Kinh tế

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, nông dân cẩn trọng tái đàn

14:08, 02/03/2023 (GMT+7)

Trước biến động về giá thức ăn, chi phí đầu vào tăng cao, ngành nông nghiệp và các địa phương khuyến cáo nông dân cẩn trọng tái đàn đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, bảo đảm sự phát triển ổn định của đàn vật nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giá heo hơi thấp, thức ăn cao khiến người chăn nuôi dè dặt, e ngại khi tái đàn sản xuất. Trong ảnh: Chị Nguyễn Thị Xuân Trang, hộ chăn nuôi heo thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương đang chăm sóc đàn heo. Ảnh: VĂN HOÀNG
Giá heo hơi thấp, thức ăn cao khiến người chăn nuôi dè dặt, e ngại khi tái đàn sản xuất. TRONG ẢNH: Chị Nguyễn Thị Xuân Trang, hộ chăn nuôi heo thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương đang chăm sóc đàn heo. Ảnh: VĂN HOÀNG

Ngay sau Tết, hộ chăn nuôi heo của ông Phan Nghĩa (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương) nhanh chóng tái đàn với số lượng khoảng 30 con, nâng tổng đàn lên 70 con. Mặc dù mỗi tháng, ông Nghĩa đều tái đàn để việc chăn nuôi duy trì liên tục, nhưng ông vẫn sợ lỗ khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá heo hơi giảm như hiện nay.

“Giá heo giống hiện khoảng 1 triệu đồng/con với trọng lượng 7kg. Để heo con phát triển mạnh, trong tháng đầu tiên, các hộ chăn nuôi phải cho ăn cám rồi mới sử dụng các loại thức ăn khác. Nếu hộ nào sử dụng 100% cám trong quá trình nuôi chi phí đội lên rất nhiều. Lúc xuất chuồng, giá cả chỉ dao động ở mức 52.000 đồng/kg như bây giờ nên người chăn nuôi lỗ nặng”, ông Nghĩa nói.

Tổ hợp tác chăn nuôi gà Kê Sơn (xã Hòa Phong) có khoảng 30 thành viên, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn gà thịt. Tuy nhiên, do chi phí thức ăn tăng cao mà thương lái thu mua với giá thấp, nhiều hộ chăn nuôi chưa dám tái đàn trở lại.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, thôn Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong) chia sẻ, mọi năm sau Tết, việc chăn nuôi của người dân nhộn nhịp, mỗi tháng đều có gà xuất bán bởi việc tái đàn được thực hiện liên tục. Thông thường, bà Hạnh sẽ nuôi khoảng 1.500 con gà/đợt và tái đàn 2 tháng/lần. Dịp Tết vừa qua, thương lái liên tục ép giá khiến lượng gà tồn đọng nhiều, trong khi giá thức ăn lên đến 390.000-400.000 đồng/bao 25kg khiến người dân chịu lỗ. Đến nay, bà Hạnh cùng nhiều hộ chăn nuôi chưa mạnh dạn nuôi lại.

Bà Trần Thị Tài, Chi cục phó Chi cục Nông nghiệp cho biết, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, diễn ra trên địa bàn huyện Hòa Vang và một số phường của quận Liên Chiểu. Hiện, giá thức ăn chăn nuôi vẫn neo ở mức cao, trong khi giá heo hơi có xu hướng giảm và không ổn định nên người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi tái đàn.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang Lê Đình Ca, nguồn gốc thức ăn là một trong những tiêu chí quan trọng để chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch tả heo châu Phi vì vắc-xin phòng bệnh vẫn chưa được khuyến cáo sử dụng đại trà. Vì vậy, khi giá thức ăn tăng cao, người dân vừa sợ lỗ, vừa lo ngại tái phát dịch bệnh nên việc chăn nuôi vẫn còn dè chừng, e ngại và chưa mạnh dạn tái đàn. “Địa phương thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện cũng triển khai cho nhiều hộ về mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo hướng hữu cơ để nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần cải thiện cuộc sống”, ông Lê Đình Ca nói.

VĂN HOÀNG

.