Các mỏ dừng khai thác, giá cát xây dựng tăng cao

.

Giá cát xây dựng trên địa bàn thành phố tăng từ giữa năm 2022 và từ đầu tháng 1-2023 đến nay, mỗi m3 cát tăng hơn 3 lần do các mỏ cát tại huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) ngừng khai thác đột ngột, dẫn đến cát xây dựng khan hiếm và tăng giá cao thêm.

Bãi tập kết cát bên sông Quá Giáng thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang đã giảm và đang hoạt động cầm chừng. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Bãi tập kết cát bên sông Quá Giáng thuộc xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang đã giảm và đang hoạt động cầm chừng. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Mỏ cát vắng lặng

Trước đây, khu vực mỏ cát xây dựng ở giữa sông Vu Gia đoạn gần cầu Hà Nha (thuộc thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) luôn hoạt động rầm rộ với nhiều tàu hút cát nổ máy liên hồi, nhiều xe xúc liên tục múc cát lên xe ben và nhiều xe ben nối đuôi nhau ra vào để chở cát cung cấp cho thị trường xây dựng ở khu vực, nhất là Đà Nẵng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận vào ngày 17-2, công trường khai thác mỏ cát xây dựng nói trên vắng lặng. Hơn 10 xe xúc được tập kết trên bờ và không hoạt động. Gần mép bờ sông 3 tàu hút “nằm” im lìm. Tuyến đường chở cát từ mỏ nối với đường dẫn lên cầu Hà Nha không một chiếc xe ben lưu thông, mặt đường phủ lớp cát khô màu trắng tựa như đã rất lâu không có xe vào chở cát cung cấp cho thị trường.

Trên tuyến quốc lộ 14B từ cầu Hà Nha về Đà Nẵng cũng như trên các tuyến đường từ cầu Giao Thủy (xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc) hướng về thị xã Điện Bàn và thành phố Đà Nẵng đều không thấy bóng dáng xe ben chở cát có trọng tải lớn lưu thông.

Tương tự, tại khu mỏ và các bãi tập kết cát xây dựng ở gần cầu Giao Thủy không có tiếng động cơ, các xe xúc, tàu cuốc, tàu hút, tàu chở cát “nằm” im lìm. Nhiều người dân ở xã Đại Hòa vẫn còn bất ngờ trước “sự lạ” này bởi bắt đầu từ sau đêm 31-12-2022, các mỏ khai thác và các bãi tập kết cát xây dựng nói trên chỉ hoạt động rải rác 3 ngày rồi dừng hẳn từ đầu tháng 1-2023 đến nay.

Ngoài 2 mỏ nói trên, trên địa bàn huyện Đại Lộc chỉ còn 1 mỏ cát lớn còn thời hạn khai thác là mỏ cát Pha Lê trên sông Vu Gia đoạn thuộc thôn Hội Khách, xã Đại Sơn. Trước Tết, mỏ cát này có nhiều xe ben có biển kiểm soát của Đà Nẵng đến vận chuyển cát. Nhưng sau Tết đến nay, mỏ này đã dừng hoạt động.

Qua khảo sát, giá cát xây dựng ở Đà Nẵng và Quảng Nam tăng từ giữa năm 2022, sau khi UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn số 1704/UBND-KTN ngày 23-3-2022 về việc không giải quyết việc gia hạn, cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông Vu Gia, Thu Bồn đối với các giấy phép đã được cấp trên địa bàn các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và giao cho địa phương rà soát lại, có thể gộp các điểm mỏ nhỏ, gần nhau thành một mỏ có quy mô lớn để đề xuất tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản công khai, minh bạch, bảo đảm ổn định trật tự khai thác khoáng sản trên địa bàn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến giá cát tăng vì nguồn cung cho thị trường giảm, phụ thuộc vào nguồn cung của một số mỏ cát có quy mô lớn nêu trên.

