Cần nghiên cứu mở rộng diện tích đất xây dựng khu đô thị cảng biển

.

Chiều 21-2, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố tổ chức hội thảo phản biện đồ án quy hoạch phân khu Cảng biển Liên Chiểu với tổng diện tích được điều chỉnh là 1.293ha, 15.840 người dân, trong đó: phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu (1.081ha, 15.380 người) và xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (212ha, 460 người dân).

Đơn vị tư vấn đã đề xuất định hướng không gian phân khu Cảng biển Liên Chiểu, gồm: cảng biển, hậu cần và logistics, công nghiệp, đô thị, đầu mối giao thông. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã đóng góp các ý kiến xung quanh việc bố trí tái định cư cho các hộ giải tỏa, xây dựng khu đô thị cảng biển, đặc biệt là có nhiều ý kiến cho rằng, diện tích quy hoạch phân khu quá ít, cần mở rộng phạm vi, diện tích...

Theo ông Nguyễn Văn Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng, diện tích của phân khu Cảng biển Liên Chiểu quá nhỏ, trong đó có hơn 570ha chủ yếu là mặt nước biển để sử dụng xây cảng; diện tích Khu công nghiệp Liên Chiểu hơn 248ha; diện tích các trường chuyên nghiệp, nhà máy, kho xăng dầu, Ga Kim Liên... đã chiếm hơn 60ha; đất lâm nghiệp hơn 70ha... Chỉ còn lại khoảng 150ha là quá ít để có thể “dung nạp” các thành phần chức năng của một khu đô thị cảng biển.

Nếu không thể mở rộng phạm vi khu đô thị cảng biển thì đơn vị tư vấn cần mạnh dạn thay đổi cơ cấu sử dụng đất hiện trạng. Đồng thời, cần đưa cả khu vực bờ nam sông Cu Đê thuộc phạm vi phân khu khác vào đồ án quy hoạch để thể hiện ý tưởng khu đô thị ven sông rõ ràng hơn. Về đánh giá môi trường chiến lược, đơn vị tư vấn cần đề cập đến sự cố môi trường khi xảy ra tràn dầu trong khu vực cảng để có đánh giá, giải pháp xử lý.

Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng đồng tình với ý tưởng mở rộng ranh giới cho phân khu Cảng biển Liên Chiểu về phía bờ nam sông Cu Đê và đề nghị đơn vị tư vấn mạnh dạn đề xuất thành phố điều chỉnh ranh giới quy hoạch phân khu này.

Với quy mô dân số theo đề xuất của đơn vị tư vấn, chỉ mới đáp ứng được một nửa quy chuẩn về khu đô thị nên tất cả các công trình dịch vụ cấp đô thị tại phân khu này phải liên kết với các vùng lân cận để hình thành một khu đô thị có quy mô dân số đúng theo quy định. Việc kết nối với các phân khu xung quanh là rất quan trọng đối với phân khu này. Mặt khác, với diện tích đất “khan hiếm”, tất cả các công trình liên quan đến phục vụ công cộng, đơn vị ở phải co cụm lại sao cho tiết kiệm.

Chủ tịch Tổng Hội xây dựng Việt Nam Đặng Việt Dũng đề nghị đơn vị tư vấn cần quan tâm đến việc thiết kế cảnh quan đô thị; bảo tồn làng chài ven biển cũng như văn hóa biển và điểm nhấn du lịch...

Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Tô Văn Hùng đề nghị cần tiếp cận bài toán tái định cư cho các hộ giải tỏa ở phân khu này theo hướng để bồi thường đáp ứng nhu cầu ở, phần còn lại được quy đổi ra tiền cho các hộ giải tỏa, tránh quy đổi thành nhiều lô đất ở vì thực tế hiện nay ở các khu tái định cư tại huyện Hòa Vang, tỷ lệ nhà ở được xây dựng rất thấp, vừa gây lãng phí nguồn lực đất đai, vừa gây áp lực cho chính quyền địa phương.

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Võ Công Trí đề nghị đơn vị tư vấn ghi nhận ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, trong đó có nhiều ý kiến xác đáng liên quan đến phân tích, đánh giá hiện trạng; ý tưởng thiết kế, tổ chức không gian, cảnh quan; đề xuất phương án quy hoạch; các chỉ tiêu sử dụng đất; hạ tầng kỹ thuật; hạ tầng xã hội; bố trí tái định cư...

Đơn vị tư vấn cần nghiên cứu phương án bảo tồn các khu dân cư, di tích cổ; các giải pháp xử lý thoát nước mưa, thoát lũ; giải pháp quy hoạch, bảo vệ rừng... Qua đó đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu này. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng cũng sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các sở, ban, ngành, địa phương... báo cáo các cơ quan thẩm quyền phục vụ thẩm định đồ án quy hoạch.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.