Kinh tế
Chuyển đổi cơ cấu giống lúa, nâng cao năng suất vụ mùa
Ngành nông nghiệp thành phố đã và đang đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện nhiều mô hình trình diễn thí điểm nhiều giống lúa mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị nông sản; đồng thời, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Việc chuyển đổi cơ cấu giống, thực hiện nhiều mô hình trình diễn giống lúa mới góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. TRONG ẢNH: Nông dân xã Hòa Tiến thu hoạch lúa vụ đông xuân 2022-2023. Ảnh: V.H |
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Tại thôn Yến Nê 2 (xã Hòa Tiến), vụ đông xuân 2022-2023 có hơn 40 hộ nông dân tham gia mô hình trình diễn các giống lúa trung ngắn ngày mới gồm: VNR10, ST25, Thơm Hương 31, ĐB6 với tổng diện tích hơn 6ha. Các giống này có tính thích ứng và khả năng chống chịu tốt, năng suất ổn định cao hơn hoặc tương đương giống đối chứng HT1, có thể áp dụng để sản xuất các vụ tiếp theo, tạo sự đa dạng bộ giống lúa trên địa bàn giúp nông dân có nhiều lựa chọn sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Hòe, Phó thôn Yến Nê 2 (xã Hòa Tiến) cho hay, các giống lúa mới trong mô hình mang lại năng suất cao với chất lượng gạo ngon, đặc biệt là giống ST25. Đa phần, các giống trên có khả năng kháng sâu bệnh tốt, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Nhiều nông dân trong vùng hứng khởi vì vụ sản xuất đạt hiệu quả cao và tiếp tục sử dụng giống mới gieo sạ trong vụ hè thu 2023.
Ông Đặng Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Tiến thông tin, nông dân trên địa bàn đang tập trung sản xuất lúa với tổng diện tích khoảng 460ha. Qua công tác vận động của địa phương, đến nay, chỉ khoảng 10% diện tích sản xuất được nông dân sử dụng giống lúa dài ngày, giảm 70% so với trước. Bên cạnh đó, nông dân còn chuyển đổi, thí điểm gieo giống lúa mới với nhiều ưu điểm vượt trội.
"Việc thay cơ cấu giống, sản xuất các loại giống phù hợp thổ nhưỡng với chất lượng gạo ngon, cho năng suất, giá thành bán ra thị trường cao là cơ sở để nâng cao giá trị lúa gạo của địa phương, cải thiện đời sống người dân và góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp", ông Quang cho biết.
Trong khi đó, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 1 Nguyễn Sĩ hồ hởi chia sẻ, vụ hè thu này, bên cạnh các giống theo cơ cấu vụ của ngành nông nghiệp, các thành viên của HTX còn gieo sạ thêm các giống trung, ngắn ngày mới tại thôn Cẩm Toại Đông với 6ha giống ST25, 15ha giống ĐT100 trồng với tiêu chuẩn VietGAP. Được biết, đối với giống ST25, năng suất trồng thử nghiệm trong vụ đông xuân 2022-2023 đạt hơn 55 tạ/ha, giá trị thu nhập lên đến 10.000 đồng/kg (cao hơn 2.000 đồng/kg so với các giống khác); giống ĐT100 đạt năng suất khoảng 65 tạ/ha.
"Nhờ gieo sạ các giống lúa kỹ thuật, chất lượng nên năng suất vụ cao hơn các năm, quá trình chăm sóc được thuận lợi hơn. Vụ đông xuân vừa qua, năng suất bình quân của HTX đạt 63 tạ/ha, cao hơn 6-7 tạ/ha so với các vụ cùng kỳ", ông Sĩ nói.
Bổ sung, tạo sự đa dạng cho bộ giống lúa
Theo Chi cục Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các giống dài ngày đã chuyển đổi ra khỏi cơ cấu giống của thành phố, bộ giống lúa hiện nay có tiềm năng suất cao, chất lượng tốt. Năng suất lúa mỗi năm tăng hơn so với các năm trước, nhiều giống mới mang lại chất lượng, giá bán cao hơn. Mặt khác, các giống trung ngắn ngày có thời gian sinh trưởng ngắn nên thời gian kết thúc vụ sớm, giảm thiệt hại do điều kiện thời tiết bất lợi, giúp tiết kiệm nước tưới trên đồng ruộng.
Ông Đoàn Văn Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp cho biết, thời gian đến, chi cục sẽ tiếp tục theo dõi, đánh giá kết quả trình diễn các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt và phù hợp với điều kiện sinh thái của Đà Nẵng; tập trung phát triển bền vững ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái, an toàn sinh học. Ngoài ra, chi cục tiếp tục thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu; thường xuyên hướng dẫn áp dụng chương trình “IPM”, “IHPM” và “ICM” và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, giảm ô nhiễm môi trường và tạo hệ sinh thái đồng ruộng ngày càng bền vững.
Ông Đặng Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thông tin, hằng năm, trung tâm thường xuyên nhập, chọn tạo để trình diễn một số giống lúa mới, nhất là giống trung ngắn ngày, chất lượng cao. Từ đó, đánh giá về tính thích nghi, ổn định, năng suất và chất lượng để tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung vào bộ giống lúa của thành phố; tạo sự đa dạng cho bộ giống, tiếp tục nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Qua thực tế, các giống lúa trình diễn trong vụ đông xuân 2022-2023 đều có triển vọng. Thời gian đến, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị tham mưu sở bổ sung vào bộ giống lúa với các giống đã qua sản xuất từ 2-3 vụ, có triển vọng về tính thích nghi, ổn định năng suất cũng như chất lượng, giá trị về gạo thương mại.
"Bên cạnh việc trình diễn các giống lúa mới, để hỗ trợ nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, trung tâm sẽ tập trung xây dựng các vùng sản xuất lúa nguyên liệu theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm để nông dân tham gia thị trường tiêu thụ, xây dựng hình thành nhãn hiệu lúa gạo tập thể đặc trưng của huyện Hòa Vang", ông Đặng Văn Hồng cho hay.
VĂN HOÀNG