Một bãi tập kết cát ở Khu tái định cư Bá Tùng hết cát để bán. (Ảnh chụp ngày 18-2-2023)  Ảnh: H.H
Một bãi tập kết cát ở Khu tái định cư Bá Tùng hết cát để bán. (Ảnh chụp ngày 18-2-2023). Ảnh: H.H

Khó khăn cho nhà thầu xây dựng

Ngày bình thường, tại khu vực phía nam khu dân cư Miếu Bông (xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang) có 3 bãi tập kết cát lớn nhập trực tiếp từ các mỏ cát xây dựng ở huyện Đại Lộc. Tuy nhiên, hiện 1 bãi đã đóng cửa, 2 bãi còn lại chỉ còn hơn 1.000m3 cát, chưa bằng  20% so với khả năng chứa của 2 bãi. Chủ bãi cát phải trực tiếp lái xe xúc đưa cát lên xe ben vì giảm hết người làm. “Cát còn ít và giá cao quá nên tôi chỉ để dành bán cho bạn hàng đến lấy thôi. Số cát này tôi trữ được từ cuối năm 2022. Thời điểm này năm ngoái, một khối (m3) cát nhập về với giá 160.000 đồng/m3. Nhưng cách đây 3 ngày, tôi nhập 4 xe từ trên Đại Lộc về với giá cát xây dựng là 350.000 đồng/m3, cao gấp 2 lần, mà tài xế yêu cầu nhận tiền mặt tổng cộng 18 triệu đồng nên thấy bán không có lời.

Các bạn hàng đến lấy cát tại đây về bán khoảng 500.000 đồng/m3 tùy cự ly vận chuyển, chủ yếu là bán cát để xây dựng nhà ở riêng lẻ. Còn các chủ thầu, công trình đến mua thì không bán được vì không có hóa đơn , mà muốn xuất hóa đơn thì phải chịu thêm 30% giá thành, càng thấy không có lời. Hiện giá bán lẻ cát xây dựng ở Quảng Nam là 550.000 đồng/m3, ở Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi là 800.000 đồng/m3. Dự báo giá cát còn tăng nên tôi chỉ bán cầm chừng, hết cát thì nghỉ bán, không nhập cát về bán nữa vì giá quá cao, bán không có lời”, ông chủ bãi cát (giấu tên) thông tin.

Khi phóng viên tìm đến một bãi cát xây dựng ở khu tái định cư Bá Tùng (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) thì bãi đã hết cát. Tại một bãi tập kết cát lớn ở bên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (phường Hòa Quý), giá bán cát tại bãi là 330.000 đồng/m3, nhưng từ chối bán hàng với các chủ công trình vì không xuất được hóa đơn.

Giám đốc thi công dự án Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân (giai đoạn 3) Nguyễn Xuân Đinh chia sẻ: “Công trình đang cần nhiều cát xây dựng cho các công tác xây, tô, ốp lát, đổ bê-tông... Hiện cát xây dựng khan hiếm nhưng vẫn mua được với giá cao, vượt nhiều so với giá công bố đơn giá của liên Sở Xây dựng, Tài chính. Thêm khó khăn nữa là chúng tôi xây nhiều vị trí nên phải mua cát nhiều đợt về tập kết cho dễ, không thể mua một lúc về nhiều được và đơn vị cung cấp cát xây dựng phải có hóa đơn, chứng từ đầy đủ”.

Trưởng Ban Quản lý công trình xây dựng cơ bản quận Hải Châu Đặng Văn Hiếu cho hay: “Chúng tôi nghe thông tin cát xây dựng khan hiếm, giá cao và hiện đang theo dõi thông tin này. Các nhà thầu sẽ vất vả hơn. Muốn điều chỉnh giá xây dựng thì phải có chủ trương của thành phố và liên Sở Xây dựng, Tài chính”. Còn Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng Nguyễn Hữu Nhật cho rằng: “Hiện nay chưa xảy ra tình trạng thiếu cát xây dựng tại các công trình, nhưng chúng tôi lo ngại nên đang chuẩn bị có những đề xuất xử lý vấn đề này khi điều chỉnh đơn giá xây dựng”.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.