Làm gì để thu hút khách quốc tế?

.

Các đường bay quốc tế truyền thống được nối lại và mở thêm đường bay mới đang tạo điều kiện để khách quốc tế đến Đà Nẵng dễ dàng hơn. Thế nhưng hiện nay, việc khai thác khách quốc tế đến Đà Nẵng vẫn chưa được như kỳ vọng. Do đó, cần nhanh chóng có các giải pháp để thu hút du khách quốc tế.

Với nhiều nỗ lực, khách du lịch quốc tế đang trở lại với Đà Nẵng.  Trong ảnh: Du khách Đài Loan (Trung Quốc) đến thành phố qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ
Với nhiều nỗ lực, khách du lịch quốc tế đang trở lại với Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Du khách Đài Loan (Trung Quốc) đến thành phố qua Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm, mở rộng thị trường

Thông tin từ Sở Du lịch cho biết, có 15 chặng bay quốc tế đang được 22 hãng hàng không khai thác, đưa lượng khách không nhỏ đến thành phố. Số liệu của Cục thống kê thành phố cho thấy, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 1-2023 ước khoảng 350.500 lượt, tăng 1,5% so với tháng trước và gấp 6,5 lần cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, khách quốc tế ước đạt 88.500 lượt, tăng 6,1% so với tháng trước, tăng 49,1 lần so với tháng cùng kỳ năm 2022. Khách nội địa ước khoảng 262.000 lượt, tương đương so với tháng trước và gấp 5,1 lần so với tháng cùng kỳ năm 2022. Từ khi các đường bay quốc tế được nối lại, top 5 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng lần lượt là Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc).

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH TMDV Du lịch Omega (Omega tour), cho rằng hiện nay khách du lịch quốc tế đang dần phục hồi và Đà Nẵng vẫn là địa phương dẫn đầu về lượng khách Hàn Quốc.

Ông Ngọc Anh phân tích, để khách quốc tế chọn là điểm đến thì điểm đến đó cần phải có sức hút; phải có được các đường bay trực tiếp, hệ sinh thái tốt (bao gồm nhà hàng, dịch vụ ăn uống, mua sắm, giải trí…). Với một số thị trường như Hàn Quốc, Thái Lan thì các đường bay đã được nối lại khá nhiều nên đây vẫn là lợi thế của Đà Nẵng trong việc thu hút khách đến, còn một số thị trường khác như Ấn Độ thì có thể vẫn cần thời gian để hoàn thiện hơn nữa về các dịch vụ ăn uống cho phù hợp với thị hiếu của khách.

Ngoài việc kết nối các thị trường khách cũ trước đây, ông Ngọc Anh nhìn nhận các doanh nghiệp cần phải linh hoạt hơn trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường. Trước dịch bệnh, Omega tour chuyên thị trường khách Hàn Quốc nhưng từ khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại doanh nghiệp của ông Ngọc Anh cũng mở rộng, đa dạng các thị trường khách hơn gồm cả khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện), thị trường khách Đông Nam Á, trong đó có cả các thị trường mới như Indonesia, Mông Cổ...

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành quốc tế Hải Vân Cát Nguyễn Minh Xoang nhìn nhận, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang suy thoái, người dân các nước trên thế giới có xu hướng thắt chặt chi tiêu; chính sách Visa của Việt Nam còn hạn chế hơn các nước trong khu vực; thị trường khách du lịch lớn như Trung Quốc chưa có tín hiệu tại Đà Nẵng, các thị trường khách truyền thống khác đến Đà Nẵng đang trên đà phục hồi, nhưng còn chậm thì cần phải nhanh chóng đánh giá tiềm năng và tập trung khôi phục thị trường trọng điểm đã có các chính sách mở cửa như Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ, châu Âu, Trung Quốc… theo lộ trình phù hợp. Đồng thời cần phối hợp mở thêm các đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, tăng tần suất bay từ các khu vực đang có tín hiệu khách tốt; rà soát thị trường khách tàu biển, khách đường bộ để có kế hoạch thu hút khách...

