Kinh tế
Hướng đi mới của các hợp tác xã nông nghiệp
Để phát huy thế mạnh sẵn có, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đáp ứng nhu cầu của thị trường, các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã nỗ lực “chuyển mình”, tìm hướng đi mới trong việc xây dựng nhiều mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ và xúc tiến thương mại.
Xây dựng mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ và xúc tiến thương mại là hướng phát triển của nhiều hợp tác xã nông nghiệp hiện nay. TRONG ẢNH: Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 đang hỗ trợ nông dân gặt lúa. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Thành lập từ năm 1978, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) với ngành nghề chính là sản xuất nông nghiệp và thực hiện các dịch vụ thủy lợi, làm đất, thu hoạch, khuyến nông… Để chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, đơn vị thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo mô hình mới, đưa hoạt động sản xuất vào nền nếp và phát triển theo hướng bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển hàng hóa phục vụ đô thị, mở rộng các dịch vụ thế mạnh của HTX với phương châm là “bà đỡ” cho xã viên; xúc tiến, xây dựng các dịch vụ mới, phù hợp tình hình phát triển của địa phương.
Theo Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 Nguyễn Sĩ, HTX đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, tổ chức đồng bộ các dịch vụ cơ bản để thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, bảo đảm kinh doanh có hiệu quả. Từ đó, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và tham gia hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, sản phẩm gà thả vườn Kê Sơn của HTX được chứng nhận OCOP 3 sao. Đây là cơ hội để HTX xúc tiến, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 Ngô Văn Sinh thông tin, bên cạnh các dịch vụ hỗ trợ sản xuất truyền thống, HTX định hướng tập trung đẩy mạnh công tác thương mại, thực hiện liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho các xã viên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Đối với sản phẩm lúa gạo, sau khi thu hoạch, nông dân mang về HTX để thực hiện công đoạn sấy.
HTX thực hiện thu mua sản phẩm, giúp bà con tránh tình trạng bị các thương lái ép giá. Thời gian đến, đơn vị sẽ sử dụng loại gạo ST25 làm sản phẩm kinh doanh chủ lực và đa dạng các loại gạo khác cung ứng cho thị trường. Đồng thời, triển khai thí điểm mô hình sản xuất rau củ quả với diện tích từ 3-5ha; hình thành điểm bán gạo và liên kết với các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị mini trong việc tiêu thụ sản phẩm.
“Để phát huy được thế mạnh và phát triển HTX rất cần sự đồng lòng, chung sức của bà con. Khi HTX có sản phẩm chủ lực, đặc trưng thì việc tham gia các hội chợ quảng bá, xúc tiến thương mại tại thành phố và các địa phương sẽ thuận lợi hơn, tạo nguồn thu ổn định để các xã viên yên tâm sản xuất”, ông Sinh chia sẻ.
Các hợp tác xã nông nghiệp nỗ lực chuyển đổi, phát triển theo mô hình hợp tác xã kiểu mới để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. TRONG ẢNH: Các đại biểu thăm mô hình trồng nấm bào ngư của Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp 1 Hòa Quý. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Tại phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), hơn 15 năm qua, bên cạnh việc hỗ trợ nông dân sản xuất lúa thuần túy, HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp 1 Hòa Quý đã triển khai trồng các loại nấm bào ngư trắng, bào ngư tím, linh chi… Với diện tích đầu tư 200m2, 10.000 bịch phôi nấm của HTX cho ra sản lượng 6-8 tấn/năm, tạo nguồn thu ổn định khoảng 350-400 triệu đồng. Tháng 12-2022, sản phẩm nấm bào ngư của HTX được UBND thành phố công nhận OCOP 3 sao.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) hỗ trợ HTX gần 100 triệu đồng để đầu tư các trang thiết bị và hình thành điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm sạch, hữu cơ tại quận và thành phố nói chung.
“Chúng tôi sẽ tập trung cải thiện, nâng cấp và ứng dụng khoa học công nghệ trong khâu chế biến, mang đến sự đa dạng và nâng cao giá trị sản phẩm nhằm tạo sự phát triển bền vững cho HTX”, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp 1 Hòa Quý Mai Siêng cho hay.
Theo Liên minh HTX thành phố, tại Đà Nẵng hiện có 60 HTX, liên hiệp HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong tổng số 138 HTX đang hoạt động, thu hút 7.684 thành viên, giải quyết việc làm cho 12.900 lao động. Sau khi tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX nông nghiệp khôi phục, bước đầu hoạt động có lợi nhuận và đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; xuất hiện nhiều mô hình HTX chuyên canh, tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực nông nghiệp và thương mại. Một số HTX phát triển theo hướng nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái và dịch vụ, bước đầu tạo ra hiệu quả hoạt động; góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Trần Văn Hiền cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX; kêu gọi những doanh nghiệp, sáng lập viên có nguồn vốn lớn đầu tư thành lập HTX, liên hiệp HTX trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp chế biến và lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh cao.
Mặt khác, tạo điều kiện cho các HTX nông nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; hỗ trợ tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm. “Nông nghiệp thông minh, tự động hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm… là định hướng phát triển mà các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố cần chú trọng trong những năm đến”, ông Hiền chia sẻ thêm.
VĂN HOÀNG