Dọc theo những dải rừng ngập mặn miền Tây từ Soài Rạp, Đầm Dơi, Rừng Sác là dải rừng ngập mặn mênh mông đến mút tầm mắt. Xen kẽ những cây bần, sú, mắm… là những khóm cây chà là.
Một loài bọ cánh cứng, biết chà là dồi dào dinh dưỡng nên tìm đến đẻ trứng. Chính dinh dưỡng từ đọt cây chà là đã nuôi dưỡng ấu trùng trong một thời gian dài. Đuông chính là ấu trùng được lớn lên trong thân cây chà là, hình thù cũng giống như đuông dừa, nhưng to và mập ú, trắng nõn nà.
Mỗi một cây chà là chỉ có một đôi con đuông, vì vậy, để có nhiều đuông thì cũng cần làm tróc rễ khá nhiều chà là. Mùa đuông chà là múp míp béo là vào cữ tháng mười đến tháng hai âm lịch.
Để có được mươi con đuông chà là quả không đơn giản tí nào, bởi chà là nhiều gai. Thường là những anh thợ chuyên lùng sục trong những vùng ngập mặn, chân tay được bao bọc kỹ mới xông vào khóm chà là gai góc. Nhìn những cây chà là héo, xác xơ, người thợ săn biết con mồi mình tìm kiếm đang giấu mình trong đó.
Khi đốn thân bắp chà là, người tìm kiếm đuông mang cả thân cây về để đuông yên vị nơi trú ẩn. Chỉ khi nào làm món thì người ta mới lột bắp thân chà là mà lấy đuông ra.
Đuông chà là phổ biến nhất là món lăn bột chiên bơ. Trước tiên cho đuông bơi trong chậu nước mắm cho thân đuông sạch sẽ và cũng để mình đuông đẫm trong nước mắm thơm ngon và mặn đậm. Sau đó cho vào chảo bơ hay mỡ. Lửa liu riu nhỏ, con đuông được lăn đều trên chảo cho đến khi vàng rộm cùng với mùi thơm ngậy của đuông quyện trong bơ, trong bột thì gắp dần từng con ra đĩa.
Nhâm nhi đuông, phải là những vị sành điệu, từ tốn để cảm hết cái ngon lành, béo ngậy từ con đuông tròn múp. Khi vị ngon đặc biệt của đuông đã lan tỏa vào trong miệng, chiêu thêm một ít xị đế nữa thì… mới biết thế nào là đuông Đầm Dơi, Rừng Sác.
Thực ra không hẳn chỉ chà là mới có đuông. Đuông trong dừa, trong mía, trong đất, và con người cũng có thể tạo ra đuông. Nhưng trong thân chà là, đuông to nhất, béo tròn nhất nên trở thành món ăn nổi tiếng.
Cũng phải gần đây vị thơm của đuông mới lan đi khắp lục tỉnh. Một vài quán nhậu Sài Gòn có đuông đãi khách bợm, nhưng đó thường là đuông thập cẩm, không thuần túy đuông chà là, mà cũng không phải lúc nào cũng có đuông.
Đuông chợt nhập vào quán là mấy con “ghiền” lập tức có mặt như thể đã được thông báo. Hai người, ba người, bốn người… là tối đa cho một hội. Xì đế có sẵn, tất cả hướng cặp mắt ngời ngời về phía chiếc chảo trên bếp lửa liu riu đang lan tỏa. Vị đuông quen thuộc có sức lôi cuốn đến kỳ lạ. Tuy vậy, ai cũng tỏ tường, hưởng đuông không thể vội vàng.
Nguyên Phước