.

“Nhảy” việc và “treo” giá...

.

Các quản lý giỏi, nhân viên giỏi của các khách sạn Đà Nẵng thường xuyên thay đổi việc là câu chuyện không mới. Nhưng từ đó lại đẩy đưa tới những chuyện khác dở cười, dở khóc... 

Treo giá trên trời

Tốc độ phát triển rất nhanh của các dự án lớn kéo theo sự khan hiếm nhân lực, đặc biệt là quản lý giỏi và giám đốc các bộ phận. TRONG ẢNH: Khởi công xây dựng Hyatt Regency Đà Nẵng Resort and Spa.

Nhân viên mới làm chỗ này, mai nhảy sang chỗ nọ vì những lời chào mời nghe hấp dẫn hơn. Doanh nghiệp hứa hẹn nhiều, nhưng nhân viên chờ đợi mòn mỏi vẫn “chưa thấy gì” là chuyện không hiếm. Người này mới được doanh nghiệp chào đón, nhưng lại bị sa thải sau một thời gian vì “không bộc lộ điều gì xuất sắc”... Những câu chuyện tương tự như trên, chúng tôi thường được nghe khi tiếp xúc với nhiều nhà quản lý nhân sự các khách sạn trong thành phố.

Bà Dương Thị Thơ, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch), sau lần đứng ra tuyển chọn giúp quản lý cấp cao cho một khách sạn lớn, than phiền: “Nhân lực khan hiếm quá! Kiếm người giỏi cực khó!”. Khi bà đặt vấn đề tuyển dụng, không ít người đã “hét” giá của mình trên trời, chẳng hạn: lương tháng 1.000 USD, trong khi năng lực chỉ ở mức “tầm tầm bậc trung”. Theo bà, giá trị thực của một người quản lý giỏi phải dựa trên các tiêu chí: giỏi ngoại ngữ, chuyên môn, và đã từng dẫn dắt một doanh nghiệp du lịch ăn nên làm ra.

Tuy nhiên, do các doanh nghiệp quá cần người nên những “ứng cử viên” cho bộ phận quản lý cấp cao mặc sức hét giá theo kiểu “không biết mình là ai”. Thực tế, có người rời bỏ doanh nghiệp chỉ để tự làm giá cho mình, và ảo tưởng rằng “mình giỏi”, trong khi “mình không thực sự giỏi”. Vì lẽ đó, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng lo lắng: “Chỗ này tăng lương, chỗ kia cũng tăng lương để mời gọi cho bằng được người mình cần, tạo nên một mặt bằng lương ảo, không sát thực với năng lực”.

Giữ chân nhân viên

Ông Vinh nhận xét: “Sự phát triển du lịch của Đà Nẵng và miền Trung chậm hơn so với 2 đầu. Do đó, sinh viên đại học ngành du lịch và cán bộ quản lý cấp cao đã lần lượt chuyển đến các thành phố lớn, để được làm việc trong một môi trường sôi động hơn. Điều này đã gây nên sự mất cân đối nghiêm trọng trong thị trường nhân lực, đặc biệt là quản lý cấp cao, nên việc “săn” cán bộ quản lý giỏi giữa các khách sạn lớn như Furama, Nam Hải, Green Plaza… là khó tránh khỏi”.

Sự chuyển dịch đó, theo ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH VinaCapital là “lẽ tự nhiên, nơi nào đất lành thì chim đậu”. Bà Dương Thị Thơ cũng không phủ định, ra đi giúp nhân viên giỏi có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong nghề nghiệp: “Không hẳn người lao động lúc nào cũng ra đi vì tiền, mà vì không được tạo cơ hội trong doanh nghiệp đó, dù nhân viên có năng lực”. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phải tự điều chỉnh nếu không muốn mất đi những nhân viên “gạo cội”.
 
Để giữ chân nhân viên giỏi, ông Trần Văn Ninh, Giám đốc Khách sạn Phương Đông cho rằng: “Ngoài chính sách lương phù hợp, doanh nghiệp còn phải tạo nên một môi trường làm việc tốt, để người lao động thấy thật sự thoải mái với công việc và cống hiến hết mình”.

Về phía ông Vinh, trên cương vị Phó Tổng giám đốc khách sạn Furama cũng khẳng định: “Chúng tôi hướng đến một môi trường làm việc thân thiện, thường xuyên đào tạo, có thù lao hợp lý, tạo sự gắn bó giữa người lao động và công ty để cùng nhau phát triển”. Việc cho cán bộ cấp cao của mình học tập tại các khách sạn 5 sao nước ngoài, theo ông, cũng là cách tốt để tự đào tạo nguồn lực tại chỗ, mà không cần phải “săn” từ nơi khác.

Bài và ảnh: T.NHAN

;
.
.
.
.
.