Kinh tế

Nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản

07:13, 22/07/2023 (GMT+7)

Theo xếp hạng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm sản và thủy sản năm 2022, Đà Nẵng nằm trong nhóm đầu các địa phương “triển khai tốt” và được cải thiện vị trí so với các năm trước. Phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, xung quanh vấn đề này.

Đà Nẵng xếp thứ 9/63 địa phương về xếp hạng công tác quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản năm 2022. Trong ảnh: Nông dân vùng sản xuất rau an toàn La Hường đang thu hoạch nông sản. Ảnh: V.H
Đà Nẵng xếp thứ 9/63 địa phương về xếp hạng công tác quản lý an toàn thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản năm 2022. TRONG ẢNH: Nông dân vùng sản xuất rau an toàn La Hường đang thu hoạch nông sản. Ảnh: V.H

* Theo xếp hạng công tác quản lý ATTP nông, lâm sản và thủy sản năm 2022, Đà Nẵng lọt vào nhóm đầu các địa phương “triển khai tốt” với vị trí 9/63 toàn quốc. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

- Việc đánh giá, xếp hạng công tác quản lý chất lượng ATTP nông, lâm sản và thủy sản hằng năm của các địa phương căn cứ vào kết quả thực hiện 5 nhóm tiêu chí lớn, 16 tiêu chí thành phần gồm: chỉ đạo, điều hành; tuyên truyền, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm; giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; tăng cường năng lực quản lý an toàn thực phẩm; xây dựng và phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn. Trong năm 2022, Ban Quản lý ATTP thành phố phối hợp với Sở NN&PTNT cùng với UBND các quận, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Kết quả được công bố phần nào phản ánh được sự nỗ lực của Ban Quản lý ATTP thành phố và các địa phương, đơn vị trong công tác quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thời gian qua.

* Kết quả xếp hạng của thành phố được cải thiện qua các năm, từ vị trí thứ 27 (năm 2020), 19 (năm 2021) lên vị thứ 9 (năm 2022). Theo ông, nhờ đâu có sự chuyển biến này?

- Theo Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng công tác quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản do Bộ NN&PTNT ban hành, nhóm tiêu chí khó đạt điểm nhất đối với Đà Nẵng là việc xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Nguyên nhân do phần lớn sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản của địa phương nhập từ ngoại tỉnh nên việc kết nối các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh thành chuỗi rất khó khăn. Công tác lấy mẫu giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản ngoại tỉnh tồn tại nhiều hạn chế.

Trong năm 2022, được sự chỉ đạo của UBND thành phố, Ban Quản lý ATTP thành phố và các địa phương đã chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp như tăng cường xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL của Bộ NN&PTNT, cụ thể, lũy kế đến nay đã xây dựng và xác nhận được 35 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với sự tham gia của 7 cơ sở kinh doanh, 35 cơ sở sản xuất ban đầu; hợp tác với các địa phương về cung ứng thực phẩm an toàn, kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thị nông sản và bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2022-2025; tăng cường công tác lấy mẫu giám sát, ngăn chặn sản phẩm nông nghiệp không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường. Đặc biệt, đơn vị đã xây dựng và triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với chuỗi cung ứng thịt heo theo chiều sâu đối với 8 doanh nghiệp và theo chiều rộng đối với 3.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Qua đó, kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, hướng đến lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng.

* Theo ông, việc quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố đang đối mặt những khó khăn, thách thức gì?

Mỗi năm, thành phố Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 62.000 tấn rau, 48.000 tấn trái cây, 44.200 tấn thịt gia súc gia cầm, 87.000 tấn thủy sản khai thác. Tuy nhiên, do đặc thù nền sản xuất nông nghiệp của thành phố có quy mô nhỏ lẻ, sản lượng hằng năm chỉ đủ cung cấp khoảng 10-15% nhu cầu; gần 90% sản lượng nông sản thực phẩm thành phố tiêu dùng được cung ứng từ ngoại tỉnh, dẫn đến việc xây dựng các chuỗi cung ứng để giám sát và thực hiện truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, sản phẩm nông sản, thủy sản của thành phố Đà Nẵng chủ yếu nhập về chợ đầu mối Hòa Cường, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang, Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng và được phân phối đến các chợ truyền thống, cơ sở kinh doanh của thành phố. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, điều kiện bảo đảm ATTP ở chợ đầu mối Hòa Cường và Trung tâm chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng còn chưa đáp ứng theo quy định, dẫn đến việc triển khai các giải pháp kiểm soát ATTP gặp hạn chế.

Mặt khác, việc ngăn chặn sản phẩm nông nghiệp (rau, thịt, cá) không bảo đảm an toàn gặp khó khăn do đặc thù sản phẩm mau hư hỏng. Trong khi đó, thời gian chờ kết quả phân tích, kiểm nghiệm mẫu kéo dài 5-7 ngày, nên khi có kết quả thì sản phẩm đã được tiêu thụ vì không có căn cứ để lưu giữ lô hàng. Ngoài ra, phương thức kinh doanh thực phẩm đang chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến, trong khi bộ máy quản lý bị thiếu nhân lực, dẫn đến việc kiểm tra, giám sát thực phẩm còn nhiều khó khăn, bất cập.

* Để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản và cải thiện điểm số, vị thứ xếp hạng trong thời gian tới, Ban Quản lý ATTP thành phố sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

Chúng tôi đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý ATTP nông, lâm, thủy sản, tập trung vào một số giải pháp như tăng cường xúc tiến hợp tác cung ứng thực phẩm an toàn, kết nối chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản với các địa phương; tiếp tục thực hiện công tác lấy mẫu giám sát ô nhiễm thực phẩm nông lâm thủy sản, ngăn chặn sản phẩm nông nghiệp không bảo đảm an toàn lưu thông trên thị trường. Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai áp dụng truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo chiều sâu và chiều rộng nhằm kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thực phẩm, hướng đến lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng. Ngoài ra, công tác truyền thông, phổ biến pháp luật bảo đảm ATTP với những cách làm mới, hiệu quả hơn cũng sẽ được ban quản lý chú trọng để thu hút sự quan tâm, hành động của chính quyền địa phương và cộng đồng đối với vấn đề ATTP.

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

VĂN HOÀNG thực hiện
 

.