.

Khi người Thái chọn Việt Nam

.

“Một trong những thay đổi quan trọng của chính sách quảng bá du lịch Thái Lan năm 2009 là: Gia tăng về lợi nhuận và sự chi tiêu của mỗi du khách hơn là số lượng”. Đó là tuyên bố của Tổng cục Du lịch (TAT) nước này sau một hội thảo vừa qua tại Bangkok.

Hướng dẫn viên tiếng Việt tại một điểm tham quan, mua sắm ở Bangkok.

“Du khách chất lượng” là một tiêu chí hàng đầu của kế hoạch quảng bá về du lịch năm 2009 của TAT, được định nghĩa như sau: Du khách chất lượng là những cá nhân có nhận thức về các quan hệ xã hội và môi trường, quan tâm đến việc tìm hiểu những nơi chốn và cộng đồng họ đến thăm và vì vậy họ sẽ lưu lại lâu hơn mức bình thường…”. Với chính sách này, TAT kỳ vọng năm 2009 sẽ có 16 triệu du khách quốc tế đến Thái và mang lại 630 tỷ baht cho nền kinh tế, tăng 5% so với năm 2008. Trong lúc đó, lượng du khách nội địa năm 2009 dự kiến cũng tăng tương tự với 87 triệu lượt và 407 tỷ baht.

Để đạt được mục tiêu trên, TAT xây dựng một “Điểm đến chất lượng” với các tiêu chí sạch sẽ - thuận tiện và an toàn thống nhất trên cả nước. Theo đó, họ tiếp tục duy trì các thị trường đã có, mở rộng các thị trường mới, ổn định giá trị đồng baht, đồng thời với cung cấp các dịch vụ và sản phẩm có chất lượng cao nhất cho du khách, tiếp tục duy trì sức cạnh tranh bằng các sản phẩm mũi nhọn và gia tăng thương hiệu Thái Lan, quảng bá rộng rãi trên thế giới các sản phẩm và dịch vụ đó tại các thị trường chủ chốt với chủ đề “7 điều kỳ diệu của Amazing Thailand” (The seven wonders of Amazing Thailand ).

Điều đáng chú ý trong các tính toán làm ăn của người Thái: Bên cạnh các thị trường truyền thống ổn định, mục tiêu của du lịch Thái Lan năm 2009 là hướng tới thị trường các nước như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Trung Đông, Tây Ban Nha… và ở khu vực ASEAN, Việt Nam được coi là một thị trường tiềm năng.

Chùa Phật Vàng – điểm dừng chân của nhiều du khách đến Thái Lan.

Trong năm tới, du lịch Thái vẫn tiếp tục quảng bá cho “7 điều kỳ diệu của Amazing Thailand” về: Lòng hiếu khách truyền thống, cách sống và sự thân thiện của người Thái; Các sản phẩm quý hiếm: di sản địa danh lịch sử, đền chùa và các bảo tàng; Các bãi tắm nhiều dịch vụ; Thiên nhiên và môi trường trong lành; Giới thiệu các liệu pháp phòng chữa bệnh đặc biệt của người Thái; Mua sắm thời trang và các Lễ hội... bằng những biện pháp rất cụ thể để lấy đến đồng tiền cuối cùng của du khách.

Điểm qua những lời mời chào đó của người láng giềng khi hướng đến nguồn du khách từ Việt Nam và nhìn lại những sản phẩm du lịch của chúng ta nói chung và của khu vực miền Trung nói riêng hấp dẫn người Thái đến đâu! Hoạt động du lịch miền Trung vài năm nay coi nguồn du khách Thái (cùng với Nga) là thị trường tiềm năng sau khi EWEC thông tuyến và các hãng hàng không Thái mở đường bay thẳng đến Đà Nẵng.

Nhưng kết quả là: Các lịch tuyến Bangkok - Đà Nẵng đang dần bị xáo trộn, thay đổi chủ và đã thưa khách dần. Các tour đường bộ cũng đã bắt đầu giảm. Con số du khách Thái qua cửa khẩu Lao Bảo giảm hơn 4% trong 8 tháng qua là một minh chứng (Trong khi du khách Việt đi Thái tăng đến 14% trong điều kiện có những bất ổn chính trị ở nước bạn).
 
Miền Trung cũng có nhiều lễ hội, có biển đẹp, có nhiều di sản văn hóa-lịch sử-danh thắng thế giới hơn hẳn Thái Lan nhưng vẫn kém hấp dẫn du khách vì sự cạnh tranh, nạn cát cứ, chất lượng sản phẩm thấp và không ổn định. Sự liên kết giữa các công ty lữ hành với ngành vận tải (hàng không, đường bộ và cả xe bus nội thị), với các trung tâm mua sắm, khách sạn, khu nghỉ mát… là hoàn toàn vắng bóng. Chúng ta cũng không hề có người hướng dẫn, nhân viên lễ tân nói được tiếng Thái; trong khi sang Thái Lan, mỗi bước đi của du khách Việt đều có người nói tiếng Việt hướng dẫn, chăm sóc…

Ngành du lịch Thái hướng đến khai thác khách từ thị trường Việt Nam bằng những việc rất cụ thể với những biện pháp liên kết để chia sẻ quyền lợi theo các “chuỗi giá trị” thu được. Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng cũng coi khách từ Thái Lan là “thượng đế” mới của mình. Nhưng chúng ta vẫn cứ tiếp tục nói khẩu hiệu nhiều hơn là bằng hành động thực tế. Cách làm đó của chúng ta, đôi khi đi ngược lại những mục đích ban đầu. Một giám đốc công ty du lịch ở Thái Lan là người gốc Việt, anh Nguyễn Văn Thavorn, nói một cách chân tình với chúng tôi mới đây: “Việt Nam cần thay đổi cách làm để tự làm mới mình hơn nữa, mới mong đuổi kịp người Thái!”. Câu nói đó thật có ý nghĩa.

HUỲNH THU

;
.
.
.
.
.