Kinh tế
Khổ vì vay vốn phải mua bảo hiểm đi kèm
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhiều lần chấn chỉnh tình trạng vay vốn ngân hàng phải mua kèm bảo hiểm nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, và thiệt thòi vẫn là người vay.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi vay vốn phải mua bảo hiểm đi kèm. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Nhà máy nước đóng chai Aqua World, Công ty TNHH Vận tải du lịch và dịch vụ thương mại Long Hiền. Ảnh: M.Q |
Thường xuyên vay vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM) để phục vụ sản xuất kinh doanh nên ông Ngô Bảo Thiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải du lịch và dịch vụ thương mại Long Hiền (quận Hải Châu) cho biết, việc vay vốn đi kèm bảo hiểm gần như là điều kiện bắt buộc.
“Mỗi lần làm hồ sơ vay vốn là một số NHTM lại đề nghị mua bảo hiểm, vay càng nhiều thì hợp đồng bảo hiểm đi kèm lại càng cao, rơi vào khoảng 20-30 triệu đồng/năm. Công ty xác định mỗi lần mua bảo hiểm vậy là bỏ bảo hiểm đó luôn, không có nhu cầu đóng phí các năm tiếp theo vì không cần thiết. Công ty đã chi không ít tiền mua bảo hiểm nhưng không mang lại tác dụng gì, chỉ NHTM và công ty bảo hiểm là có lợi”, ông Thiên nói.
Tương tự, ông Phạm Bảy, Giám đốc Công ty Xây dựng, thương mại và dịch vụ Ông Bảy (quận Thanh Khê) bày tỏ, doanh nghiệp khó khăn, không có tiền để trả lương nhân viên mới đi vay mà cũng được đề nghị mua bảo hiểm. Còn nếu không mua bảo hiểm thì tăng phí cam kết rút vốn (khoản phí mà khách hàng phải trả cho ngân hàng khi cam kết rút vốn trước thời hạn quy định - PV). Cụ thể, khi ông làm hồ sơ tại một NHTM để vay 1 tỷ đồng, ban đầu phí cam kết rút vốn là 10 triệu đồng, nhưng vì không mua bảo hiểm nên ngân hàng đề nghị tăng phí cam kết rút vốn thêm 20 triệu đồng, tương ứng 30 triệu đồng/1 tỷ đồng.
Trong khi đó, giám đốc một công ty trên địa bàn quận Hải Châu cho biết, chưa vay vốn tại NHTM với tư cách đại diện doanh nghiệp, nhưng khi vay với tư cách cá nhân cũng được đề nghị mua bảo hiểm, cụ thể vay 700 triệu đồng thì mua gói bảo hiểm nhân thọ 15 triệu đồng/năm sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi trong 2 năm đầu, nếu không mua thì hồ sơ khó được phê duyệt nhanh, cũng như lãi suất cao hơn khoảng 1-1,5%/năm.
Vị giám đốc này cho biết, chấp nhận mua bảo hiểm để được vay vốn, sau đó cũng bỏ luôn gói bảo hiểm bởi đã có hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cá nhân từ trước. Người này phân tích thêm, mỗi hợp đồng bảo hiểm ngân hàng bán thành công thì được trích lợi nhuận, bên bảo hiểm thì càng có lợi khi khách hàng mua bảo hiểm xong không tham gia nữa bởi quy định nêu rõ, bảo hiểm nhân thọ sẽ hoàn trả phần trăm số tiền phí đóng vào tương ứng với số năm tham gia, còn tham gia năm đầu mà không đóng phí nữa thì mất 100% số tiền, chỉ có người vay khổ!
Có thể thấy, tình trạng đề nghị người vay mua kèm bảo hiểm đã xuất hiện nhiều năm gần đây. Theo số liệu của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hoạt động bán bảo hiểm qua hợp tác với ngân hàng tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh hợp tác bán bảo hiểm này của doanh nghiệp bảo hiểm chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới, giúp ngành bảo hiểm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định.
Việc ký kết ngân hàng - bảo hiểm sẽ không có gì đáng nói nếu ngân hàng chỉ làm nhiệm vụ giới thiệu, người vay có nhu cầu thực sự và đủ khả năng chi trả hợp đồng bảo hiểm các năm tiếp theo thì tự nguyện tham gia. Tuy nhiên, tình trạng người vay tiền phải mua bảo hiểm kiểu “mua bia kèm lạc” lại liên tục diễn ra. Bên cạnh đó, khách hàng không được lựa chọn mệnh giá hợp đồng cũng như doanh nghiệp bảo hiểm mong muốn tham gia.
Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Đà Nẵng cho biết, bảo hiểm hiện có hai loại là bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Có thể khuyến khích các doanh nghiệp nên mua bảo hiểm phi nhân thọ để bảo đảm cho doanh nghiệp khi xảy ra rủi ro, thiên tai không mong muốn như bão lũ, hỏa hoạn....
Còn việc các NHTM đề nghị khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ xuất phát từ hội sở ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Các ngân hàng trên địa bàn Đà Nẵng chỉ là chi nhánh, là cấp dưới được giao chỉ tiêu yêu cầu thực hiện; không thực hiện còn bị cắt lương, cắt thưởng. Ông Minh nói thêm, trong các hội nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với NHTM, bản thân ông thường xuyên kiến nghị điều này.
“Chi nhánh vừa ban hành văn bản gửi tới các NHTM trên địa bàn thành phố đầu tháng 3 vừa qua. Theo đó, chi nhánh yêu cầu các NHTM báo cáo số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mà ngân hàng đã bán được, bên cạnh đó là nhanh chóng thiết lập đường dây nóng, email tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp về vay vốn phải đi kèm mua bảo hiểm. Riêng Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Đà Nẵng đã thiết lập đường dây nóng: 0236.3810250, email: danang@sbv.gov.vn để tiếp nhận phản ánh”, ông Minh thông tin.
Cuối tháng 2-2023, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố đường dây nóng tiếp nhận cũng như xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên, đơn vị kinh doanh ép khách hàng mua bảo hiểm và tổ chức tín dụng sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này. Đường dây nóng của Bộ Tài chính là 024.22208018 hoặc email: duongdaynongbaohiem@mof.gov.vn. Đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là 024.38266344; 024.39361017 hoặc email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn. |
MAI QUẾ