Kinh tế
Thứ tự xếp hạng tốp 10 lợi nhuận ngân hàng thay đổi sau mùa đại hội cổ đông
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2023 và kế hoạch kinh doanh năm 2023. Trong đó, phần lớn các ngân hàng đều thông báo lợi nhuận trước thuế tăng và không thay đổi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nợ xấu của các ngân hàng vẫn không giảm, nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu toàn hệ thống chạm 5%.
Điểm mặt ngân hàng có lợi nhuận cao nhất
Mặc dù thứ tự trên bảng xếp hạng lợi nhuận của một số ngân hàng đã có sự thay đổi, tuy nhiên các ngân hàng này vẫn nằm trong tốp 10 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế cao nhất trong quý 1/2023, lần lượt là: Vietcombank, BIDV, MB, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank, SHB, HDBank, VIB.
Techcombank - á quân lợi nhuận liên tiếp nhiều năm trước, bị lùi xuống vị trí thứ 5. Ảnh: T.B |
Theo đó, Vietcombank vẫn là thương hiệu đẳng cấp nhất thị trường khi dẫn đầu về lợi nhuận trước thuế với con số hơn 11.200 tỷ đồng.
Tiếp đến, BIDV đứng ở vị trí á quân lợi nhuận ngân hàng với 6.920 tỷ đồng (lợi nhuận trước thuế). Hiện nay, BIDV có quy mô lớn nhất hệ thống, với tổng tài sản hơn 2,1 triệu tỷ đồng. Điều này chứng tỏ, BIDV đã không ngừng nỗ lực lấy lại đường đua giành lại vị thế của ngân hàng sau một thời gian dồn lực trích lập dự phòng.
Khối ngân hàng TMCP tư nhân năm nay chứng kiến sự thăng hạng của MB. Với lợi thế hệ sinh thái quân đội, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (casa) lớn và sự phát triển mạnh mẽ của ngân hàng số, MB vươn lên vị trí thứ ba toàn hệ thống về lợi nhuận. Với vị trí này, MB tăng một bậc về bảng xếp hạng.
Vị trí thứ tư về lợi nhuận năm nay thuộc về VietinBank. Như vậy, Top 4 ngân hàng lợi nhuận lớn nhất năm nay có mặt cả 3 ngân hàng TMCP trong nhóm big 4, cho thấy nền tảng vững chắc của khối ngân hàng này.
Về sự thay đổi thứ hạng, VPBank từng là quán quân lợi nhuận quý 1/2022 (vượt qua cả Vietcombank) nhờ khoản thu nhập bất thường từ hoa hồng bảo hiểm, nay phải đứng ở vị trí thứ 7. Nguyên nhân năm nay, VPBank không còn khoản thu nhập bất thường, trong khi đó chi phí vốn bị đẩy lên, trích lập dự phòng tăng 55% do nợ xấu tăng mạnh.
Tương tự, Techcombank - á quân lợi nhuận liên tiếp nhiều năm trước, bị lùi xuống vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng quý 1/2023. Nguyên nhân ngân hàng này bị thay đổi thứ hạng vì mức độ tập trung lớn vào trái phiếu, bất động sản trong khi các thị trường này gặp khó, khiến kết quả kinh doanh quý 1/2023 của ngân hàng thấp.
Tuy nhiên, xét về tốc độ tăng trưởng, trong top 10 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất hệ thống thì BIDV là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tốt nhất (lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng gần 53%).
Ở chiều ngược lại, các ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất đến thời điểm này (vẫn còn vài ngân hàng chưa công bố báo cáo tài chính) là NCB, Saigonbank, PGBank, Kienlongbank, VietABank, BacABank, ABBank…
Đáng chú ý, trong tốp 10 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thì VPBank và Techcombank là hai ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận thấp nhất, lần lượt tăng trưởng âm 77% và 17%. Ngoài ra, còn có NCB, LPBank, SeABank, VietABank.
