Kinh tế

Giá sản phẩm dịch vụ vẫn cao sau Tết

13:41, 08/02/2023 (GMT+7)

Khảo sát tại một số cửa hàng thực phẩm, đồ uống phục vụ người dân trên địa bàn thành phố cho thấy, các sản phẩm hiện nay giá vẫn còn đang “treo” ở mức cao.

Hàng quán ăn uống, giải khát nhiều nơi đã thiết lập mặt bằng giá mới. Ảnh: CHIẾN THẮNG
Hàng quán ăn uống, giải khát nhiều nơi đã thiết lập mặt bằng giá mới. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Chị Nguyễn Thị Nhàn (phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) cho hay, tại hầu hết các địa điểm kinh doanh ẩm thực quanh khu vực có nhiều đền, chùa, nơi tham quan du lịch, các nhà hàng, quán ăn đã mở cửa đón khách đi tham quan du xuân. Tuy nhiên, đa số hàng quán vẫn “neo” giá ở mức cao, bằng giá dịch vụ phục vụ trong dịp Tết.

“Một số quán bún, phở bình dân trước dịp Tết bán 20.000 đồng/tô thì từ ngày 30 tháng Chạp đến nay đã nâng giá lên 25.000 đồng/tô, tăng 25%; cơm hộp trước Tết có giá 20.000 đồng/suất, hiện nay đã tăng lên 25.000 đồng/suất. Đây là những sản phẩm chế biến sẵn được nhiều người lao động, sinh viên, học sinh như tôi lựa chọn để tiết kiệm chi phí và thời gian. Song, khi giá tăng cao tôi phải cân đối lại chi tiêu trong tháng để không bị thâm hụt quá nhiều”, chị Nhàn bộc bạch.

Nhiều năm sinh sống tại Đà Nẵng, anh Huỳnh Công Lịch (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) bối rối khi giá các dịch vụ ăn uống thời điểm này ở một số nơi vẫn chưa giảm, kể từ thời điểm trong dịp nghỉ Tết đến nay. Đối với những mặt hàng đồ ăn được chế biến sẵn có mức giá tương đối cao.

“Mặc dù đã gần 1 tuần đi làm trở lại nhưng các sản phẩm ăn, uống tại những cửa hàng vẫn chưa có xu hướng giảm. Tôi có hỏi thì chủ các cửa hàng ăn uống trả lời do giá nguyên liệu khan hiếm, giá xăng dầu tăng khiến đồ ăn trong quán cũng “ăn theo”. Điều này là không thuyết phục khi tại nhiều khu chợ giá hàng hóa đã giảm hơn so với dịp trong Tết”, anh Lịch nói.

Tại một số tuyến đường kinh doanh ăn uống ở quận Liên Chiểu như Phạm Như Xương, Âu Cơ, Ngô Thì Nhậm... ghi nhận giá dịch vụ ăn uống tăng từ 10-30%. Có nhiều lý do được các chủ quán ăn đặt ra để giải thích cho việc không chịu giảm giá thực phẩm chế biến sẵn sau Tết. Bà Lê Thùy Vân, chủ quán ăn trên đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) chia sẻ, dù tăng giá nhưng lượng khách những ngày này đến cửa hàng của bà vẫn rất đông, thậm chí nhiều lúc khách phải xếp hàng để đợi gọi món.

“Các sản phẩm trong quán ăn đều đã tăng 20-30%. Cụ thể, bánh lọc trước đây có giá 15.000 đồng/dĩa, nay có giá 20.000 đồng/dĩa; bánh bèo trước Tết 10.000 đồng/dĩa, nay tăng lên 15.000 đồng/dĩa...”, bà Vân cho biết. Chị Hà Vĩnh Tuy (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) rất bức xúc với các cửa hàng, quán ăn vì trong Tết, giá các món ăn đã tăng, giờ hết Tết nhưng giá vẫn chưa giảm về bình thường. “Vẫn là nguyên liệu đó, nhưng giá đã cao hơn nhiều so với trước Tết. Các quán ăn vẫn đang áp dụng giá bán ngày Tết, điều này cực kỳ vô lý”, chị Tuy thổ lộ.

