao năng lực trong quản trị và điều hành sản xuất; tham gia hiệu quả vào các hoạt động quảng bá và xúc tiến thương mại; chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quảng bá và xúc tiến thương mại; chủ động cập nhật và hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo tiêu chuẩn thị trường; chuẩn hóa lại chính sách bán hàng theo kênh phân phối và thị trường.

Đối với sản phẩm OCOP 4, 5 sao, các chủ thể cần xây dựng kênh phân phối; quan tâm, mở rộng thị trường, kênh phân phối truyền thống và tăng cường hiệu quả bán hàng trực tuyến qua các công cụ mạng xã hội đối với các sản phẩm OCOP 3 sao.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, qua hơn 2 năm triển khai, chương trình OCOP đã tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặc dù số lượng sản phẩm OCOP của Đà Nẵng ít hơn so với các địa phương khác, nhưng thành phố luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm, có sự chọn lọc, kiểm tra, đánh giá, phân hạng sản phẩm kỹ lưỡng, đúng quy trình, chú trọng chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đa phần, các sản phẩm OCOP đều đạt hiệu quả trong việc nâng cấp, cải tiến công nghệ, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ tại các kênh phân phối trong và ngoài nước; trong đó, một số sản phẩm đã xuất khẩu. Giai đoạn 2022-2025, chương trình OCOP chú trọng vào các yếu tố về chất lượng, xây dựng chuỗi giá trị bền vững, thúc đẩy sự sáng tạo và phát huy được sức mạnh của cộng đồng; đồng thời, tập trung đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phù hợp với lợi thế của địa phương.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.