Gần 10 năm trước, Đà Nẵng cho xây dựng một tuyến cáp treo 870m từ đồi Vọng Nguyệt lên đến đỉnh Bà Nà (BN). Khi đó, du khách từ chân núi muốn lên đồi Vọng Nguyệt phải đi theo đường đèo dốc với nhiều đoạn cua ngoặt hết sức nguy hiểm. Nhưng giờ đây, mọi chuyện dường như đã khác…
Một bước lên... đỉnh Bà Nà
Hệ thống cáp treo Bà Nà vận hành trong ngày khánh thành (25-3-2009). Ảnh: Lê Hải |
Trên đỉnh núi, địa hình bằng phẳng như một cao nguyên nhỏ. Vốn có nhiều khu rừng nguyên sinh, hệ động thực vật phong phú, đa dạng, nhiệt độ trung bình từ 170c đến 200c, BN được xem là nơi nghỉ mát có thể sánh ngang Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo… Từ cuối thế kỷ 19 đầu 20, người Pháp đã phát hiện khu nghỉ dưỡng này và đầu tư xây dựng ở đây nhiều biệt thự, khách sạn, sân thể thao… Những thập kỷ sau đó, do chiến tranh và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, các công trình này đã bị tàn phá nặng nề, trở nên hoang phế.
Được thiên nhiên ưu đãi, từ đỉnh BN vào lúc trời quang mây tạnh, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng không gian rộng lớn. Đó là, TP. Đà Nẵng, vịnh Vũng Thùng với hình viền vòng cung từ chân đèo Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà, bãi biển Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, Non Nước Ngũ Hành Sơn, sông Thu Bồn uốn quanh ôm lấy những cánh đồng trù phú. Xa hơn một chút là Cù Lao Chàm giữa nhấp nhô sóng biếc và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hiện ra bồng bềnh…
Thiên nhiên như bức tranh thủy mặc hiếm nơi nào có được. Từ những thế mạnh được nhìn thấy, năm 1998, Đà Nẵng đã đầu tư xây dựng BN thành một khu du lịch sinh thái lớn, quy mô và khá hoàn chỉnh. Thế nhưng, dù giao thông khá thông suốt, hệ thống cấp điện, nước, các khu vui chơi giải trí, khu bảo tồn đã có mặt… BN chưa thật sự khai thác hết tiềm năng sẵn có, nếu không nói là chưa xứng tầm với kinh phí đầu tư ban đầu khá lớn.
Với diện mạo mới, hẳn ai từng gắn bó với BN đều mang trong mình những dự cảm riêng. Đối với họ, là sự tiếc nuối xen lẫn giữa niềm vui vì BN không bị lãng quên theo năm tháng. Ông Hoàng Xuân Tỵ, thuyết minh viên du lịch và cũng là người có vốn kiến thức khá phong phú về những cánh rừng ở đây sau nửa đời người gắn bó cũng không khỏi ngậm ngùi:
Cáp treo Bà Nà - sản phẩm du lịch hấp dẫn với 2 kỷ lục thế giới: cáp treo một dây dài nhất và có độ cao chênh lệch lớn nhất đã được khánh thành sáng 25-3-2009. |
Suốt buổi chiều lang thang cùng ông Tỵ trên những dốc núi BN, chợt nhận thấy sự ưu ái của ông dành cho nơi này. Bằng lối diễn đạt khá hài hước và tinh tế, mỗi biệt thự đổ nát liêu xiêu trong nắng chiều chợt bừng dậy khi ông vạch lá, đưa tay phủi những hạt bụi, dọn dẹp vài cành cây trước lò sưởi đã hơn nửa thế kỷ chưa có ngọn khói.
Giữa tiếng lá rơi xào xạc, ông không ngớt nói về chúng. Người nghe chừng như bị cuốn hút vào câu chuyện, về những con người đã từng đặt chân khai phá BN; ngơ ngẩn chuyện người Pháp xây tường gạch không phải bằng xi-măng mà chỉ trộn vôi vữa với đường mía và nhựa cây bời lời của đất Quảng Nam mà vẫn vững chãi. Ông bùi ngùi, mong sao Bà Nà khi được xây dựng hoành tráng phải biết giữ lại những cây thông già trên dưới một trăm tuổi mọc bên sườn núi. Nói rồi, ông mỉm cười: “Việc Bà Nà thay chủ là một chuyện đáng tiếc nhưng tôi mừng rằng với những con người mới, tôi tin BN sẽ thật sự thay da đổi thịt”.
