Kinh tế
Vì sao Chi nhánh II, Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 thường xuyên nợ lương, bảo hiểm xã hội?
Trong 6 năm qua (từ tháng 1-2017 đến tháng 5-2022), thành phố Đà Nẵng đã chi gần 138 tỷ đồng cho hệ thống xe buýt trợ giá. Thế nhưng, Chi nhánh II, Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 (đơn vị vận hành hệ thống xe buýt trợ giá tại Đà Nẵng) vẫn “chây ì” đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) cho người lao động. Không chỉ chậm đóng các khoản bảo hiểm, doanh nghiệp này thường xuyên nợ lương… Điều này gây rất nhiều khó khăn cho người lao động, thậm chí không ít người đã nghỉ việc, nhưng không được chốt sổ BHXH để giải quyết chế độ.
Bài 1: Người lao động đình công, đòi quyền lợi
Chỉ qua 6 năm vận hành hệ thống xe buýt trợ giá của thành phố, người lao động ở Chi nhánh II Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 liên tục đình công, phản đối, đòi quyền lợi, (lương, BHXH, BHYT…) khiến hệ thống xe buýt trợ giá nhiều lần dừng hoạt động. Nhiều lần Sở Giao thông vận tải, các ngành chức năng phải xuống tận nơi, vận động lái xe, người lao động làm việc trở lại; đồng thời làm việc trực tiếp với đại diện đơn vị, tuy nhiên, vấn đề lương, BHXH vẫn chưa được giải quyết.
Người lao động tập trung đình công và đòi quyền lợi ngày 8-6-2023 tại Chi nhánh 2 Công ty CP Quảng An 1. Ảnh: V.N |
Ngày 10-12-2016, thành phố Đà Nẵng khai trương và đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn. Để khuyến khích người dân làm quen và sử dụng các tuyến buýt mới, thành phố có chủ trương miễn phí cho mọi hành khách đi trên các tuyến xe buýt có trợ giá trong vòng 30 ngày, bắt đầu từ ngày 10-12-2016.
Tiếp đến, ngày 1-7-2019, thành phố khai trương thêm 6 tuyến buýt trợ giá, nâng tổng số tuyến xe buýt trợ giá trên địa bàn lên 11 tuyến thuộc hệ thống mạng lưới xe buýt hoạt động theo hình thức đấu thầu có trợ giá do Công ty CP công nghiệp Quảng An 1 trúng thầu vận hành.
Thành phố tổ chức khai trương tuyến buýt trợ giá tháng 12-2016. Ảnh: GM. |
Đáng nói là khi đi vào vận hành chưa lâu, đến 1-12-2017, hàng chục người lao động của hệ thống xe buýt trợ giá đình công đòi lương, do công ty nợ lâu ngày chưa trả. Không dừng lại ở đó, từ năm 2017 đến nay, ở đơn vị này liên tục xảy ra các vụ đình công, đòi quyền lợi. Hàng loạt phụ xe, lái xe tạm ngưng làm việc khiến hệ thống xe buýt nội thành ở Đà Nẵng bị đình trệ, nhiều học sinh đến trường bằng phương tiện này cũng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, ngày 1-1-2020, hàng chục lái xe, người lao động làm việc tại Chi nhánh II, Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 tổ chức đình công, kéo đến chi nhánh của công ty này tại Trạm xe buýt Xuân Diệu (36 Xuân Diệu, quận Hải Châu) đòi quyền lợi. Các ngày 5-10 và 7-11-2022, các lái xe tiếp tục dừng chạy xe để đòi lương. Gần nhất vào sáng 8-6-2023, 103 trong tổng số khoảng 120 người lao động tại đây đã đình công, dẫn đến hệ thống xe buýt của thành phố Đà Nẵng tê liệt.
Qua tìm hiểu, người lao động của công ty mong muốn được nhận lương đúng ngày, được đóng các khoản bảo hiểm... Anh Lê Phước H. (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, anh làm lái xe xe buýt cho công ty được 2 năm, mặc dù được trả lương mức 7 triệu đồng/tháng nhưng không ký hợp đồng cũng như chi trả các khoản bảo hiểm. "Ngày 15-20 hằng tháng là ngày trả lương nhưng suốt 2 tháng nay vẫn không thấy đồng lương nào, tôi phải đi vay mượn khắp nơi để lo chi phí sinh hoạt cho gia đình", anh H. nói.
Còn lái xe Ngô Xuân Đ. (quận Liên Chiểu) chạy tuyến buýt R16 cho hay, ông và các lái xe khác chờ lấy tiền lương bị nợ theo hứa hẹn của công ty nhưng không có. Quá bức xúc, các lái xe đều ngưng việc. Theo ông Đ., các lái xe bị công ty Quảng An 1 nợ 5 tháng tiền lương các tháng 5, 6, 8, 9 và 10-2022. "Chúng tôi bị thất hứa nhiều lần rồi nên không còn tin tưởng nữa, không đồng ý làm việc trở lại", ông Đ nói. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình T. (46 tuổi, trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) chia sẻ, do không đủ tiền trang trải cuộc sống nên mỗi ngày đi làm, ông T. cũng như nhiều lái xe khác phải mang theo cơm ăn chứ không dám mua cơm hộp ngoài quán.
Theo lái xe Nguyễn Thanh Tr., 4 tháng nay (từ tháng 2-2023) 103 người lao động đều chưa nhận được lương khiến đời sống anh em lao đao; đồng thời công ty cũng không đóng tiền BHXH, không mua BHYT...
Được biết, nhiều năm qua, việc nợ lương, BHXH thường xuyên xảy ra khiến người lao động không làm việc, nhiều tuyến xe phải tạm dừng đột ngột, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Không chỉ vậy, Công ty CP công nghiệp Quảng An 1 còn bị tố chây ì trả tiền ký quỹ (tiền cọc trước khi vào lái xe buýt trợ giá Đà Nẵng).
Theo ông Đặng Việt A. (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), ông làm lái xe buýt trợ giá Đà Nẵng từ khi hệ thống buýt này mới hình thành và cũng bị nợ nhiều tháng lương. Đến tháng 5-2022, ông được giải quyết nghỉ việc nhưng cũng chưa được nhận lại tiền ký quỹ đã đóng trước đó.
Hành khách đi xe buýt trợ giá của thành phố. Ảnh: G.M |
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1-2023 của UBND thành phố, ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, tình trạng ế ẩm của hệ thống xe buýt tác động ngược trở lại khiến người lao động bị nợ lương và nợ bảo hiểm xã hội triền miên.
Việc Công ty CP công nghiệp Quảng An 1 nợ lương công nhân xảy ra liên tục nhiều năm nay, sở nhiều lần đứng ra giải quyết đòi quyền lợi cho người lao động nhưng được vài tháng, công ty lại tiếp tục nợ lương. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, việc thanh toán tiền trợ giá cho Công ty CP công nghiệp Quảng An 1 luôn được thành phố thực hiện đúng thời hạn hằng tháng, chi trả đúng và đủ trên cơ sở thực tế. Cụ thể số thanh toán cho 11 tuyến buýt trợ giá từ tháng 1-2017 đến tháng 5-2022 là gần 138 tỷ đồng.
NHÓM PHÓNG VIÊN