Đã có một mùa hè lên rừng, xuống biển thăm thú phong cảnh đất nước, nhưng khi quay về với Non Nước - Ngũ Hành Sơn, bước chân như lạc vào cõi thiền. Trong trạng thái tĩnh tâm khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của Non Nước quê mình, gợi nhớ lời cổ nhân thấm đẫm lời mời gọi da diết: “Ai về Non Nước thì về/ Trước sông, sau biển, núi kề một bên”.
Non Nước huyền thoại
Hoạt động chế tác đá mỹ thuật sẽ được chuyển ra ngoài khu vực danh thắng Non Nước. |
Thuở xưa, con đường du lịch nối Hội An ra cửa Hàn bằng tuyến đường sông Cổ Cò qua núi Non Nước được cổ nhân mô tả đẹp như tranh thủy mặc: “Đi theo sông từ buổi sớm, sương mờ còn giăng giăng, những thương điếm bên bờ sông chợt xôn xao với những quang gánh hàng rau hành. Sông uốn khúc qua những làng mạc, khi đến cửa Hàn thì vỡ òa trong ánh bình minh ngày mới”. Sách sử có ghi, những nhà du khảo người Pháp, cụ thể là bác sĩ Albert Sallet (1877 - 1948) từng ghi trong nhật ký của mình “đã từng thấy những chuyến ngự du ngang qua, những binh đội vội vàng cần kíp, từng nghe những tiếng gào thét của lính chiến, những tiếng reo hò khải hoàn…
Hành trình bằng đường sông thường khởi hành vào sáng sớm, trong cái mát dịu ban mai: Nước lặng, chỉ có tiếng gọi của dân chài phá tan sự im lặng… Trong tiếng khua ván thuyền của các ngư ông đuổi đánh cá vào trong khung lưới với cảnh rún rẩy của đồng lúa sớm bờ sông bên phải cùng với ánh mặt trời lên nhanh tỏa sáng trên những trảng cát phía đông...”.
Mười năm, một thương hiệu
Với vẻ đẹp tự nhiên, Non Nước đã trở thành Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn vào năm 1999, nhưng được quản lý khai thác bởi chính quyền phường Hòa Hải. Lúc ấy, lấy tranh tre làm chòi dựng cổng bán vé. Người dân cũng mặc sức buôn bán hàng thủ công mỹ nghệ cho khách tham quan. Lúc cao điểm lên đến 200 người, làm cho môi trường du lịch rất phức tạp. Du khách bức xúc về tình trạng chèo kéo, bu bám.
Những năm gần đây, quận Ngũ Hành Sơn trực tiếp quản lý và khai thác khu danh thắng Ngũ Hành Sơn. Khách du lịch đến Ngũ Hành Sơn ngoài tham quan Non Nước còn tìm hiểu sản xuất ở làng đá. Phương thức quản lý và khai thác du lịch theo kiểu “ăn xổi”, “ăn mòn” danh thắng đang lùi về quá khứ bởi quận Ngũ Hành Sơn không ngừng đầu tư tôn tạo cảnh quan, lập lại trật tự về môi trường văn hóa ở khu du lịch.
Non Nước đang chuyển động. Con đường đến với một Non Nước du lịch đang rộng mở... Ở phía đông sát biển, “con đường Quảng Nam-Đà Nẵng” như dải lụa mềm vắt từ đỉnh Sơn Trà xuôi về Cửa Đại. Dải lụa ấy cũng đưa du khách theo tour nối kết danh thắng Non Nước đến các bảo tàng, di sản trong vùng, từ Bảo tàng Chăm đến Bảo tàng Gốm sứ, Bảo tàng Sa Huỳnh; từ đèo Hải Vân mây trắng đến đỉnh núi Chúa-Bà Nà, vào Hội An, lên Mỹ Sơn…
“Tương khắc mà tương sanh”
Hơn lúc nào hết, Non Nước đang đứng trước bao đổi thay. Núi bất biến nhưng cảnh thì vạn biến. Bến nước ngày xưa vua Minh Mạng ngự du phương Nam trên dòng sông Cổ Cò ghé đến đã thôi những dập dềnh. Cái am nhỏ của nàng công chúa em vua chìm trong cõi thiền, khuất trong mây mờ ký ức. Hàng loạt các quy hoạch phát triển đô thị đã làm cho Non Nước - Ngũ Hành Sơn như “hòa tan” vào chốn phồn hoa phố thị. Những nét chân quê ngỡ như đang đi vào hoài niệm. Các khu du lịch ven biển xây dựng vút lên không trung che chắn núi Ngũ Hành, làng đá mỹ nghệ như nuốt chửng hòn Thủy Sơn với tù mù bụi đá. Song trong “tương khắc mà lại tương sanh”. Hạ tầng du lịch phát triển mạnh sẽ đem đến một nguồn khách du lịch dồi dào.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, một không gian du lịch mới đang mở ra. Theo đó, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn được mở rộng về hướng Tây gắn kết với khu sản xuất của làng nghề đá mỹ nghệ. Quận đang kêu gọi các đối tác đầu tư nâng cấp khu vực phía sau Chùa Linh Ứng, mở lối vào tham quan động Huyền Vi… Ngọn Thủy Sơn được đầu tư, nâng cấp toàn diện với các trạm nghỉ dừng chân, tiếp đón du khách. Cải tạo động Thiên Phước Địa và mở đường lên ngọn Thượng Thai để lắp kính viễn vọng phục vụ quan sát ngắm cảnh cho du khách.
“Tương sanh” cũng được thể hiện qua việc Ban Quản lý khu danh thắng phối hợp với cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Nguyễn Hùng xây dựng khu vườn đá mỹ thuật, tạo ra diện mạo mới cho danh thắng. Trong tương lai, khu vực quanh Non Nước chỉ duy trì các hoạt động triển lãm giới thiệu sản phẩm đá mỹ thuật. Hoạt động du lịch tâm linh cũng được vun đắp, nẩy nở. Ngoài việc duy trì lễ hội Quán Thế Âm hằng năm, quận Ngũ Hành Sơn đang xây dựng “kịch bản” về ngày báo hiếu của lễ Vu Lan vào dịp rằm tháng 7 dựa theo Phật tích “Mục kiền liên thanh đề”.
Non Nước vẫn mãi mãi in hình bóng vào tâm thức người Quảng. Non Nước còn đây như bao lời nguyện thề non, hẹn nước của bao nhiêu duyên tình, bao người cầu tự, bao dòng đời trôi mải miết của vòng ngũ hành trong cõi đất trời, nhân gian...
Bài và ảnh: TRIỆU NAM PHƯƠNG