Ga đường sắt Đà Lạt được xây dựng vào những năm đầu của thế kỷ XX và hoàn thành vào năm 1932. Đây là công trình kiến trúc được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Rất khác với mọi ga đường sắt nào, ga Đà Lạt hiện chỉ có một bến đỗ để đưa đón khách trong quãng đường khứ hồi 7km tham quan thành phố ngàn hoa.
Ga đường sắt đẹp nhất Đông Dương
Đầu máy xe lửa cổ hiệu Prairie 131-428 do Đức sản xuất ngày 14-1-1930, từng được vận hành tại ga và nay là hiện vật trưng bày. |
Tiếp đó, người Pháp cho xây dựng giai đoạn 2 tuyến Sông Pha lên Eo Gió dài 10km vượt đèo Ngoạn Mục. Đến năm 1932, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt hoàn thành với sự độc đáo bởi có 16km đường ray răng cưa để kéo tàu lên đèo. Ga Đà Lạt cũng hoàn thành trong thời gian này và nhanh chóng trở thành nhà ga đường sắt đẹp nhất Đông Dương.
Đến nay, cùng với ga đường sắt Hải Phòng, nhà ga Đà Lạt - nhà ga cổ kính còn được ngành đường sắt Việt Nam giữ gìn tôn tạo. Kiến trúc nhà ga Đà Lạt có ba mái nhọn xuất phát từ ý tưởng của hai kiến trúc sư người Pháp là Moncet và Revéron mô phỏng dãy núi Lang Biang hùng vĩ của vùng đất cao nguyên Lâm Viên. Sự tài tình của các kiến trúc sư ở chỗ họ đã kết hợp được không gian văn hóa của vùng đất này với lối kiến trúc độc đáo của Pháp.
Sau năm 1975, tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được tháo ra để khôi phục lại đường sắt Bắc-Nam và tiếp đó là nhiều đoạn đường sắt bị hư hỏng cùng với số phận long đong của những chiếc đầu máy hơi nước do hãng Fucca (Thụy Sĩ) sản xuất từ những năm đầu của thế kỷ 20 hoạt động trên tuyến đường này. Năm chiếc đầu máy còn khá tốt đã được ngành Đường sắt Việt Nam bán cho Thụy Sĩ, mà người mua lại chính là hãng Fucca. Đây là loại đầu máy hơi nước hoạt động trên đường sắt răng cưa lẫn đường bằng còn lại duy nhất trên thế giới.
Ngay cả hãng Fucca cũng không còn vì những đầu máy đó đã cải tiến để chạy diesel. Fucca cũng đã đến ga Đà Lạt mua đầu máy về tu bổ lại để chở khách du lịch trên tuyến đường răng cưa Thụy Sĩ và ngỏ ý muốn liên doanh phục hồi tuyến đường này.
Vào năm 1997, khi nền kinh tế mở cửa, ngành du lịch cả nước nói chung và du lịch Đà Lạt khởi động trở lại, ý tưởng sử dụng phần đường sắt ngắn ngủi chỉ 7 km cho du lịch đã được hình thành.
Lên Đà Lạt đi tàu lửa
Đã hơn 15 năm, chuyến tàu lửa chạy tới, chạy lui trên tuyến đường sắt dài 7km trên cao nguyên vẫn không có gì thay đổi. Thế nhưng, cùng với sự đổi thay của thành phố ngàn hoa, du khách trong nước và nước ngoài đến Đà Lạt và đi xe lửa rong chơi lại là thú tiêu khiển thú vị. Thành phố Đà Lạt hiện có một hệ thống mạng lưới xe buýt do DN Phương Trang điều hành để cho người dân thành phố và khách du lịch dễ dàng di chuyển đến mọi địa điểm du lịch trong thành phố. Nếu như di chuyển bằng ô-tô buýt với cự ly 7km chỉ tốn không quá 8.000 đồng thì đi xe lửa đã tốn đến 80.000 đồng.
Nhà ga đường sắt Đà Lạt . |
Thế nhưng khách đi tàu lửa Đà Lạt vẫn đông nườm nượp. Ngồi trên xe lửa, du khách mải miết ngắm nhìn những ngôi nhà vườn từ phía sau. Đấy là một không gian rất riêng bởi vườn trồng su lơ, cải, hoặc các loại rau ôn đới vốn rất đặc trưng của Đà Lạt như cà rốt, cải củ, đặc biệt là hoa. Đoàn tàu xình xịch trèo lên những con dốc, những ô vườn bậc thang, những ngọn đồi yên ngủ, những căn nhà gỗ ẩn hiện dưới thung lũng... Tất cả từ từ lướt qua như một cuốn phim chiếu trên khung cửa kính. Du khách dán mắt trên cửa sổ, mặc sức ngắm nhìn, quay phim và xuýt xoa.
Đi tàu lửa trên vùng đồi núi cao nguyên với chiếc đầu máy hơi nước cổ - cái lạ đó đã gợi hứng cho nhiều du khách tìm đến. Sau hơn hai mươi phút, chuyến tàu đỗ tại ga xép Trại Mát. Tại đây có hai điểm dừng chân dạo chơi, đó là chợ Trại Mát và chùa Linh Phước. Khu chợ nhỏ bày bán nhiều rau xanh và trái cây tươi theo từng mùa. Sẽ có nhiều trái anh đào chín mọng vào mùa hạ hay rổ dâu rừng đỏ ửng vào mùa lạnh. Cũng ở chợ này, du khách vô cùng thích thú được thưởng thức món ổi đào (ổi được ghép với cây đào).
Cũng trong chuyến hành trình du lịch bằng tàu lửa trên Đà Lạt, du khách tiếp tục “hành hương” đến thăm chùa Linh Phước, cách trạm dừng Trại Mát chưa đầy cây số đi bộ. Đây là công trình kiến trúc khảm sành đặc sắc của thành phố Đà Lạt được nhiều du khách viếng thăm. Suốt chuyến hành trình bằng tàu lửa, hướng dẫn viên đã dành khá nhiều thời gian để giới thiệu với du khách lịch sử con đường hỏa xa Đà Lạt.
Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG