Kinh tế
Nét đột phá trong quy hoạch phân khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang
Theo nội dung đồ án quy hoạch phân khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang, trong tương lai, đô thị này là trung tâm hành chính huyện, cửa ngõ kết nối các tỉnh Quảng Nam và Tây nguyên, theo hướng tiểu trung tâm kinh tế đa ngành, ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ hỗ trợ cho vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch cấp khu vực, làm động lực phát triển đô thị khu vực phía tây thành phố.
Phối cảnh khu vực quảng trường trung tâm tại phân khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang. |
Đô thị sinh thái với không gian đa dạng
Phân khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang có diện tích khoảng 228,14ha, phía bắc giáp sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan; phía nam giáp tỉnh Quảng Nam; phía đông giáp quốc lộ 1A; phía tây giáp đường Hoàng Văn Thái và phân khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đi qua các xã Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Phú, Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Tiến và Hòa Phước.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hòa Vang cho biết, theo nội dung đồ án, đô thị huyện lỵ Hòa Vang thuộc phân khu dự trữ phát triển của vùng sườn đồi, có vai trò trung tâm và là tiền đề để phát triển huyện Hòa Vang thành thị xã. Vì vậy, khu vực quy hoạch phát triển với hình thức đô thị nén, điều tiết về vấn đề nhà ở của phân khu dự trữ phát triển. Trung tâm huyện lỵ ngoài chức năng chính là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của huyện, còn có vai trò hỗ trợ về khoa học nông nghiệp cho vùng nông nghiệp phía tây. Nếu đô thị sườn đồi là đô thị chuyển tiếp và điều tiết dân số từ phân khu công nghệ cao, phân khu lõi xanh với hệ số sử dụng đất cao, thu hút dân cư, phát triển theo hình thức TOD (Transit Oriented Development - công trình phát triển theo định hướng giao thông công cộng) thu hút khách du lịch thì phân khu dự trữ phát triển với trung tâm huyện lỵ Hòa Vang sẽ là không gian sống xanh bảo tồn và phát huy hệ thống sản xuất nông nghiệp từ nông nghiệp công nghệ cao đến nông nghiệp truyền thống, hiện đại, thông minh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Phát, trung tâm đô thị huyện lỵ Hòa Vang và phân khu dự trữ phát triển tạo nên sự kết nối xanh với các phân khu lân cận, và là không gian điều hòa khí hậu khu vực giáp ranh. Khu vực lập quy hoạch phần lớn là đất nông nghiệp, với cao độ nền 2,5-3m, rất thấp so với cao độ nền khuyến cáo thấp nhất tương ứng ngập lụt tần suất 5% (theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, khuyến cáo cao độ nền khu vực là 6m). Đặc biệt, phía nam khu vực nghiên cứu triển khai quy hoạch đồ án có gò đồi cao và yếu tố này sẽ đem lại sự đa dạng trong cảnh quan khu vực.
Được biết, trung tâm đô thị huyện lỵ Hòa Vang được quy hoạch định hướng phát triển từ trung tâm hành chính hiện trạng. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện chức năng thành trung tâm thị xã bao gồm không gian xanh gắn liền với không gian văn hóa, bổ sung khu chức năng giáo dục và thương mại dịch vụ. Vị trí trung tâm đô thị nằm ở xã Hòa Phong, do đó trong quá trình quy hoạch đã khớp nối, định hướng các khu chức năng và hạ tầng đô thị phù hợp sự phát triển của đô thị huyện lỵ. Quy hoạch cây xanh, mặt nước xã Hòa Phong có sự liên kết chặt chẽ với công viên trung tâm và các trục cảnh quan chính của đô thị. Kết thúc trục cảnh quan chính là khu vực sản xuất nông nghiệp, có ý nghĩa dự trữ phát triển đô thị huyện lỵ trong tương lai.
Quy hoạch cụ thể các khu chức năng
Theo quy hoạch sử dụng đất, đơn vị đất ở khoảng 171,74ha, trong đó nhóm nhà ở (gồm nhà ở và nhà ở xã hội) 65,61ha; giáo dục (gồm trường THCS, tiểu học, mẫu giáo) 9,3ha; đất dành cho không gian văn hóa và các công trình công cộng 12,86ha; đất dịch vụ 13,22ha; cây xanh sử dụng công cộng 7,8ha; bãi đỗ xe 7,52ha; giao thông 55,43ha và khu vực cấp đô thị 34,33ha. Quy mô dân số tại khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang đến năm 2030 dự kiến khoảng 36.000 người.
Để hạn chế tình trạng ngập lụt, phân khu đô thị huyện tập trung xây dựng hệ thống thoát nước riêng. Đối với giao thông, tỷ lệ sử dụng đất tối thiểu 18% đất xây dựng đô thị, diện tích đỗ xe trong khu đô thị tối thiểu 2,5m2/người.
Ông Phan Văn Tôn, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, mục tiêu của đồ án là cụ thể hóa quy hoạch chung điều chỉnh xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đã được phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Định hướng quy hoạch phân khu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Qua đó, nâng cao chất lượng môi trường sống, cơ sở hạ tầng và cảnh quan đô thị, đáp ứng nhu cầu khai thác, phát triển quỹ đất và thu hút dự án nhưng vẫn bảo đảm phát triển không gian đô thị hài hòa giữa hiện trạng và xây dựng mới. Phát triển đô thị, tạo bộ mặt kiến trúc cảnh quan tại phân khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang góp phần hoàn thiện quy hoạch chung thành phố. Đáp ứng quỹ đất để phát triển thương mại dịch vụ, công trình công cộng, nhu cầu ở mới, tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho địa phương. Mỗi nội dung của đồ án đều hướng tới xây dựng Hòa Vang thành đô thị loại 4, đô thị thông minh, trung tâm chuyển đổi số, hiện đại, có bản sắc đặc thù trong tương lai gần.
“Quá trình xây dựng đồ án, UBND huyện chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị liên quan rà soát, bổ sung hệ thống công trình dịch vụ công cộng, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục-thể thao... trên cơ sở phân khu chức năng phù hợp với quy hoạch chung thành phố. Đồ án phân khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang hình thành sẽ là cơ sở pháp lý cho việc lập các dự án đầu tư xây dựng và quản lý xây dựng theo quy hoạch. Đặc biệt, hình thành trung tâm đô thị huyện lỵ, phù hợp tính chất và chức năng của một trung tâm huyện, tạo tiền đề phát triển huyện Hòa Vang thành thị xã vào năm 2025 theo định hướng chung của thành phố”, ông Phan Văn Tôn khẳng định.
TIỂU YẾN