Chùa Vĩnh Tràng ở xã Mỹ Tho, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1984, là một ngôi chùa cổ danh tiếng và là một công trình kiến trúc tiêu biểu ở Nam Bộ. Chùa tọa lạc trên mảnh vườn cây ăn trái rộng gần 2ha, thuộc làng Mỹ Hóa, nay là xã Mỹ Tho, bên con rạch Bảo Định hiền hòa nước ngọt quanh năm.
Khi thực dân Pháp chiếm Định Tường, chùa Vĩnh Tràng bị hư hại khá nặng. Công việc trùng tu ngôi chùa được tiến hành qua rất nhiều giai đoạn. Cho đến bây giờ, thăm viếng chùa Vĩnh Tràng, bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên về giá trị kiến trúc nơi đây. Bạn sẽ được nhìn thấy cổng Tam Quan tráng lệ trước cửa chùa do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện năm 1933. Về kinh phí được hai ông Huỳnh Trí Phú và Lý Văn Quang hỗ trợ.
Nét độc đáo của cổng Tam Quan chùa Vĩnh Tràng thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sàng, mảnh sứ để tạo nên những bức tranh với màu sắc hài hòa, minh họa những sự tích nhà Phật, những truyện tích dân gian và những đề tài Tứ quý, Tứ linh, hoa lá. Tầng lầu Thượng của cửa Tam Quan có vòm cửa rộng. Bên phải đặt tượng Hòa thượng Chánh Hậu, bên trái đặt tượng Hòa thượng Minh Đàn, là những vị trụ trì có rất nhiều tâm sức xây dựng ngôi chùa. Cả hai bức tượng này đều đắp bằng xi-măng giống như người thật, do điêu khắc gia Nguyễn Phi Hoanh thực hiện.
Hiện nay, trụ trì chùa Vĩnh Tràng là Thượng tọa Thích Trí Long. Thăm viếng cảnh chùa, bạn sẽ thấy bình an và thanh thản. Ở đây có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật Bản... Đứng xa, bạn có thể hình dung ngôi chùa như đền Ăng-co 5 tháp.
Tượng Ngọc Hoàng cũng bằng đồng, to bằng người thật. Khác với thông lệ xưa, Ngọc Hoàng ở đây không có Nam Tào, Bắc Đẩu cầm sổ sinh tử đứng hầu hai bên, mà là ông Thiện và ông Ác. Bằng những vật liệu gỗ, những nhà kiến trúc, nhà điêu khắc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã chạm khắc những hình tượng mang màu sắc tôn giáo huyền ảo, thoáng đượm vẻ vương quyền, qua đó ta thấy được những công trình điêu khắc của người xưa - qua những hình tượng sống động ấy ta thấy rõ cuộc sống vui tươi và ý chí vươn lên của dân tộc Việt Nam - một dân tộc tự nhận mình là dòng dõi con rồng cháu tiên thể hiện qua chạm khắc hình tượng tứ linh.
Chùa Vĩnh Tràng có trên 60 tượng Phật bằng gỗ, đồng, đất nung, xi-măng, nhưng đa số tượng bằng gỗ, tất cả được thếp vàng óng ánh và được tạo vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Riêng 3 tượng đồng (Di đà, cao 98cm, Quan Âm và Thế Chí cao 93cm) được tạo tác giữa thế kỷ XIX. Điều đáng chú ý là những bức hoành, câu đối trong chùa được điêu khắc chữ nổi thếp vàng như những chữ "Hoàng kim bửu điện" được khắc từ năm 1851 đến nay vẫn còn khá đẹp. Ngôi chùa là quà tặng vô giá về mặt tinh thần cho bạn giữa bộn bề dòng chảy của cuộc sống.
Nguyễn Thị Anh Đào