Ngành du lịch thành phố cần sớm bổ sung các sản phẩm thu hút hơn nữa khách quốc tế đến Đà Nẵng. Trong ảnh: Đoàn khách du lịch quốc tịch Pháp chụp hình lưu niệm tại biển Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ
Ngành du lịch thành phố cần sớm bổ sung các sản phẩm thu hút hơn nữa khách quốc tế đến Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Đoàn khách du lịch quốc tịch Pháp chụp hình lưu niệm tại biển Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Bổ sung thêm sản phẩm, đổi mới xúc tiến

Một trong những thị trường được ngành du lịch thành phố rất quan tâm đó là dòng khách MICE. Để thu hút dòng khách này, UBND thành phố đã ban hành Chương trình hỗ trợ khách công vụ (MICE) năm 2023, thời gian triển khai từ tháng 9-2022 đến hết tháng 12-2023. Đặc biệt trong năm 2023, Đà Nẵng tập trung nhiều chính sách hỗ trợ đối với các đoàn khách quốc tế như hỗ trợ đưa thông tin chào mừng đoàn trên các màn hình LED tại khu vực quầy nhận hành lý tại nhà ga. Nhờ vậy mà thời gian tới đây, Đà Nẵng dự kiến sẽ đón nhiều đoàn khách MICE đông khách như đoàn 500 khách của Công ty Allybuild Việt Nam do Vietravel khai thác vào tháng 2-2023; đoàn 350 khách Malaysia vào tháng 3-2023...

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng, ngành du lịch Đà Nẵng cần xây dựng các nhóm sản phẩm nghỉ dưỡng, sinh thái, khám phá văn hóa, ẩm thực, sự kiện lễ hội kèm chính sách kích cầu phù hợp với từng thị trường khách (Hàn Quốc, Nhật Bản); tập trung sản phẩm khám phá ẩm thực văn hóa địa phương, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf...; khách Ấn Độ tập trung các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, tâm linh, du lịch cưới, du lịch MICE; tập trung tiếp cận nhóm khách sự kiện, hội nghị, MICE từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khách hạng sang,...

Ngoài ra, cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp xúc tiến bằng cách đặt mục tiêu cụ thể trong từng chiến dịch truyền thông ở từng thị trường; tiếp tục tổ chức roadshow tại các quốc gia tiềm năng, tham gia hội chợ du lịch quốc tế, kết hợp với các hãng hàng không, hãng tàu biển, đại sứ quán Việt Nam tại các nước, các kênh bán hàng trực tuyến, các hãng lữ hành quốc tế để giới thiệu các điểm nhấn về di tích lịch sử, văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng, các dịch vụ tiện ích đẳng cấp và các chính sách thuận tiện và an toàn cho du khách. Bên cạnh đó làm việc với các cơ quan chức năng liên quan đề xuất về chính sách Visa, chính sách tạo điều kiện cho du khách xuất nhập cảnh.

Theo đại diện Sở Du lịch, năm 2023, ngành du lịch thành phố đặt ra mục tiêu tập trung khôi phục, phát triển thị trường khách quốc tế, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hướng đến chuẩn “chất lượng cao”, phấn đấu số lượng khách lưu trú phục vụ tăng 15%-20% so với năm 2022. Theo đó, ngành tập trung triển khai các đề án, kế hoạch trọng tâm, tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu khôi phục hoạt động du lịch; đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch mới để thu hút khách; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, khôi phục lại và đẩy mạnh các thị trường quốc tế trọng điểm và truyền thống, từng bước thúc đẩy tăng trưởng nguồn khách du lịch tại khu vực Đông Bắc Á như  Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông (Trung Quốc) và khu vực Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore, Malaysia), Ấn Độ; tập trung phân khúc khách có khả năng chi trả cao như MICE, golf...

Sẽ tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày?
Thị thực được xem là một trong những vấn đề lớn của du lịch Việt Nam, khiến nước ta chưa thu hút được nhiều khách quốc tế thời gian qua. Dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy, thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam do do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, vừa kết thúc lấy ý kiến các bộ, ngành. Theo dự thảo, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách thị thực điện tử với tất cả thị trường khách quốc tế, tăng thời gian miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày đối với các nước đã được áp dụng chính sách miễn thị thực. Ngoài ra, bộ này cần tăng cường giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình, thủ tục cấp thị thực điện tử. Đơn giản hóa quy trình kiểm soát thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh, hải quan tại cửa khẩu đường không, đường bộ, đường biển, bảo đảm nhanh chóng và tiện lợi nhất cho khách quốc tế đến Việt Nam.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.