Không chỉ riêng những cửa hàng phục vụ nhu cầu ẩm thực, tại các tiệm đồ uống cũng cho thấy sự tăng giá rõ rệt. Anh Trần Văn Bảo (phường Tân Chính, quận Thanh Khê) cho biết, thời điểm trước Tết, 1 ly cà phê sữa (phin) chỉ có giá 12.000 đồng, nhưng tới giờ đã tăng lên 15.000 đồng. Tình trạng tăng giá bán tại nhiều hàng quán cà phê cũng diễn ra ở địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Giá các món đồ uống được niêm yết cũng được các cửa hàng đồ uống tăng 3.000 - 5.000 đồng/món. Đặc biệt, các thức uống có nguyên liệu trái cây tăng mạnh về giá 4.000 - 7.000 đồng/món.

Anh Hồ Huy Hoàng, chủ tiệm cà phê trên đường Trần Cao Vân (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) cho hay, giá cà phê cũng như các loại trái cây, củ quả từ đầu năm tới nay tăng mạnh khiến cửa hàng anh phải điều chỉnh tăng để cân đối chi phí. Cụ thể, các sản phẩm từ cà phê được anh điều chỉnh tăng 10-15%; các loại đồ uống như nước trái cây, sinh tố hoa quả có mức tăng 15% so với thời điểm trước Tết. Anh Hoàng cho biết thêm, dịp Tết, anh không thu thêm phí dịch vụ, tăng ca lên những sản phẩm nên tới thời điểm sau Tết, giá các mặt hàng vẫn không giảm. “Tôi đã giải thích với nhiều khách hàng về điều này, nhiều người cũng đã đồng cảm. Tôi cũng đã cân đối để không tăng quá nhiều gây ra tâm lý e dè khi ở khách hàng”, anh Hoàng thông tin.

Trong khi đó, khảo sát tại các chợ truyền thống, giá các mặt hàng rau hành, la ghim đã giảm so với trước Tết; hàng trái cây tăng giá từ 10-30% do nhu cầu cúng quảy đầu năm. Đặc biệt, các mặt hàng thủy hải sản nguồn cung thiếu, đẩy giá tăng cao. Tuy giá tăng chóng mặt, song các chợ không có nhiều hàng để bán. “Hải sản tươi sống mỗi ngày một giá, chắc vài ngày tới giá cả mới ổn định trở lại”, đó là lời nhận định của các tiểu thương khi hỏi về giá hải sản thời điểm này. Mặt khác, theo lời của một số chủ quán cà phê, các nguyên liệu đường, sữa đều tăng so với trước. Cụ thể, đường tăng 7.000 đồng/kg, cà phê tăng trung bình 8.000-15.000 đồng/kg tùy loại.

“Tôi cũng cân đối tăng lên 2.000-5.000 đồng/ly nước để bù lại chi phí chứ không tăng nhiều, sợ mất khách”, bà Liên, chủ quán cà phê Chill (đường Nguyễn Duy Hiệu, quận Sơn Trà) bộc bạch. Mặc dù đối với những hàng quán tăng giá dịch vụ ăn, uống đều lấy lý do tăng nguyên liệu tăng, nhân công tăng, thì vẫn có nhiều hàng quán qua khảo sát đã giảm giá so với giá dịp Tết.

Đây là vấn đề uy tín trong kinh doanh mà người kinh doanh cần xem lại để “giữ chân” và chia sẻ với khách hàng trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Những diễn biến bất thường và phổ biến hiện nay về tăng giá dịch vụ như ăn uống, giải khát... sẽ càng làm cho thị trường khó phát triển, người kinh doanh gặp khó khăn hơn bởi khách hàng đang dần dần thắt chặt chi tiêu.

CHIẾN THẮNG - QUỲNH TRANG

.