Kinh tế

Chủ động phòng trừ sâu bệnh, vật hại trên lúa - màu vụ đông xuân

09:05, 16/02/2023 (GMT+7)

Sau Tết đến nay, một số sinh vật gây hại xuất hiện, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng, do đó, ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân chủ động triển khai, thực hiện các biện pháp phòng trừ hiệu quả, bảo đảm năng suất mùa vụ.

Nông dân tại thôn Bắc An, xã Hòa Tiến đang cấy lúa trở lại trên những ruộng bị chuột cắn phá. Ảnh: VĂN HOÀNG
Nông dân tại thôn Bắc An, xã Hòa Tiến đang cấy lúa trở lại trên những ruộng bị chuột cắn phá. Ảnh: VĂN HOÀNG

Đang nhổ cỏ trên ruộng lúa gần 1.000m2, ông Nguyễn Mạnh Dũng (thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến) chia sẻ, giai đoạn trước Tết, thời thiết thất thường đã tạo điều kiện cho nhiều loại sinh vật hại phát triển. Ngoài sâu bệnh gây hại cây trồng thì có thêm tình trạng chuột cắn lúa trên đồng.

Ông Ngô Văn Sinh, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và Kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) cho hay, mặc dù từ trước vụ sản xuất, HTX đã vận động nông dân ra quân diệt chuột. Tuy nhiên, qua kiểm tra, trong vụ lúa đông xuân năm nay, trên địa bàn có khoảng 25/240ha diện tích sản xuất bị chuột cắn phá, ảnh hưởng đến năng suất. Hiện HTX đã vận động bà con nhổ từ các thửa gieo sạ dày để giặm lại tại các thửa ruộng trống do bị chuột phá hoại.

Ông Lê Đình Ca, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cho biết, đối với sản xuất lúa, vụ đông xuân 2022-2023, toàn huyện tập trung gieo sạ hơn 2.290ha. Tuy nhiên, thời tiết diễn biến bất thường khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Qua kiểm tra thực tế, cây lúa đang bước vào giai đoạn cuối đẻ nhánh, một số diện tích ở trà đầu đang bước vào giai đoạn đứng cái.

Nhìn chung, lúa vụ đông xuân năm nay phát triển khá tốt so với cùng kỳ. Một số đối tượng sinh vật gây hại như: ốc bươu vàng, bọ trĩ, ruồi đục nõn, sâu phao, sâu cuốn lá… chỉ xuất hiện và gây hại rải rác trên các trà lúa. Riêng nạn chuột gây hại mạnh ở các vùng sản xuất gần khu dân cư và các vùng không có lũ lớn tại xã Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến, Hòa Khương và một phần của Hòa Phong…

Theo Chi cục Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tình hình phát triển của các giống cây trồng vụ đông xuân vẫn phát triển ổn định. Đối với cây lúa, chuột gây hại trên các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh hầu hết ở các địa phương với tỷ lệ trung bình phổ biến khoảng 3%, có nơi lên đến 25% diện tích. Cục bộ gây hại với diện tích là 120ha, chủ yếu ở huyện Hòa Vang với 115,5ha; quận Ngũ Hành Sơn 3ha, quận Liên Chiểu 1ha và quận Cẩm Lệ 0,5ha bị cắn phá.

Cụ thể, 100,3ha bị thiệt hại nhẹ với tỷ lệ 5-10%; 16,2ha bị phá hoại từ 10-20% và 3,5ha bị cắn phá nặng với tỷ lệ lớn hơn 20-35%. Ngoài ra, một số sinh vật gây hại khác xuất hiện rải rác nhưng không đáng kể. Đối với các loại rau ăn lá, cây lạc và cây ăn quả xuất hiện rải rác các loại bệnh và sinh vật gây hại như: bọ trĩ, ruồi đục nõn, sâu keo, sâu xanh, bọ nhảy, bệnh thối nhũn, gỉ trắng, bệnh sương mai, bọ bầu vàng…

Chi cục Trưởng Chi cục Nông nghiệp Đặng Ngọc Sơn cũng cho biết, thời gian đến, nông dân cần tiếp tục quan sát tình hình diễn biến của sinh vật gây hại trên các loại cây trồng, đặc biệt là tình trạng chuột phá hoại trên cây lúa trong giai đoạn đẻ nhánh. Chi cục đã có thông báo hướng dẫn các địa phương và nông dân các biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại, không để ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng.

Đồng thời, đề nghị cán bộ kỹ thuật tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện công tác kiểm tra, điều tra sinh vật gây hại, theo dõi côn trùng vào đèn để tiếp tục dự báo tình hình và kịp thời hướng dẫn biện pháp phòng trừ kịp thời. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục vận động nông dân ra quân diệt chuột và thu lượm ốc bươu vàng để bảo vệ sản xuất, bón phân chăm sóc kịp thời; hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững và ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp. Mặc khác, khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón an toàn và hiệu quả.

VĂN HOÀNG

.