Kinh tế
Làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh?
Thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện những kế hoạch hành động cụ thể, nâng cao chất lượng điều hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. TRONG ẢNH: Công nhân làm việc tại Công ty CP Dệt may 29-3. Ảnh: M.Q |
Các nút thắt cần tháo gỡ
Ông Lê Trí Hải, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố, cho biết nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau Covid-19 đến nay vẫn chưa được triển khai đồng bộ, chưa có hướng dẫn cụ thể hoặc tuyên truyền rộng rãi, hoặc nếu có thì thủ tục còn phức tạp. Để thực hiện được những giải pháp cải thiện PCI, hội đề xuất các cơ quan quản lý cần nhìn nhận cải cách thủ tục hành chính, tiếp cận thị trường, minh bạch thông tin...
Bên cạnh đó, hoạt động đối thoại với doanh nghiệp, gặp mặt giữa chính quyền, cơ quan chức năng, ngân hàng và doanh nghiệp cần tổ chức thường xuyên. Hiện nay, tình hình kinh tế trong và ngoài nước biến động khiến các doanh nghiệp Đà Nẵng chịu nhiều ảnh hưởng, vì vậy, hội mong muốn thành phố quan tâm hơn nữa đến nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm hơn 90% số lượng doanh nghiệp thành phố), tạo động lực để nhóm doanh nghiệp này có điều kiện phục hồi và bứt phá.
Để cải thiện chỉ số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Dương Tiến Lâm, Trưởng đại diện Văn phòng Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tại Đà Nẵng, Tổng Giám đốc Công ty CP Asiatrans Việt Nam, đề xuất thành phố cần có chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực logistics; cần ưu đãi có trọng tâm, khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, quản lý hiện đại, không ô nhiễm môi trường.
Chẳng hạn, các doanh nghiệp có sản lượng hàng hóa tại Đà Nẵng lớn thì có thêm các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Thành phố cần đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông thuận tiện với các khu vực lân cận, nghiên cứu giảm chi phí cầu đường trên các tuyến để khuyến khích hàng lưu thông và thu hút nguồn hàng tại các khu vực lân cận và nguồn hàng quá cảnh. Có thể thấy, nếu các tỉnh lân cận có chính sách ưu đãi, thu hút vượt trội thì Đà Nẵng sẽ mất đi rất nhiều lợi thế.
Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân thành phố, cho rằng thành phố cần có những kế hoạch hành động cụ thể, theo đó giao trách nhiệm và thời hạn xử lý cho từng sở, ban, ngành, địa phương chủ trì hoặc phối hợp với các sở, ban, ngành khác xử lý; cùng chung tay, cải thiện những mặt chưa tốt nhằm cải thiện chỉ số PCI những năm tiếp theo của Đà Nẵng. Khi đã có thời hạn cho công việc, kế hoạch thì cơ quan được giao chủ trì cần có động thái đốc thúc phù hợp, tạo động lực để thúc đẩy và thay đổi, tránh tình trạng “thả trôi” công việc.
Thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó có cải cách hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. TRONG ẢNH: Hoạt động tại bộ phận “Một cửa” UBND phường An Hải Đông, quận Sơn Trà. Ảnh: M.Q |
Cải cách hành chính, xử lý công việc liên quan đến doanh nghiệp kịp thời
Theo báo cáo “Phân tích, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng năm 2022” vừa được UBND thành phố công bố cuối tháng 7-2023, chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất của thành phố tụt 39 bậc từ vị trí thứ 10 xuống 49/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 10 chỉ tiêu/14 chỉ tiêu cấu thành chỉ số thành phần này bị tụt giảm so với năm 2021.
Đặc biệt chỉ tiêu “Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục” đạt tỷ lệ rất thấp, xếp hạng 63 trên toàn quốc. Trước thực tế trên, Công văn số 3946/UBND-VKTXH ngày 28-7-2023 của UBND thành phố về tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI giao nhiệm vụ cho sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện 6 giải pháp để cải thiện chỉ số trên.
Ông Nguyễn Hồng An, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), cho hay sở vừa ban hành công văn về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.
Sở yêu cầu toàn bộ cán bộ, viên chức tại sở và các đơn vị trực thuộc xử lý công việc liên quan đến doanh nghiệp một cách kịp thời, hợp tình hợp lý, thể hiện sự chủ động, tránh tình trạng “doanh nghiệp hỏi - chính quyền im lặng” hoặc đùn đẩy trách nhiệm; tiến hành rà soát, cụ thể hóa các thông tin mới về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của ngành TN&MT tại Cổng thông tin điện tử thành phố và đa dạng các hình thức truyền thông; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ công tác liên ngành tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về đất đai; đẩy mạnh thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng Dịch vụ công quốc gia sau khi có thông báo từ cơ quan thuế…
Một giải pháp để cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất là tăng quỹ đất để doanh nghiệp sản xuất, cụ thể, UBND thành phố giao Sở Công Thương và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư của các khu công nghiệp (KCN) mới. Ngày 22-6-2023, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1321/QĐ-UBND về phê duyệt đề án Nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các KCN mới (Hòa Cầm - giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh).
Theo đó, 3 KCN mới có tổng diện tích khoảng 880ha và được định hướng theo những mục tiêu cụ thể. Ông Trần Văn Tỵ, Phó trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp, thông tin, đơn vị đang hoàn chỉnh thủ tục liên quan trong lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện thủ tục tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN Hòa Ninh…
Cải cách hành chính cũng là một nhiệm vụ quan trọng được UBND các quận, huyện tập trung thực hiện. Là 2 quận có tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao nhất (trên 99%), quận Cẩm Lệ và quận Thanh Khê đang triển khai nhiều giải pháp để tiếp tục đạt kết quả tốt hơn nữa.
Ông Ngô Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, quận vừa yêu cầu các ngành và phường có tỷ lệ số hóa thấp cần tập trung số hóa tất cả các kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn tồn đọng trong phân mục “hồ sơ chờ số hóa” mục “quản lý hồ sơ một cửa” trên phần mềm một cửa điện tử trước ngày 25-8. Các ngành và UBND các phường tăng cường việc tiếp nhận xử lý các thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến đảm bảo tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 80%, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ đạt trên 95%...
Trong khi đó, UBND quận Thanh Khê chỉ đạo cập nhật đầy đủ 100% hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị, UBND 10 phường được quy định tại Bộ thủ tục hành chính hiện hành vào phần mềm “Một cửa” điện tử; trong đó, hạn chế tối đa hồ sơ trễ hẹn, quá hạn trên phần mềm, thực hiện tốt việc ký số điện tử.
MINH LÊ