Kinh tế

DIỄN ĐÀN: ĐÀ NẴNG LÀM GÌ ĐỂ TRỞ THÀNH NƠI ĐÁNG ĐẾN VÀ ĐÁNG SỐNG?

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Sun Group Vùng miền Trung: Tạo thương hiệu riêng cho Đà Nẵng

08:34, 27/04/2023 (GMT+7)

Nhìn vào quy hoạch chung phát triển Đà Nẵng, có thể hình dung thành phố bên sông Hàn sẽ được đầu tư phát triển để trở thành một thành phố đáng đến, đáng sống tầm cỡ khu vực. Để làm được như vậy, Đà Nẵng cần thiết bổ sung công trình điểm nhấn, sản phẩm du lịch đẳng cấp, ấn tượng, tạo thương hiệu riêng.

Ở góc độ một doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm phát triển du lịch, xin đề xuất một số giải pháp phát triển nhằm tạo thương hiệu riêng, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng đến hàng đầu.

Một là, phát triển du lịch biển đẳng cấp cao ở Đà Nẵng. Hiện du lịch biển Đà Nẵng gần như chỉ có nghỉ dưỡng ven biển, tắm biển, các trò chơi phổ biến như dù lượn, mô tô nước, lặn biển... Trong khi với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật, sự sáng tạo vô hạn của con người, những trải nghiệm khám phá, giải trí, tận hưởng khác biệt trên biển đã xuất hiện ngày càng nhiều trên thế giới. Với đường bờ biển dài khoảng 30km, nằm trên các tuyến đường biển quốc tế, Đà Nẵng nắm giữ điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch biển cao cấp, thu hút khách qua đường tàu biển. Do đó, bổ sung trải nghiệm du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí đặc sắc gắn với biển là cách để du lịch Đà Nẵng tự làm mới mình, nâng tầm vị thế, thu hút dòng khách có mức chi tiêu cao.

Hai là, phát triển du lịch sông giàu bản sắc. Bên cạnh biển, sông là “tài sản” trời ban của Đà Nẵng. Sở hữu gần 50km đường thủy nội địa, lẽ ra Đà Nẵng đã sớm có nhiều sản phẩm du lịch đường sông ấn tượng. Nhưng suốt nhiều năm qua, check-in những cây cầu nổi tiếng và đi du thuyền về đêm dường như là tất cả những gì của du lịch sông nước. Chúng tôi rất mừng khi thành phố sẽ đầu tư gần 400 tỷ đồng cho dự án “Dòng sông ánh sáng” ngay năm nay.

Ngoài ra, Đà Nẵng còn có sông Cu Đê, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Cổ Cò... Du lịch đường sông hoàn toàn có thể được đầu tư để trở thành nét đặc trưng của thành phố. Trong đó, sông Cổ Cò dài 25km nối từ Đà Nẵng đến Quảng Nam đang được khơi thông hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch sông nước nhờ giá trị kết nối giữa các điểm đến. Được biết phát triển du lịch đường thủy nội địa đang được thành phố quan tâm nghiên cứu. Chúng tôi kỳ vọng du lịch đường thủy nội địa, khai thác tiềm năng lợi thế sông nước sẽ sớm được hiện thực hóa, tạo điểm nhấn mới mẻ, đặc sắc cho thành phố.

Ba là, thắp sáng kinh tế đêm. Một thành phố lấy du lịch làm mũi nhọn, hướng tới tầm vóc quốc tế, không thể là thành phố “ngủ sớm”. Điều kiện cần của phát triển kinh tế đêm là cơ chế, chính sách. Nhưng điều kiện đủ là một quy hoạch rõ nét. Theo đó, cần quy hoạch dịch vụ đêm tại những địa điểm đủ quy mô, có khoảng cách nhất định với khu dân cư, có hạ tầng cơ sở để dễ dàng kiến tạo chuỗi dịch vụ đa dạng. Đó sẽ là những tổ hợp sáng đèn 24 giờ, phục vụ all-in-one nhu cầu giải trí, mua sắm, ẩm thực, tài chính, chăm sóc sức khỏe... của du khách. Đó cũng sẽ là nơi tổ chức các sự kiện, lễ hội, show diễn, chương trình văn hóa nghệ thuật về đêm bài bản, chuyên nghiệp.

Bốn là, nâng tầm thương hiệu “Điểm đến sự kiện -  lễ hội hàng đầu châu Á”. Để hướng tới trở thành điểm đến sự kiện - lễ hội tầm cỡ quốc tế, Đà Nẵng cần định hướng trở thành tâm điểm các sự kiện lớn, hoành tráng, hấp dẫn, thậm chí “độc bản”. Sau 3 năm vắng bóng do tác động từ Covid-19, năm nay Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng “tái xuất” kỳ vọng giúp du lịch thành phố tạo đột phá. Chúng tôi mong thành phố sẽ tiếp tục thúc đẩy việc phát triển hạ tầng cơ sở để nâng tầm thương hiệu lễ hội pháo hoa quốc tế nói riêng, thương hiệu “Điểm đến sự kiện - lễ hội hàng đầu châu Á” nói chung.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng cần thu hút nhà đầu tư phát triển chuỗi y tế, giáo dục chất lượng cao, liên cấp, liên quốc gia, đồng thời tạo dư địa phát triển hệ thống thương mại dịch vụ cao cấp, các điểm bán hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm lớn... Đà Nẵng cần trở thành một thành phố đáng đầu tư, hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp, doanh nhân, đơn vị thương mại, tài chính.

Do đó, yêu cầu đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính tiếp tục được đặt ra. Đồng thời, nên quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm tài chính. Việc phát triển thị trường bất động sản quy mô, xứng tầm cũng sẽ trở thành động lực quan trọng, thu hút nguồn lực đầu tư cho thành phố.

THẢO NHI ghi

Báo Đà Nẵng hân hạnh đón nhận ý kiến, đề xuất, hiến kế của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước qua hộp thư điện tử: tsbaodanang@gmail.com

 

.