.
Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Võ Duy Khương

Thành phố hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển

.

Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng về các giải pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong chương trình thực hiện “Năm DN Đà Nẵng 2014”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo chương trình “Năm DN”  Võ Duy Khương khẳng định: Để chủ trương “Năm DN Đà Nẵng 2014” đạt được mục tiêu đề ra, thành phố đã có nhiều cơ chế chính sách thiết thực tạo môi trường tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng. Ảnh: Trọng Hùng
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng. Ảnh: Trọng Hùng

* Vậy kể từ khi có chủ trương “Năm DN Đà Nẵng 2014” đến nay, qua rất nhiều kênh, nhiều diễn đàn, DN Đà Nẵng kỳ vọng, kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng như cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ nguồn lực, mặt bằng sản xuất... Và trong những lĩnh vực trên, thành phố đã và sẽ ưu tiên giải quyết gì cho DN?

- Thực hiện chủ trương “Năm DN Đà Nẵng 2014”, thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành cần quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện các lĩnh vực liên quan đến DN, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN phát triển bền vững.

Đơn cử như trên lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký DN, trong năm 2013, UBND thành phố chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) rà soát và giảm thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký (GCNĐK) DN, đăng ký thuế và GCN mẫu dấu còn 8 ngày (giảm 2 ngày so với quy định). Hiện, Sở KH&ĐT đang thực hiện đăng ký kinh doanh trực tuyến cấp độ 3 theo chương trình thí điểm của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT). Kết quả trong 9 tháng cuối năm 2013, đã có 337 DN thực hiện đăng ký theo hình thức này. Thời gian cấp GCNĐKDN qua mạng điện tử và GCN mẫu dấu còn 5 ngày; trong đó, GCNĐKDN còn 2 ngày và GCN mẫu dấu còn 3 ngày (giảm 50% thời gian so với quy định của Chính phủ). Cũng ngay từ đầu năm 2014, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở KH&ĐT thực hiện cắt giảm thời gian cấp GCNĐKDN có mã số thuế, con dấu và GCN mẫu dấu còn 7 ngày (giảm 1 ngày so với năm 2013). Và thời gian cấp GCNĐKDN qua mạng điện tử còn 2 ngày (giảm 2 ngày so với năm 2013).

Về công tác hỗ trợ mặt bằng sản xuất, kinh doanh (SXKD) cho DN trong khu công nghiệp (KCN), hiện trên địa bàn thành phố có 6 KCN với tổng diện tích theo quy hoạch 1.055,13ha, diện tích đất công nghiệp 748,95ha. Trong đó, diện tích đã cho thuê 627,17ha, diện tích còn lại có thể cho thuê là 121,78ha (đã có hạ tầng: 85,68ha), tỷ lệ lấp đầy đạt 83,74%. Ngoài ra, tổng diện tích đề xuất thu hồi đối với các dự án (DA) trong KCN là 21,98ha, bao gồm diện tích thu hồi toàn bộ 11,17ha, diện tích thu hồi một phần 10,81ha, trong đó 18,95ha có thể thu hồi ngay (đất trống). Như vậy, với quỹ đất còn lại là 121,78ha, và sau khi rà soát đề xuất thu hồi 21,98ha, quỹ đất trong KCN sẽ còn 143,76ha, thành phố sẽ ưu tiên bố trí cho những DN có nhu cầu sử dụng đúng ngành nghề kinh doanh.

Về công tác hỗ trợ mặt bằng SXKD cho DN ngoài KCN, hiện thành phố đang tiến hành rà soát quỹ đất ngoài KCN để đáp ứng mặt bằng cho DN có nhu cầu sử dụng đất cho SXKD. Bên cạnh đó, thành phố sẽ xem xét và kiên quyết thu hồi những khu đất đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng đến nay không sử dụng, sử dụng không hết diện tích, sử dụng không đúng mục đích hoặc còn chưa đưa vào sử dụng theo thời gian quy định. Rà soát các khu đất đã được phê duyệt quy hoạch và giải phóng mặt bằng, đất sạch đã giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý nhưng chưa giao đất hoặc cho thuê đất; các khu đất nằm trong quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất của thành phố đã được duyệt, nhưng chưa có chủ đầu tư, chưa được giải phóng mặt bằng.  