Con đường từ phố biển Đà Nẵng lên BN dễ dàng hơn sẽ khiến cho nhiều người đặt chân đến, đó cũng chính là sự mong mỏi của những con người từng đặt tâm huyết với BN trong suốt thời gian dài như ông.
Không chỉ là chuyện được-mất
Bà Nà được ví như nàng công chúa được đánh thức sau một giấc ngủ dài. |
Qua khảo sát bước đầu, ở đây có 544 loài thực vật, 256 loài động vật, trong đó có những loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra còn có những cây sơn tùng cổ kính, những cây thông lá nhọn cành xoắn, những cây dương xỉ khổng lồ cao hàng chục mét... BN không thể thiếu trong những điểm đến của Đà Nẵng. Chính vì thế, với tour mang tên “Khám phá Đà Nẵng” trong 2 ngày 1 đêm, công ty đã dành trọn cho du khách 1 ngày-đêm để hòa mình vào sự yên ả của núi rừng BN.
Là người phụ trách thiết kế tour, anh Hiệp còn cho biết, hiện công ty đang cố gắng tìm kiếm, khai thác các điểm đến khác. Việc hệ thống cáp treo BN được đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn đoạn đường lên đỉnh BN và du khách có cơ hội được vi vu để thử cảm giác mạnh, hân hoan nhìn ngắm cảnh vật, cây rừng từ độ cao 500m. Tuy nhiên, anh cũng tỏ ra lo lắng về giá cả: Việc đầu tư hệ thống cáp treo đến 300 tỷ đồng, chưa kể hàng trăm tỷ đồng nâng cấp, xây dựng con đường từ Đà Nẵng lên BN, khu nhà nghỉ dưỡng cao cấp Lệ Nim và Bà Nà Bynight, tôi sợ rằng du khách bình dân khó có thể tiếp cận được với những dịch vụ này.
Đi tìm câu trả lời cho những thắc mắc của anh Hiệp, chúng tôi đã tiếp xúc với ông Đặng Minh Trường, Phó Chủ tịch Tập đoàn Sun Group. Ông Trường cho rằng, với mức giá trung bình 150.000 đồng/người (loại vé khứ hồi) cho khách tham quan đỉnh BN bằng hệ thống cáp treo dài 5km không phải là quá đắt so với những cảm giác vô cùng thú vị và tuyệt vời mà du khách có được. Ngoài ra, chúng tôi còn có những dịch vụ giá rẻ như hệ thống phòng với giá bình quân từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. Hoặc khách cũng có thể chọn phương pháp qua đêm bằng lán trại ngoài sân…
Bà Nà còn lưu giữ nhiều cánh rừng nguyên sinh quý giá với hệ động, thực vậtphong phú. Ảnh trang này: Lê Hải |
Trong cuộc sống, cùng một lúc, người ta khó có thể dung hòa mọi chuyện, câu chuyện về BN cũng không nằm ngoài quy luật đó. Những con người mới, đến thay thế cho những người đã góp phần khai sinh ra BN trong quá khứ, chắc hẳn rằng, họ đã được gửi gắm lại tất cả những tâm huyết vì một BN được hồi sinh. Mặt khác, đó còn là chuyện phải thay đổi để tìm hướng đi mới cho địa chỉ này.
Trở về trên chuyến xe mang đầy bụi của con đường lên BN vừa hoàn thành, chợt nhớ những câu thơ mà ông Tỵ đã đọc trong lúc cao hứng: “Đường lên du lịch BN/ Qua Hòa Sơn lắm ổ gà, ổ voi”. Cùng với con đường mới, mong rằng, ngày mai, mọi chuyện về BN sẽ khác.
Ghi chép của TIỂU YẾN