Đi tour gần, giảm ngày đi... đang là xu hướng chung của nhiều khách hàng đăng ký tour tại các hãng lữ hành. Lượng khách sụt giảm, khách hàng cắt giảm chi tiêu... làm doanh nghiệp nhấp nhổm.
6 còn 5, 5 còn 4...
Lượng khách đi tour đã giảm khoảng 5% so với trước khi xăng tăng giá. Trong ảnh: Khách đăng ký tour tại Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam (Vitours). |
Nhân viên kinh doanh Chi nhánh Tổng Công ty Du lịch Saigontourist tại Đà Nẵng cũng cho biết, xu hướng khách hàng hiện nay nhắm vào các tour ngắn ngày, hoặc tour gần, khách đi ít ngày, chi tiêu ít thì doanh thu công ty giảm. Số khác thì tìm đến các tour mang tính đại trà như “hành trình di sản”, chọn hàng không giá rẻ, dịch vụ không quá cầu kỳ, không quá độc đáo, miễn là giảm được chi phí. Khách nước ngoài lại có cách cắt giảm chi tiêu “độc chiêu” hơn: mua các tour không dính dáng gì đến tiêu hao nhiên liệu, xăng dầu như đi xe đạp, chèo thuyền, leo núi..
Nước lên, thuyền không thể lên mãi...
Hầu hết các hãng lữ hành đều điều chỉnh giá tour lên từ 2-15% tùy vào tour ngắn - dài khác nhau. Trong các hoạt động liên quan đến vận chuyển, lữ hành được coi là một trong những ngành bị động nhất khi giá xăng lên. Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam (Vitours) - ông Cao Trí Dũng nhận xét: “Ngay khi xăng lên giá, chi phí vận tải cũng lên theo, nhưng chúng tôi thì không thể ngay lập tức tăng giá vì sẽ gặp phản ứng mạnh từ khách hàng”.
Như một điệp khúc, hễ xăng lên giá, tất cả các chi phí khác liên quan đến việc phục vụ khách du lịch cũng cuống quít “leo” cao, từ vận chuyển cho tới bữa ăn, chỗ nghỉ, phí hướng dẫn viên, v.v... Nhà làm tour lập tức đối đầu với khó khăn muôn thuở: chịu lỗ trong những hợp đồng tour đã ký với khách hàng trước mấy tháng, thậm chí 1 năm (khi xăng, vật giá còn ở mức cũ) nếu không điều đình được với khách hàng. Tiếp đó, mức tăng giá tour đã khiến rất nhiều khách hàng suy nghĩ lại và... “cắt cái rụp” kế hoạch vui chơi, để “lo cho nhiều thứ cần thiết hơn”.
Theo tính toán của một số nhà kinh doanh, hiện giá tour chỉ tăng nương theo mức tăng của giá xăng, chứ chưa hề tính đến tỷ lệ trượt giá, tức là giá tour còn có khả năng tăng nữa. Thống kê chưa đầy đủ từ nhiều hãng lữ hành lớn cho thấy, lượng khách bình quân hiện tại đã giảm khoảng 5% so với khi xăng chưa lên. Ông Cao Trí Dũng dự đoán: “Lượng khách sẽ tiếp tục giảm tới 15% trong 6 tháng cuối năm, nếu vật giá cứ ngày một xoay chóng mặt như hiện nay”. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá cũng được nhiều nơi thực hiện từ từ, chứ không thể tăng mãi được. Nước lên, mà thuyền lên theo hoài sẽ không còn khách hàng nữa.
Tính phương án giảm rủi ro
Trước tình hình giá cả còn nhiều biến động, các hãng lữ hành đã tính toán đến nhiều phương án để “ít bị ảnh hưởng nhất”. Theo ông Dũng, cách tốt nhất từ bây giờ là khai thác mạnh các thị trường gần, biên độ thời gian ngắn. Đối với hợp đồng dài (ký trước vài tháng hoặc 1 năm), phải hợp đồng với khách hàng tăng giá khi giá xăng tăng... Nhiều hãng ghép khách (dạng khách lẻ) với nhau để vừa bảo đảm đúng lịch trình cho khách, vừa chia sẻ được chi phí tổ chức, vận chuyển...
Về phía Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Lê Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội nói: “Hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn này là việc ngoài tầm tay của Hiệp hội. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ các chi phí quảng bá cho doanh nghiệp, đặc biệt là lữ hành và các khách sạn nhỏ thì quá tốt”. Chia sẻ với lo lắng trên, bà Hoàng Anh, chuyên viên phụ trách mảng lữ hành Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng cho biết: “Hiện ngành đang tích cực xúc tiến, quảng bá các hoạt động du lịch hè để kéo khách về cho doanh nghiệp”.
Bài và ảnh: HẰNG VANG