Nợ xấu ước chiếm 5%
Tại báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tháng 2-2023, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu toàn hệ thống chạm tỷ lệ 5%/tổng dư nợ…
Vietinbank, 1 trong 4 ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường. Ảnh: V.B |
Theo đó, tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ở mức 2%/tổng dư nợ. Tuy nhiên đến cuối tháng 2-2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2 % vào cuối năm 2022).
Ngoài ra, trong tháng 2-2023, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng xử lý được 21,3 ngàn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, xử lý nợ xấu chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro (chiếm tỷ trọng 41% tổng nợ xấu xử lý) và khách hàng trả nợ (chiếm 48,8% tổng nợ xấu xử lý).
Đáng lo ngại, có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...).
Tuy nhiên, theo NHNN, bên cạnh việc xử lý nợ xấu nội bảng, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cũng đạt được kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (ngày 15-8-2017) đến cuối tháng 1-2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 ngàn tỷ đồng nợ xấu.
Cụ thể, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 đạt 211,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,9% tổng nợ xấu đã xử lý); xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 29,3% tổng nợ xấu đã xử lý); xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 19,7%).
Cũng tính đến thời điểm cuối tháng 1-2023, các tổ chức tín dụng đã sử dụng khoảng 223,5 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 và bán nợ xấu cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt đạt 40,5 nghìn tỷ đồng.
Để xử lý nợ xấu năm 2023, NHNN định hướng dư nợ tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro… để hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Trên cơ sở đó, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và yêu cầu có lộ trình giảm dần tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; đồng thời tăng cường giám sát ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu nhằm kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng.
Ngoài ra, việc giảm lãi suất huy động cũng là một trong biện pháp để hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cá nhân giảm áp lực trả nợ, từ đó giảm dần nợ xấu.
Hiện nay, mức lãi suất cao nhất đang được các ngân hàng niêm yết cho kỳ hạn 12 tháng là 8,8%/năm, được áp dụng tại ABBank và OCB. Đứng sau 2 ngân hàng trên lần lượt là Viet A Bank (8,7%), Bắc Á Bank (8,6%), VietBank (8,6%), HDBank (8,6%).
Với lãi suất tiết kiệm trực tuyến, từ ngày 4-5, NamA Bank điều chỉnh kỳ hạn 6 tháng giảm 0,1% xuống 8,5%/năm. Kỳ hạn 7 - 8 tháng cũng giảm 0,1% xuống 8,6%/năm, trong khi các kỳ hạn 9 - 11 tháng giảm 0,2% xuống 8,4%/năm, kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% xuống còn 8,5%/năm và đây cũng là mức lãi suất được áp dụng với các kỳ hạn 13 - 14 tháng. Với các kỳ hạn từ 15 tháng trở đi, NamA Bank giảm 0,2% lãi suất, đồng loạt tại mức 8,4%/năm.
Tương tự, ngân hàng Saigonbank cũng giảm lãi suất huy động từ 7,9% xuống còn 7,6%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 - 8 tháng, giảm từ 8% về mức 7,7%/năm với các kỳ hạn từ 9 - 11 tháng; giảm còn 8%/năm sau thời gian dài niêm yết tại 8,3% với kỳ hạn 12 tháng; giảm đồng loạt 0,3% về mức 7,6%/năm với các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank vẫn có mức lãi suất tiền gửi 12 tháng thấp nhất thị trường ở mức 7,2%/năm khi gửi tại quầy. Với hình thức gửi tiền online, lãi suất huy động 12 tháng của nhóm Big4 thường cao hơn khoảng 0,2 - 0,3 điểm % so với gửi tại quầy.
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, lãi suất sẽ còn giảm trong quý 2/2023 và xu hướng này sẽ trở nên rõ nét khi bước vào nửa cuối năm. Điều này cho thấy, cuộc đua lãi suất huy động đã chững lại sau nhiều động thái của NHNN như yêu cầu giảm lãi suất hay hạ trần lãi suất.
Theo Baotintuc.vn