Kinh tế
Nỗ lực không bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp
Nhằm hạn chế tình trạng bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp, tránh lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng đến mục tiêu xây dựng nông thôn mới..., ngành nông nghiệp và các địa phương của huyện Hòa Vang đang nỗ lực triển khai các hoạt động và nhiều giải pháp cụ thể.
Ngành nông nghiệp và các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang. TRONG ẢNH: Nông dân xã Hòa Tiến thu hoạch lúa trên cánh đồng. Ảnh: V.H |
Nhiều năm trước, tại xã Hòa Nhơn, một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị nông dân bỏ hoang vì những nguyên nhân khác nhau. Năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố triển khai đề tài “Nghiên cứu giải pháp sử dụng hiệu quả vùng đất nông nghiệp không chủ động nước và đất bị ảnh hưởng thi công các dự án tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” bằng việc thực hiện 3 mô hình trồng chuối thanh tiêu, kiệu hương và trồng sen trên cánh đồng Hố Dư và vùng trũng Khe Voi trên địa bàn xã. Sau hơn 2 năm thực hiện, những vùng đất bỏ hoang tại đây đã phục hồi sản xuất, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế cho nhiều hộ dân tại thôn.
Anh Nguyễn Tấn Cường, nông dân xã Hòa Tiến đã mạnh dạn nhận và cải tạo một số diện tích đất bỏ hoang trên địa bàn để tiếp tục sản xuất. Anh Cường cho biết, ban đầu, do điều kiện sản xuất khó khăn, không thuận lợi, một vài hộ dân bỏ ruộng khiến tình hình sản xuất chung trên cánh đồng bị ảnh hưởng như: tình trạng cỏ mọc tràn lan trên các ruộng bỏ hoang, chuột tập trung về ruộng của các hộ đang sản xuất…, dẫn đến gần 20 hộ dân lân cận nối tiếp nhau tạm dừng sản xuất. Trước sự vận động của địa phương, anh đã tiếp nhận khoảng 3ha đất sản xuất trên cánh đồng các thôn La Bông, Yến Nê, Thạch Bồ… “Nếu không sản xuất, nông dân các cánh đồng sẽ lần lượt bỏ ruộng. Trước mắt, tôi sẽ tiếp tục duy trì sản xuất tại các cánh đồng đã nhận để cải thiện đời sống, nâng cao kinh tế gia đình”, anh Cường nói.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến Đặng Văn Quang, xã có khoảng 20ha đất nông nghiệp trồng lúa bị bỏ hoang, nằm rải rác trên các cánh đồng. Nguyên nhân chủ yếu do một số diện tích sản xuất không hiệu quả, lực lượng lao động chủ yếu là người cao tuổi, giá trị sản phẩm nông nghiệp thấp, chi phí đầu vào tăng cao, lợi nhuận ít… Trước tình trạng trên, địa phương đã vận động, kêu gọi các hộ tiếp nhận những diện tích bỏ hoang trên địa bàn để tái sản xuất, tránh bỏ hoang đất nông nghiệp. Theo đó, việc tiếp nhận đất được người giao và người nhận cam kết rõ ràng, tránh phát sinh tranh chấp trong tương lai. Để hỗ trợ các hộ dân đầu tư, cải tạo kênh mương, hệ thống tưới tiêu, Hội Nông dân đã tham mưu UBND xã đề xuất cấp trên có cơ chế phù hợp, tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất. Theo đó, năm qua toàn xã đã khôi phục được hơn 10ha đất nông nghiệp trồng trọt bỏ hoang.
Còn Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Kế Hiệp cho biết, xã có 7 khu vực với tổng diện tích 54.371m2 đất trong tình trạng hoang hóa, không thể sản xuất do bị sình lầy, tập trung ở khu vực Hóc Chẹt, cánh đồng 19-8 tại thôn Phú Sơn Nam; Hóc Riết, Đồng Quyền tại thôn Phú Sơn 1; cánh đồng 2-9 tại thôn Phú Sơn 2 và khu Hóc Dứa, Hóc Tóng tại thôn 5. Đối với những khu vực có thể khắc phục sản xuất, địa phương đã tổ chức họp nhân dân để định hướng chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi nuôi trồng thủy sản đối với diện tích đủ điều kiện.
Theo UBND huyện Hòa Vang, những năm gần đây, điều kiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng lớn từ tiến trình đô thị hóa. Việc sản xuất chịu tác động của quá trình quy hoạch, phát triển đô thị và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Qua thống kê, toàn huyện có 211,78ha diện tích đất nông nghiệp không sản xuất được do bị ảnh hưởng bởi tình hình triển khai các dự án, khai khác khoáng sản, ô nhiễm, thiếu nước, hoang hóa… Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Duy Anh cho biết, nhằm hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, khai thác sử dụng đất đối với các khu vực đất nông nghiệp không sản xuất được, tránh lãng phí nguồn tài nguyên, gìn giữ vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và an ninh trật tự, địa phương đã phối hợp với các sở, ban, ngành thành phố đề xuất và thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, đề án, nghị quyết của HĐND thành phố. Qua triển khai đến hết năm 2022, toàn huyện đã giảm được 128.745m2 đất bỏ hoang thuộc các đề án; cải tạo, khôi phục được hơn 63.754m2 đất không sản xuất được. Năm 2023, huyện Hòa Vang dự kiến sẽ hỗ trợ cho nông dân khôi phục sản xuất khoảng 111.346m2 diện tích đất.
“Thành phố cần bổ sung cơ chế đặc thù, giải pháp hỗ trợ trong việc tích tụ ruộng đất đối với những khu vực chưa nằm trong quy hoạch, diện tích còn đất nông nghiệp đủ lớn. Đối với các khu vực còn diện tích nhỏ, gần khu dân cư, cần cho phép được chuyển mục đích từ đất sản xuất lúa sang các loại hình sản xuất khác, phù hợp với từng khu vực và nguyện vọng của người dân”, ông Phan Duy Anh đề xuất.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban thông tin, hằng năm, sở đều phối hợp UBND các quận, huyện tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả theo quy định. Đến nay, thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bên cạnh đó, sở đã phối hợp với các địa phương triển khai thực hiện những giải pháp như: thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về việc không bỏ hoang đất nông nghiệp; tiến hành cải tạo, khôi phục sản xuất; chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các địa phương triển khai mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa bỏ hoang sang trồng các loại cây phù hợp. Đến nay, hầu hết diện tích đất nông nghiệp trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn thành phố đều được khai thác sử dụng, sản xuất kinh tế. Ngành nông nghiệp và các địa phương đang nỗ lực vận động nông dân tập trung sản xuất, tránh tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, gây lãng phí.
VĂN HOÀNG