Cần thận trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp

.

ĐNO - Thế giới đã và đang chứng kiến năm 2022 với một loạt những khủng hoảng mà vài chục năm nay mới xảy ra: Covid-19 hoành hành, chiến tranh khu vực và nguy cơ chiến tranh thế giới, lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy vậy, nền kinh tế nước ta đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới nên sẽ bị tác động kép về lạm phát và suy thoái, tuy đến chậm hơn nhưng có thể phức tạp hơn trong năm 2023 và những năm sau. 

Các nhà đầu tư tham gia thị trường này cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với trái phiếu doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư. Ảnh minh họa trên internet
Các nhà đầu tư tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần thận trọng, tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro trước khi quyết định đầu tư. Ảnh minh họa trên internet

Trong bối cảnh đó, chưa năm nào mà đất nước ta phải chịu đựng liên tiếp nhiều vấn đề kinh tế, xã hội dồn dập như năm nay: hàng loạt vụ án kinh tế liên quan đến các công ty, tập đoàn kinh tế như Việt Á, FLC, Tân Hoàng Minh, AIC, Vạn Thịnh Phát, cùng với hàng chục vụ án tham nhũng quy mô lớn bị phanh phui… Gần đây nhất là vụ việc người dân dồn dập gây áp lực tại các điểm giao dịch của Ngân hàng Cổ phần Sài Gòn (SCB) đòi rút tiền tiết kiệm trước hạn và nhất là yêu cầu thanh toán trái phiếu doanh nghiệp, tạo ra một làn sóng bất an trong nhân dân, gây mất lòng tin vào hệ thống ngân hàng, hệ thống trái phiếu đang được lưu hành. Trong khi đó thị trường chứng khoán Việt Nam từ quý I-2022 đến nay đã suy giảm sâu đến hơn 33%, nhà đầu tư trong nước do bị thua lỗ phần lớn vốn liếng đã đầu tư nên cũng chỉ đứng ngoài quan sát thị trường. 

Trái phiếu doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của thị trường vốn - cùng với thị trường tiền tệ tạo thành thị trường tài chính của đất nước. Thị trường vốn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ổn định, phát triển và tăng trưởng kinh tế của một quốc gia có nền kinh tế thị trường. Đây là kênh huy động vốn nhàn rỗi trong dân và doanh nghiệp nhằm tạo nguồn vốn đầu tư trung - dài hạn có hiệu quả nhất cho nền kinh tế. Đây còn là kênh quan trọng nhất nếu không nói là chủ yếu để chính phủ vay nợ cho chi tiêu và tài trợ công cuộc phục hồi kinh tế. 

Thị trường vốn nước ta mới được hình thành từ năm 2000I, là một thị trường còn non trẻ, trong đó thị trường cổ phiếu mới 22 năm và thị trường trái phiếu mới 16 năm. Đến cuối năm 2021, thị trường vốn (bao gồm dư nợ trái phiếu và cổ phiếu) đã cung ứng khoảng 25% vốn cho nền kinh tế (vốn tín dụng là 47%, FDI là 15%, đầu tư công là 13,5%). Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu của Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh ở mức 46%/năm, tuy quy mô của thị trường trái phiếu - trong đó có trái phiếu doanh nghiệp, chỉ mới bằng 20% GDP (nhưng được dự báo sẽ tăng nhanh trong một số năm đến). Tỷ lệ này còn rất thấp so với hầu hết các nước phát triển trong khối ASEAN, các nước Đông Á với quy mô thị trường trái phiếu nội tệ phần lớn đạt trên 50% GDP .

Ở nước ta từ năm 2017 đến nay, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã phát triển rất nhanh chiếm đến 92% tổng khối lượng trái phiếu phát hành. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không cấp phép) được chào bán và giao dịch giữa doanh nghiệp phát hành với các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp - là các nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm để đầu tư vào sản phẩm có rủi ro cao hơn trái phiếu phát hành ra công chúng. Nguyên tắc cơ bản của phương thức riêng lẻ là doanh nghiệp phát hành trái phiếu tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư. Hiện nay, phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã trở thành kênh huy động vốn quan trọng phục vụ sản xuất kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp, giúp họ giảm dần sự phụ thuộc kênh vay vốn tín dụng từ ngân hàng.