Trên cơ sở quỹ đất còn lại, thành phố sẽ ưu tiên bố trí cho các DN có nhu cầu sử dụng đất theo nhu cầu thực sự của DN phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Trong thời gian tới, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường cho DN, nhà đầu tư đã được giao đất, thuê đất để tạo điều kiện cho DA đầu tư, mặt bằng SXKD đi vào hoạt động theo tiến độ. Ngoài ra cũng công khai rộng rãi danh mục các DA có sử dụng đất trên địa bàn thành phố để tổ chức đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư theo đúng quy định.

 Thành phố sẽ kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai trong các KCN.  Trong ảnh: KCN Hòa Khánh vẫn còn khá nhiều khu đất trống bỏ hoang.                      Ảnh: TRỌNG HÙNG
Thành phố sẽ kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai trong các KCN. Trong ảnh: KCN Hòa Khánh vẫn còn khá nhiều khu đất trống bỏ hoang. Ảnh: TRỌNG HÙNG

* Hiện, nhiều DN trông đợi sớm được tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Đầu tư phát triển cũng như được hỗ trợ bảo lãnh từ Quỹ Bảo lãnh tín dụng. Vậy, ý kiến của ông về vấn này?

- Ngày 26-2-2014, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1260/QĐ-UBND ủy thác cho Quỹ Đầu tư phát triển 120 tỷ đồng để hỗ trợ cho các DN vay vốn phát triển sản xuất, xuất khẩu. Đối tượng được vay là các DNNVV thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố được hỗ trợ vay vốn ngắn hạn với lãi suất thấp để tháo gỡ khó khăn về vốn, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

Đối với lĩnh vực cho vay đầu tư thực hiện các DA thuộc danh mục kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ưu tiên phát triển của thành phố, UBND thành phố đang xem xét hạ lãi suất (LS) cho vay và chỉ đạo Quỹ tăng cường huy động các nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ các DN đẩy mạnh hoạt động đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời, UBND thành phố cũng chỉ đạo Quỹ Đầu tư phát triển đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục cho vay nhằm rút gọn hồ sơ thủ tục, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNVV dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ này.

Về Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV, ngày 26-2-2014, UBND thành phố cũng có Quyết định số 1205/QĐ-UBND cấp vốn điều lệ cho Quỹ là 50 tỷ đồng. Đồng thời, UBND thành phố và Quỹ cũng đã có thư vận động các tổ chức tín dụng, các Hiệp hội DN, cộng đồng các DN trên địa bàn góp vốn điều lệ Quỹ; phấn đấu đến năm 2015, vốn điều lệ Quỹ đạt 100 tỷ đồng. Hiện nay Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV đang khẩn trương ban hành các quy trình thủ tục, hồ sơ bảo lãnh và tăng cường phối hợp các ngân hàng, các Hiệp hội DN giới thiệu các DA hiệu quả nhưng DN gặp khó khăn về tài sản đảm bảo cần được bảo lãnh để xem xét cấp bảo lãnh tín dụng, giúp DN đủ điều kiện vay vốn các ngân hàng thương mại (NHTM) để sớm đầu tư thực hiện DA.

* Được biết, thành phố đã có văn bản đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đà Nẵng và các NHTM trên địa bàn hưởng ứng, hỗ trợ chủ trương “Năm DN Đà Nẵng 2014”. Vậy, phía NH đáp lại như thế nào?

- Sau khi có chủ trương “Năm DN Đà Nẵng 2014”, NHNN Đà Nẵng đã quán triệt, hưởng ứng với nhiều hoạt động, điển hình như: Triển khai phối hợp với UBND các quận, huyện; BQL KCN và Chế xuất Đà Nẵng; các Hiệp hội trên địa bàn thống kê danh sách DN có khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động ngân hàng để tổ chức Hội nghị kết nối giữa NH và DN trên địa bàn để hướng dẫn tháo gỡ, xử lý từng vướng mắc cụ thể.

