Kinh tế

Cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023

15:52, 08/03/2023 (GMT+7)

ĐNO - Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023. Theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của thành phố Đà Nẵng được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao là 7.947 tỷ đồng; đến nay kế hoạch vốn năm 2023 đang được đẩy mạnh giải ngân để đảm bảo đúng tiến độ. Thành phố đặt mục tiêu đến 31-12, giải ngân đạt 80% và đến ngày 31-1-2024 sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao. Trong năm 2023, thành phố Đà Nẵng sẽ khởi công 25 công trình, ngoài ra còn 38 công trình cần hoàn thành. Nếu 38 công trình này được đưa vào sử dụng trong năm nay thì hạ tầng thành phố sẽ thay đổi nhiều, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

đẩy mạnh
Cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Tuy nhiên, hiện nay, nền kinh tế Đà Nẵng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức đến từ bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường. Lạm phát ở nhiều quốc gia và khu vực đang ở mức cao và vẫn có xu hướng tiếp tục mạnh; tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn giai đoạn trước; thương mại và đầu tư quốc tế có xu hướng chậm phục hồi; nợ công toàn cầu và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Đặc biệt, tác động của Covid-19 đang tiếp tục gây ra suy thoái kinh tế trầm trọng trên toàn cầu và có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới, làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của thế giới…

Trong bối cảnh này, xung đột Nga - Ukraine chưa đi đến hồi kết tiếp tục tạo ra khủng hoảng đa tầng kéo dài đối với nền kinh tế toàn cầu. Là nước có độ mở kinh tế cao (hơn 200%) và đang hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, Việt Nam khó tránh khỏi những ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Là địa phương có độ mở kinh tế cao so với mặt bằng chung của cả nước với mức phụ thuộc lớn vào nguồn vốn đầu tư quốc tế, thị trường xuất khẩu, thị trường nguyên liệu nhập khẩu và đặc biệt là thị trường khách du lịch, nền kinh tế Đà Nẵng trong năm 2023 được dự đoán sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ bối cảnh chung. Bên cạnh đó, các vấn đề nội tại của nền kinh tế về năng suất, hạ tầng, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên, đất đai và xử lý ô nhiễm môi trường, già hoá dân số, chênh lệch giàu - nghèo và trình độ phát triển xã hội vẫn đang tiếp tục gây áp lực lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều khó khăn và rủi ro này, nâng cao khả năng tự lực và huy động tối đa các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội càng trở nên bức thiết. Xác định đầu tư công là “vốn mồi” tạo nền tảng và thu hút các nguồn vốn đầu tư khác, chính quyền thành phố trong những năm gần đây càng đặc biệt chú trọng công tác đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công với rất nhiều giải pháp sáng tạo và quyết liệt.

Chẳng hạn, ngay từ đầu năm 2022, thành phố đã khẩn trương và chủ động triển khai thực hiện kế hoạch vốn của năm. UBND thành phố đã quy định tỷ lệ giải ngân đến từng thời điểm trong năm để các đơn vị thực hiện; phân công lãnh đạo thành phố phụ trách địa bàn, lĩnh vực để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án cam kết tỷ lệ giải ngân từng tháng và tiến độ thi công dự án; duy trì hoạt động của 2 Tổ công tác liên ngành để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; giao Chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện lập kế hoạch chi tiết tiến độ thực hiện đền bù giải tỏa hàng tuần, bám sát địa bàn, có giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện để bàn giao mặt bằng thi công, chịu trách nhiệm về tỷ lệ giải ngân vốn đền bù các dự án trên địa bàn...

Tổng vốn đầu tư công được giải ngân của thành phố có xu hướng tăng trong giai đoạn 2016-2022. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, tổng vốn đầu tư công được giải ngân có sụt giảm mạnh trong năm 2020 và thể hiện xu hướng thiếu sự ổn định trong giai đoạn 2020-2022.

Thực tế, giá đất thị trường trong nhiều thời điểm có sự biến động lớn, khiến cho công tác vận động giải phóng mặt bằng cho các hộ dân gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, giá trị đền bù thực tế của các dự án thường cao hơn rất nhiều so với giá trị được phê duyệt, dẫn đến số vốn đền bù thực tế vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt nên không giải ngân được vốn đền bù đã được bố trí.

Do đó, để đảm bảo được tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thúc đẩy phục hồi và phát triển ổn định kinh tế - xã hội trong thời gian tới, cần có các giải pháp linh hoạt và đồng bộ để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng đền bù mặt bằng, bố trí tái định cư. Đồng thời, cần giám sát, quản lý chặt chẽ hơn việc thao túng thị trường, làm biến động giá nhà đất một cách bất thường như đã xảy ra trong những năm vừa qua. Đặc biệt, cần rà soát lại công tác chuẩn bị đầu tư của tất cả các đơn vị đề xuất đầu tư cũng như chủ đầu tư nhằm đảm bảo dự báo được tối đa những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, tránh tối đa việc điều chỉnh làm chậm trễ tiến độ giải ngân các dự án.

LÊ MAI

.