2. Báo cáo về thị trường trái phiếu của Công ty Chứng khoán VNDirect trong hai năm 2021 và 2022, ngân hàng và các công ty chứng khoán là nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, chiếm đến 42% tổng giá trị trái phiếu phát hành; tiếp theo là các doanh nghiệp xây dựng - bất động sản chiếm 35%. Điều đáng quan tâm là các ngân hàng tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp với cả hai vai trò: vừa là doanh nghiệp phát hành, vừa là nhà đầu tư (mua đến 50% tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản).

Từ đầu năm 2022, khi Thông tư 16/2021/TT-NHNN có hiệu lực với những điều kiện chặt chẽ về giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đối với tổ chức tín dụng; Ủy ban Chứng khoán (UBCK) công bố hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu của các công ty con Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ trên thị trường... thì thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã bước vào thời kỳ trầm lắng. Tổng giá trị phát hành trong 9 tháng đã giảm mạnh, chỉ bằng 56,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tiếp theo, Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực với rất nhiều điểm mới và các quy định chi tiết, chặt chẽ khiến thị trường cần có thời gian thích nghi. Tình trạng mất khả năng thanh toán được bắt đầu bởi việc Công ty VKC Holdings, sau đó với Công ty An Đông thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thông báo tạm hoãn việc thanh toán lãi trái phiếu do không sắp xếp được tài chính với các ngân hàng. Tình hình mất thanh khoản, không thanh toán nợ đến hạn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ở chiều ngược lại, xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn của các doanh nghiệp ngày càng trở nên rầm rộ. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 9 tháng đầu năm nay, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại đã lên đến hơn 142.000 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước. Trong số doanh nghiệp mua lại trái phiếu nhiều nhất, ngân hàng là nhóm dẫn đầu, theo sau là các doanh nghiệp bất động sản. 

Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, đến nay tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp nước ta đã bộc lộ những bất cập như việc một số tập đoàn, doanh nghiệp lách các quy định của pháp luật, thông qua các đơn vị tư vấn, kiểm toán, thẩm định giá tài sản bảo đảm không đủ uy tín để phát hành khối lượng lớn trái phiếu dưới chuẩn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu. Nhà đầu tư chính trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng và công ty chứng khoán (mua đến 50% là trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản), số nhà đầu tư chuyên nghiệp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, khoảng 10% (dữ liệu của thị trường thứ cấp lại cho thấy số lượng trái phiếu doanh nghiệp được các cá nhân nắm giữ lên tới 32,6%).

Các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp nhằm hỗ trợ đảo nợ cho các doanh nghiệp phát hành đang có dư nợ tín dụng tại ngân hàng hoặc bằng hình thức đầu tư trái phiếu doanh nghiệp để “bơm” tiền cho các công ty sân sau của ngân hàng phục vụ lợi ích riêng. Có thể thấy, trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã và đang diễn ra hiện tượng các môi giới chứng khoán - ngân hàng mời gọi nhà đầu tư cá nhân không chuyên đầu tư vào các lô trái phiếu doanh nghiệp như một dạng tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao. Những yếu kém đó tất yếu sẽ dẫn đến rủi ro trong đầu tư và những nguy cơ tranh chấp pháp lý; mức lãi suất trái phiếu cao khiến nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ vỡ nợ, mất khả năng thanh toán.. 

