Đà Nẵng cuối tuần
Giới trẻ háo hức trải nghiệm dịch vụ đạp xe công cộng
Sau hơn nửa tháng thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại Đà Nẵng, đã có hơn 400.000 lượt khách tải app đăng ký sử dụng dịch vụ, trong đó đa phần giới trẻ, sinh viên và khách du lịch đến check-in, chạy thử.
Giới trẻ Đà Nẵng háo hức trải nghiệm dịch vụ đạp xe công cộng. Ảnh: H.L |
Khoảng 16 giờ ngày 28-3, tại trạm xe đạp T22 khu vực Bảo tàng Đà Nẵng có khá đông bạn trẻ đến trải nghiệm dịch vụ đạp xe. Tay cầm điện thoại quét mã QR mở khóa xe, Nguyễn Thị Phương Lan (SN 2003), sinh viên khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) cho biết đây là lần thứ 2 Lan sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng.
“Cách đây 3 ngày mình thuê xe tại một điểm trên đường Trần Hưng Đạo, sau đó đạp lên hướng chân cầu Thuận Phước ngắm cảnh, uống nước mía. Nay muốn trải nghiệm đạp xe buổi chiều đến chợ Cồn mua sắm và ăn quà vặt với nhóm bạn thân”, Lan vui vẻ nói.
Theo quan sát, việc sử dụng ứng dụng thông minh phục vụ thanh toán, mở - khóa xe và tiện ích đi kèm (như vị trí gắn điện thoại, nước uống…) giúp hành trình di chuyển của khách trở nên dễ dàng. Theo Lan, so với cách thuê xe truyền thống, việc cài app, quét mã QR mở - khóa, thanh toán trực tuyến tiện lợi hơn nhiều. Đặc biệt, phí thanh toán tương ứng thời gian sử dụng (5.000 đồng cho thời gian thuê 30 phút) giúp người dùng linh động thuê theo nhu cầu.
Sau gần nửa tháng thành phố triển khai thí điểm dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng, Nguyễn Hữu Vinh, học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Phú thường xuyên thuê xe đi học thêm.
Vinh hồ hởi: “Nhà ở đường Trần Hưng Đạo, gần điểm thuê xe nên gần tuần nay, cuối giờ chiều em thường ra đó thuê xe đạp đến lớp học thêm cách nhà khoảng 3km. Thậm chí, có sáng em thuê xe đi tắm biển. Ứng dụng thuê xe khá đơn giản, không mất nhiều thời gian, chưa kể chiều qua khi nhập mã DANANG10, được khuyến mãi thêm 10.000 đồng vào app để sử dụng cho các lần thuê tiếp theo”.
Dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng được Đà Nẵng triển khai từ giữa tháng 3, với 61 trạm gồm 600 xe đạp phân bổ khắp các quận trên địa bàn thành phố. Trong đó, tập trung nhiều ở các quận Hải Châu (32 trạm), Sơn Trà (16 trạm) phục vụ người dân, sinh viên và khách du lịch.
Ông Đỗ Bá Quân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dịch vụ vận tải số Trí Nam, nhà đầu tư mô hình này cho biết, sau thời gian ngắn thí điểm, tỷ lệ người dân Đà Nẵng trải nghiệm đạp xe khá cao. Tính đến ngày 29-3, đã có hơn 2.000 lượt xe được sử dụng. Xe đạp thiết kế có chiều cao phù hợp người Việt Nam, yên xe có thể nâng lên, hạ xuống dễ dàng. Để bảo vệ người dùng trước nguy cơ bị đánh cắp xe trong quá trình sử dụng, nhà đầu tư trang bị khóa chống trộm, lắp đặt thiết bị định vị, thiết bị sạc và bộ thu năng lượng mặt trời.
Ngoài ra, lốp xe là loại lốp đặc tổ ong chống thủng. Trong quá trình di chuyển, gặp sự cố, khách hàng có thể gọi điện đến tổng đài, đường dây nóng trên app để được hỗ trợ. Cũng theo ông Quân, để sử dụng dịch vụ, khách hàng chỉ cần tải ứng dụng TNGO về điện thoại thông minh, đăng ký, đăng nhập tài khoản bằng số điện thoại, thanh toán qua các ứng dụng Momo, Zalo, Viettel, VTCPay và quét mã QR in trên khóa để mở lấy xe. Trong thời gian thí điểm (12 tháng), khách có thể thuê theo lượt hoặc theo ngày; trong thời gian thuê, có thể khóa xe tạm thời và mở lại khi có nhu cầu. Nhằm tạo thuận lợi trong quá trình sử dụng dịch vụ, người thuê có thể trả xe tại trạm bất kỳ.
Nhu cầu trải nghiệm xe đạp công cộng tại Đà Nẵng tăng cao trong những ngày gần đây. Nhiều bạn trẻ cho biết, điểm thuê xe đạp bố trí gần các trạm xe buýt giúp việc đi lại tiết kiệm hơn.
Sau 3 lần sử dụng dịch vụ, Nguyễn Thị Hồng Phương (SN 1998, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) cho rằng người dân có thể sử dụng dịch vụ đi lại ở khu vực trung tâm thay vì đi ô-tô hay xe máy. Tuy nhiên, để mô hình này duy trì và phát triển, nhà đầu tư cần trang bị thêm các thiết bị giảm xóc, như bánh xe, yên xe cần dùng loại cao su mềm hơn, giúp mang lại cảm giác thoải mái nhất cho người sử dụng.
Huỳnh Lê