Kinh tế
Khởi nghiệp thành công với trà gừng
Nhận thấy trồng gừng vất vả nhưng đầu ra khó khăn, thu nhập không ổn định, chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) mày mò nghiên cứu khởi nghiệp với trà ngừng. Từ việc mạnh dạn đổi mới, chuyển đổi từ trồng trọt sang chế biến, đến nay, chị Nguyệt gặt hái thành công với sản phẩm trà gừng Tâm Nguyên.
Sau thành công bước đầu, chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt ấp ủ ý định đẩy mạnh sản xuất, đưa sản phẩm trà gừng đến nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Ảnh: T.D |
Thoát cảnh “được mùa, mất giá”
Năm 2017, người dân phường Hòa Quý đa số trồng gừng bởi loại cây này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Dù vậy, đến mùa thu hoạch, người dân lại “thấp thỏm” bởi cảnh được mùa, mất giá luôn xảy ra. “Bố mẹ tôi đầu tư trồng hơn một sào gừng nhưng đến mùa thu hoạch không tránh khỏi cảnh thua lỗ. Chứng kiến sự việc, tôi tự nhủ phải tìm một hướng đi mới để vừa giúp bố mẹ và người dân thoát cảnh thua lỗ vừa giữ được nghề trồng gừng vốn gắn bó với họ nhiều năm. May mắn, trong một lần trò chuyện với người bạn Nhật Bản, tôi được gợi mở ý tưởng chế biến gừng thành sản phẩm trà thơm ngon”, chị Nguyệt nhớ lại.
Sau khi có ý tưởng, chị Nguyệt cùng bố là ông Nguyễn Lên mày mò nghiên cứu công thức pha chế. Do trên thị trường có nhiều sản phẩm trà gừng thông dụng dạng bột khô đóng gói nên để có thể cạnh tranh, ông Lên cùng con gái chế biến trà gừng dạng cao lỏng đóng chai. “Tưởng đơn giản nhưng khi bắt tay vào làm, nhiều thứ còn khá xa lạ với tôi nên không tránh khỏi thất bại. Cái khó là làm sao để trà thơm ngon, độ ngọt vừa phải, giữ được lâu mà không bị tách nước. Những sản phẩm trà đầu tiên thường mắc lỗi bị lắng, tách nước sau vài ngày đóng chai. Tuy nhiên, được con gái động viên, tôi quyết tâm đến cùng. Hai bố con đặt mua những sản phẩm trà gừng nổi tiếng của Hàn Quốc, Nhật Bản về uống thử để học hỏi, điều chỉnh nguyên liệu phù hợp với khẩu vị người Việt Nam. Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng sản phẩm trà gừng bảo đảm chất lượng được hoàn thành”.
Gừng được chọn là loại củ già, gừng sẻ, sau khi rửa sạch, khô ráo được xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt, trộn với đường phèn, mật ong theo tỷ lệ phù hợp rồi mang đi chưng cô đặc trong nhiều giờ sẽ ra thành phẩm trà gừng với dạng cao lỏng. Sản phẩm được đóng trong chai thủy tinh 250ml với mẫu mã bắt mắt.
Mở rộng sản xuất
Thời gian đầu, chị Nguyệt chủ yếu giới thiệu, bán hàng trên mạng xã hội và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nhận thấy tiềm năng phát triển, chị Nguyệt đăng ký hộ kinh doanh cá thể, mua thêm máy móc, mở rộng sản xuất. Đồng thời liên kết với các kênh thương mại điện tử, các cửa hàng bán lẻ, chủ quán cà-phê… để phân phối sản phẩm. Ngoài ra, chị tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại do thành phố tổ chức, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng trong cả nước.
Theo chị Nguyệt, sản phẩm trà gừng được mọi người đón nhận nhờ chất lượng được đánh giá cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không có chất bảo quản, tiện lợi cho việc pha chế và giữ được hương vị của gừng tươi. Đặc biệt, sản phẩm phù hợp với mọi lứa tuổi, có lợi cho sức khỏe. Bên cạnh trà gừng dạng cao lỏng, cơ sở sản xuất của chị Nguyệt còn cho ra đời nhiều sản phẩm khác như: nước cốt nghệ tươi, bột gừng, bột nghệ sấy lạnh… nhằm đa dạng các sản phẩm cho khách hàng lựa chọn. Sản phẩm trà gừng Tâm Nguyên được phân phối rộng rãi trên địa bàn thành phố và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Năm 2021, trà gừng Tâm Nguyên được UBND thành phố công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao và trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của thành phố.
Hiện cơ sở sản xuất trà gừng Tâm Nguyên tạo việc làm cho 4 thành viên trong gia đình và khoảng 10 lao động thời vụ tại địa phương. Mỗi năm, cơ sở tiêu thụ khoảng 5 - 6 tấn gừng nguyên liệu và cho ra thị trường trên 10.000 chai trà gừng. “Năm 2023, tôi đẩy mạnh sản xuất, đầu tư thêm máy móc để nâng cao chất lượng và sản lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng. Đồng thời quảng bá hình ảnh trà gừng đến đông đảo người tiêu dùng hơn nữa. Bên cạnh việc thu mua gừng củ của người dân địa phương, tôi cũng thu mua thêm số lượng gừng lớn từ người dân các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Tôi hy vọng, cơ sở duy trì sản xuất tốt để bảo đảm đầu ra ổn định, giúp người dân yên tâm trồng gừng”, chị Nguyệt cho hay.
THÀNH DANH