Ban đầu, khi chính sách của Nhà nước thay đổi đột ngột, có quan điểm cho rằng thị trường chỉ chững lại vài tháng, nhưng thực tế chỉ số VN-Index đến cuối tháng 10 đã giảm xuống dưới 1.000 điểm, giảm hơn 33% so với đầu năm. Việc thay đổi chính sách làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và niềm tin của nhà đầu tư đã rõ ràng. Nhà đầu tư mất niềm tin với thị trường vốn sau hàng loạt vụ bắt bớ đáng tiếc xảy ra đang dẫn đến khủng hoảng về thanh khoản. Nếu nguy cơ đổ vỡ thị trường tài chính không được nhìn nhận và giải quyết một cách kịp thời thì tác động sẽ lan rộng đến cả nền kinh tế. Vấn đề của thị trường chứng khoán, bao gồm trái phiếu doanh nghiệp không chỉ là rủi ro của riêng các doanh nghiệp và nhà đầu tư mà là rủi ro của cả hệ thống ngân hàng và hệ thống tài chính của đất nước.

3. Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan chức năng cần thực hiện đúng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ là không hình sự hoá các quan hệ kinh tế. Đương nhiên, cũng không thể dung túng những doanh nghiệp, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật, có hành vi lừa đảo nhà đầu tư. Việc xử lý nghiêm khắc những doanh nghiệp sai phạm là cần thiết nhưng nhất thiết không để đổ vỡ thị trường, tiếp tục làm thay đổi chính sách đột ngột như vừa qua. Ông Zafer Mustafaeglu đại diện cho World Bank (WB) tại Việt Nam nhận xét: “Thị trường vốn của Việt Nam còn tương đối non trẻ nên sai sót là hoàn toàn có thể xảy ra. Quan trọng hơn là cách chúng ta học hỏi từ sai sót chứ không nên đóng cửa chỉ vì có một vài thành viên xấu, không nên có phản ứng quá mức gây hạn chế cho sự phát triển trong dài hạn”.

Về chính sách chung của nhà nước, khi tình trạng mất thanh khoản của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp đang lan nhanh, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ cho doanh nghiệp phát hành có trái phiếu doanh nghiệp sắp đến hạn có các biện pháp khắc phục hữu hiệu. Ví dụ, trước khi có quyết định phong tỏa, xử lý bằng luật pháp, các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho các công ty phát hành trái phiếu và trái chủ đàm phán gia hạn nợ, thỏa thuận về lộ trình thanh toán nợ nhằm giảm tối đa thiệt hại. Doanh nghiệp có thể xử lý nợ trái phiếu đến hạn bằng cách phát hành thêm, bán tài sản, trước hết là tài sản đảm bảo để thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu.

Như vậy sẽ hạn chế tác động vỡ nợ dây chuyền có thể dẫn đến hoảng loạn, gây sụp đổ thị trường tài chính. Các cơ quan quản lý cần tham khảo kinh nghiệm phát hành thêm để đảo nợ thành công khi xử lý vấn đề thị trường trái phiếu chính phủ những năm 2011-2015. Khi đó, thị trường trái phiếu chính phủ có lãi suất rất cao và kỳ hạn ngắn: lãi suất lên đến 12-13%/năm và năm 2013 kỳ hạn vay 1-3 năm chiếm tới 77% tổng lượng phát hành. Việc phát hành thêm để trả nợ đã giúp thị trường trái phiếu chính phủ trở về trạng thái an toàn với lãi suất 3-4%/năm và kỳ hạn thậm chí lên đến 20-30 năm.   

Cần đưa vào quy định bắt buộc của luật pháp về xếp hạng tín nhiệm trái phiếu, cả với trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng và trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Hiện nay, ở nước ta, trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng không bắt buộc phải được xếp hạng tín nhiệm. Đây rõ ràng là một sơ hở đáng nói, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yếu kém phát hành trái phiếu dưới chuẩn ra thị trường. Nhà đầu tư phải tự chịu rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp không được đánh giá tín nhiệm về các khía cạnh bảo đảm cho lời hứa về lãi suất cao của họ.

Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu thường bao gồm việc đánh giá các điều khoản của trái phiếu, tài sản thế chấp và các yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thanh toán (chẳng hạn như bảo lãnh của bên thứ ba) trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Theo đó, các nhà đầu tư có thể tham khảo về mức xếp hạng tín nhiệm của trái phiếu trước khi đầu tư và không nên mạo hiểm nếu trái phiếu không có xếp hạng tín nhiệm.

VÕ DUY KHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.