Tăng kiểm soát vận tải hành khách đường thủy nội địa

.

Với mạng lưới sông ngòi, đường bờ biển bao phủ gần khắp thành phố, Đà Nẵng có lợi thế trong việc phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa. Tuy nhiên, những lợi thế này hiện vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải hành khách du lịch cũng như bảo đảm an toàn giao thông trên lĩnh vực này...

Tàu du lịch hoạt động trên sông Hàn. Ảnh: THÀNH LÂN
Tàu du lịch hoạt động trên sông Hàn. Ảnh: THÀNH LÂN

Kiểm soát chặt chẽ phương tiện vận tải

UBND thành phố vừa ban hành kế hoạch phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách đường thủy nội địa, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh - tế xã hội; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc phát triển phương tiện phục vụ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng phương tiện thủy nội địa.

Ông Nguyễn Phùng Hiền, Phó Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, theo kế hoạch, ngoài quy định hiện hành về phương tiện, trang thiết bị đối với phương tiện vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy nội địa, các phương tiện thủy nội địa phải được cơ quan đăng kiểm kiểm tra và chứng nhận phù hợp theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân cấp và đóng mới phương tiện thủy nội địa; có vùng hoạt động phù hợp với phạm vi đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường thủy nội địa. Khi phương tiện hoạt động ở vịnh Đà Nẵng, vùng nước cảng biển Đà Nẵng thuyền trưởng có trách nhiệm thông báo đến Cảng vụ Hàng hải Đà Nẵng.

Theo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT), kế hoạch nhằm mục đích phát triển đội tàu theo hướng đa dạng, ưu tiên khuyến khích phát triển các loại tàu có thiết kế mang tính hiện đại, an toàn cao, bảo vệ môi trường và phù hợp với cảnh quan trên các tuyến vận tải. Phát triển các tuyến vận tải đường thủy nội địa nhằm kết nối các điểm đến du lịch (khu du lịch, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, dịch vụ...); nghiên cứu đưa một số tuyến vận tải thủy trở thành tuyến vận tải xanh.

Trong đó, kích thước, khả năng khai thác của phương tiện đăng ký hoạt động trên tuyến vận tải phải phù hợp với cấp kỹ thuật của luồng tuyến đường thủy nội địa, khả năng tiếp nhận phương tiện của cảng, bến được cơ quan có thẩm quyền công bố và chiều cao tĩnh không các công trình vượt sông trên tuyến. Phương tiện phải được cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy có thẩm quyền kiểm tra và chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy; ưu tiên phát triển phương tiện thủy nội địa sử dụng điện, năng lượng xanh...

Về trang thiết bị, ngoài việc trang bị theo quy định hiện hành, các tàu khách được đóng mới sau ngày 1-1-2018 hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng phải trang bị hệ thống chống sét trên tàu; hệ thống chiếu sáng dự phòng; thiết bị phân ly nước thải hoặc thu gom nước thải (áp dụng với tàu nhà hàng nổi); camera giám sát trên phương tiện bảo đảm quan sát các khoang hành khách trên phương tiện...

Quy định cụ thể thời gian hoạt động từng tuyến

Sau thời gian dài do ảnh hưởng Covid-19, hiện hoạt động vận tải khách du lịch bắt đầu khởi sắc trở lại. Ông Đỗ Hữu Minh, chủ ngôi nhà cổ Tích Thiện Đường, một điểm tham quan nằm trong quy hoạch tuyến du lịch sông nước sông Hàn - đình làng Thái Lai (Hòa Vang) cho hay, ông mong muốn thành phố sớm triển khai đưa vào hoạt động tuyến này để kết nối du khách đến tham quan các điểm du lịch trên địa bàn huyện Hòa Vang, đặc biệt là khu du dịch sinh thái Thái Lai bằng đường thủy...

Cùng quan điểm, đại diện khu du lịch Làng Mê Campsite (tại thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc, Hòa Vang) cho rằng, thành phố cần nghiên cứu mở rộng điểm đến các tuyến hành khách vận tải đường thủy nội địa sông Cu Đê - Trường Định lên đến gần cầu Phò Nam để du khách dễ tiếp cận các điểm du lịch trên địa bàn xã Hòa Bắc, thay vì điểm đến là cầu Trường Định...

Còn du khách Nguyễn Trần Hạ Thảo (đến từ Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, bản thân chị rất thích đi du lịch trên sông Hàn, vừa được khám phá vẻ đẹp của sông vừa được chiêm ngưỡng cầu quay Sông Hàn, cầu Rồng phun lửa, phun mưa, rồi cầu Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý trong chiều tà Đà Nẵng...

Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT Bùi Hồng Trung thông tin, theo kế hoạch vừa được ban hành, thành phố phát triển 7 tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa với 151 phương tiện, trong đó, 6 tuyến phát triển kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 1 tuyến phát triển kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến, kinh doanh vận chuyển khách du lịch.

Cụ thể, tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý có 57 phương tiện hoạt động. Trong đó, phương tiện trên 100 khách có 6 tàu, thuyền và phương tiện đến 100 khách có 51 tàu, thuyền, thời gian hoạt động của tuyến từ 7 giờ 30 và kết thúc lúc 23 giờ. Tuyến sông Hàn đi vịnh Đà Nẵng có 29 phương tiện tham gia hoạt động, thời gian từ 7 giờ 30 và kết thúc lúc 17 giờ 30, riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ. Tuyến sông Cu Đê - Trường Định có 9 phương tiện, thời gian hoạt động từ 7 giờ 30 và kết thúc 17 giờ 30, riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ.

Các tuyến sông Cu Đê - vịnh Đà Nẵng có 11 phương tiện, thời gian hoạt động trên tuyến bắt đầu từ 7 giờ 30 và kết thúc 17 giờ 30, riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ. Tuyến vận tải trên sông có 10 phương tiện, thời gian hoạt động trên tuyến bắt đầu từ 7 giờ 30 và kết thúc 17 giờ 30, riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ. Tuyến khu vực bán đảo Sơn Trà có 29 phương tiện, thời gian hoạt động trên tuyến bắt đầu từ 7 giờ 30 và kết thúc 17 giờ 30, riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ.

Đối với các tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo phát triển kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng chuyến, kinh doanh vận chuyển khách du lịch có 6 phương tiện, thời gian hoạt động trên tuyến bắt đầu từ 7 giờ 30 và kết thúc 17 giờ 30, riêng tàu nhà hàng nổi kết thúc trước 23 giờ.

THÀNH LÂN

;
;
.
.
.
.
.