Kinh tế
Quảng bá làng nghề nước mắm Nam Ô đến du khách
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, gắn sự phát triển của làng nghề với du lịch, văn hóa và lịch sử địa phương... là tăng độ nhận diện, đưa sản phẩm nước mắm truyền thống Nam Ô đến gần người tiêu dùng và du khách thập phương.
Các đơn vị, địa phương đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện để các bà con trong làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô phát triển bền vững. TRONG ẢNH: Người dân, du khách chọn mua sản phẩm nước mắm Nam Ô tại phiên chợ nông sản huyện Hòa Vang. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá
UBND quận Liên Chiểu vừa tổ chức chương trình Quảng bá sản phẩm nước mắm Nam Ô, sản phẩm OCOP đến du khách. Đây là hoạt động làm tăng tính kết nối, độ nhận diện và cầu nối giúp đưa các sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương đến người tiêu dùng, các đơn vị phân phối trên địa bàn, kích cầu tiêu dùng nội địa. Tận mắt chứng kiến các công đoạn sản xuất tại cơ sở, bà Lê Thị Thu Lan (du khách từ Thành phố Hồ Chí Minh) bày tỏ sự ấn tượng về chương trình quảng bá nước mắm Nam Ô, đặc biệt là các hoạt động trình diễn, trải nghiệm làm mắm truyền thống.
“Trước đây, tôi chỉ biết đến nước mắm truyền thống của Phan Thiết, Nha Trang, Phú Quốc... nhưng bây giờ thì biết thêm sản phẩm của Nam Ô. Để nước mắm Nam Ô được nhiều du khách biết đến, tôi nghĩ công tác giới thiệu, quảng bá cần được tập trung đẩy mạnh hơn. Tôi cũng sẽ mua các sản phẩm đặc trưng tại đây để giới thiệu và làm quà tặng”, bà Lan chia sẻ.
Anh Bùi Thanh Phú, chủ thương hiệu nước mắm Hương Làng Cổ, Công ty TNHH Mắm Hồng Hương (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) chia sẻ, trải qua bao thăng trầm, làng nghề vẫn được gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử, kỹ thuật làm nước mắm. Đây không chỉ là một sản phẩm gia vị, tạo sinh kế của người dân mà còn là sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc, thể hiện bản sắc của cộng đồng địa phương. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã mở ra cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh cho người dân trong làng nghề, đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng, du khách thập phương.
Được biết, anh Phú còn khởi xướng tổ chức tour trải nghiệm cho du khách địa phương, quốc tế và học sinh, sinh viên các trường trên địa bàn thành phố tham quan, trải nghiệm và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, nét đặc trưng của nghề làm nước mắm tại Nam Ô. Từ đầu năm đến nay, anh Phú đã tổ chức đưa gần 10 đoàn học sinh, sinh viên về tham quan, tìm hiểu làng nghề.
Bà Phạm Thị Hải Nguyệt, chủ Cơ sở nước mắm Nam Ô - Hiệp Hải cho biết, cơ sở của bà được Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là cơ hội để quảng bá, giới thiệu, chỉ dẫn người tiêu dùng đến cơ sở để tham quan làng nghề, trải nghiệm quy trình sản xuất và mua sản phẩm. Theo bà Nguyệt, khó khăn chung của bà con trong làng nghề là vấn đề đầu ra. Vì vậy, rất cần sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho các hộ trong làng nghề phát triển.
“Tôi rất vui khi nhiều khách hàng đã tìm đến cơ sở sau khi có chỉ dẫn địa lý. Đây là một trong những bước tiến để sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Thông qua sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, mong rằng sản phẩm của làng nghề sẽ có mặt trên khắp cả nước để mang lại thu nhập ổn định cho bà con”, bà Nguyệt nói.
Một gian hàng tại Chương trình Quảng bá sản phẩm nước mắm Nam Ô, sản phẩm OCOP trên địa bàn quận Liên Chiểu. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Phát huy văn hóa, bản sắc làng nghề
Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội làng nghề nước mắm truyền thống Nam Ô, cho biết, để làng nghề phát triển bền vững, bên cạnh công tác xúc tiến thương mại, cần phát huy được bản sắc, các giá trị văn hóa, truyền thống của ông cha ta thông qua việc tổ chức các chương trình trình diễn, hình thành các khu trưng bày dành cho du khách. Mặt khác, cần có chính sách hỗ trợ, bố trí đất để mở rộng sản xuất cho làng nghề; thành lập đội tàu đánh bắt thủy sản để bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ cho sản xuất của hội viên làng nghề.
“Khi đã khôi phục làng nghề thì phải có hướng phát triển bền vững và mạnh mẽ hơn, đó là mong muốn của tất cả người dân trong làng nghề. Chính vì vậy, gắn với du lịch là hướng phát triển phù hợp để nơi đây không chỉ là làng nghề sản xuất truyền thống mà còn là một điểm đến văn hóa hấp dẫn của quận Liên Chiểu và Đà Nẵng nói chung”, ông Vinh bày tỏ.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Trần Công Nguyên, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề luôn được chính quyền địa phương và người dân làng Nam Ô quan tâm, chú trọng. Việc phát triển kinh tế, kết hợp với du lịch cộng đồng là mục tiêu nằm trong chương trình, đề án phát triển làng nghề nước mắm Nam Ô đang được quận Liên Chiểu triển khai xây dựng. Thông qua việc vận động bà con tạo ra các sản phẩm du lịch cộng đồng, địa phương đã kết nối các đơn vị du lịch lữ hành để tuyên truyền, giới thiệu với du khách. Đồng thời, triển khai các chương trình ngoại khóa giáo dục, đưa các học sinh trên địa bàn quận đến tham quan, tìm hiểu về làng nghề; qua đó, thúc đẩy hơn nữa phát triển du lịch, lưu giữ và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa làng nghề nước mắm Nam Ô.
“Hiện nay, khu vực làng nghề đã có các biển số nhà, mang lại nhiều thuận lợi trong công tác quản lý đô thị và tạo điều kiện thuận lợi để bà con quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; gắn với địa chỉ cụ thể với sản phẩm để người dân, du khách dễ dàng tìm đến khi muốn tham quan, trải nghiệm”, ông Nguyên nói.
VĂN HOÀNG