Ngoài ra, Chi nhánh NHNN Đà Nẵng đã chỉ đạo các NHTM trên địa bàn triển khai tích cực các gói sản phẩm ưu đãi hiện có và đề xuất Hội sở xây dựng chương trình cho vay ưu đãi, các dịch vụ tiện ích gia tăng để ủng hộ chủ trương “Năm DN Đà Nẵng 2014” của thành phố như: ưu đãi LS, gia tăng hạn mức tín dụng, giảm phí thanh toán, giảm tỷ lệ tài sản bảo đảm tham gia bảo đảm vốn vay… Đồng thời tham mưu NHNN Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng, LS đã triển khai trong năm 2012 và 2013 để tháo gỡ khó khăn cho SXKD thông qua chủ trương duy trì LS cho vay ở mức thấp, chỉ đạo các NHTM tập trung ưu tiên vốn hỗ trợ DN phát triển sản xuất với LS thấp, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

* Để chủ trương “Năm DN Đà Nẵng 2014” đạt mục tiêu đề ra, theo ông, ngoài sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cấp, các ngành thì bản thân DN cần phải làm gì?

- Việc hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền thành phố là rất cần thiết và quan trọng đối với việc tồn tại và phát triển của DN trong thời gian đến. Tuy nhiên, kết quả, hiệu quả của việc hỗ trợ của thành phố ở mức độ nào còn phụ thuộc vào sự nỗ lực từ chính phía các DN. Theo đó, để chủ trương “Năm DN Đà Nẵng 2014” đạt được mục tiêu đề ra, thành phố đã hướng đến việc hỗ trợ DN từ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp bằng các cơ chế chính sách cụ thể như đã nói ở trên. Vì thế, về phía DN cũng cần phải phát huy tối đa tinh thần DN, có bản lĩnh và ý chí vươn lên tự làm giàu cho mình, cho cộng đồng và cho xã hội; chủ động phát huy vai trò, vị thế của doanh nhân trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Không ngừng nâng cao trình độ và kỹ năng quản trị DN; xây dựng văn hóa DN gắn trách nhiệm của DN với an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Và muốn làm được điều này, DN phải có chiến lược kinh doanh phù hợp với năng lực thực sự của DN và bối cảnh của thị trường. Muốn thành công trước mắt DN cần phải hoạt động tốt trên bốn phương diện cơ bản sau: hiệu quả cao hơn, chất lượng tốt hơn, đổi mới nhanh hơn và đáp ứng nhu cầu khách hàng nhanh nhạy hơn. Nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng thông qua việc cải tiến trang thiết bị, áp dụng khoa học và công nghệ hiện đại, nâng cao trình độ tổ chức quản lý và sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường hợp tác, mở rộng liên kết giữa các DN. Bên cạnh đó, các DN cần chủ động hỗ trợ lẫn nhau, tham gia hợp tác giữa các DN lớn với các DNNVV thuộc các thành phần kinh tế khác nhau thông qua các tổ chức Hội, Hiệp hội DN.

Việc chọn “Năm DN Đà Nẵng 2014” đã khẳng định quan điểm rõ ràng của thành phố như sau: Hiệu quả hoạt động của DN chính là động lực phát triển mới của thành phố. Nhưng quan trọng hơn là cộng đồng DN, doanh nhân Đà Nẵng cần tiếp tục thể hiện bản lĩnh của mình trong tự nhận thức đầy đủ thời cơ và thách thức, trong xây dựng chương trình hành động cụ thể trước mắt cũng như chiến lược phát triển lâu dài để thực sự trở thành trụ cột, là động lực mới trong công cuộc xây dựng thành phố hiện đại và phồn vinh.

* Xin cảm ơn Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố về cuộc trao đổi này!

TRỌNG HÙNG thực hiện

;
.
.
.
.
.