.

Khu nghỉ dưỡng Bà Nà, tại sao không?

.

Sương sớm Bà Nà.
Bà Nà - “thành phố trong mây”, là “Đà Lạt của miền Trung” và là “mùa xuân của nước Pháp”… điều đó quả không hề cường điệu. Bởi, ngay từ khi Đà Nẵng là nhượng địa, người Pháp khảo sát và thiết lập tại Bà Nà một khu nghỉ dưỡng đặc biệt mà họ gọi là “trạm chữa bệnh kinh niên”, ở nơi được đánh giá là “không thua kém gì các trạm nghỉ ngơi khác về sự mát mẻ của khí hậu, tốt tươi của cảnh sắc, thích thú của vui chơi”.

Trước nhu cầu giải trí, chữa bệnh cho các sĩ quan, binh lính và người dân Pháp tại nhượng địa Đà Nẵng và khắp Trung Kỳ, tháng 2-1900, Toàn quyền Đông Dương đã giao cho Đại úy Debay nhiệm vụ tìm kiếm một địa điểm thích hợp ở đoạn giữa của núi Trường Sơn để thiết lập một trạm chữa bệnh kinh niên. Sau hơn một năm khảo sát, thăm dò, đến tháng 11-1901, Đại úy Debay báo cáo với Toàn quyền Đông Dương Doumer đã tìm thấy tại vùng thung lũng núi Túy Loan (tức núi Bà Nà) một vị trí thích hợp để thiết lập một trạm chữa bệnh như yêu cầu của Toàn quyền. Phát hiện này của Debay cũng đã được bác sĩ Gaide, Giám đốc Y tế Trung Kỳ đồng tình, khi ông này đã trực tiếp đến Bà Nà tìm hiểu vào năm 1916. Cũng như bác sĩ Gaide, sau bốn năm nghiên cứu giá trị của Bà Nà về mặt y tế, bác sĩ Sallet đã khẳng định có đủ cơ sở để “xác định tính chất hảo hạng của trung tâm nghỉ ngơi tại điểm cao này về mặt y tế”.

Vì thế, Bà Nà nhanh chóng được thiết lập “Trạm nghỉ dưỡng” đúng như ý đồ của người Pháp, và phù hợp với một vị trí đắc địa mà nó đang thụ đắc. Nơi đây, sức khỏe của con người được bồi dưỡng tốt, nhất là sự bồi bổ lại rất nhanh về hoạt động, sức khỏe và năng lực cho những người ốm yếu lâu ngày, những người mệt mỏi vì nắng nóng và những người làm việc quá tải thần kinh căng thẳng. Bà Nà trở thành nơi thích hợp với các gia đình và cá nhân muốn có sự nghỉ ngơi yên tĩnh, nhất là tại đây, lúc nào ta cũng có thể được ngắm nhìn một quang cảnh bao la trên biển Đông và núi Trường Sơn với những đường nét thiên nhiên hùng vĩ, pha trộn những màu sắc luôn biến đổi một cách huyền ảo. Nhắc lại điều ấy để thấy rằng, người Pháp đã thành công khi biến Bà Nà cùng với Đà Lạt, Sa Pa trở thành nơi nghỉ dưỡng của thương gia, quan chức, gia đình công chức… khắp vùng Đông Dương trong một thời gian dài.

Hiện nay, Bà Nà là một trong những trọng điểm đầu tư về du lịch sinh thái của thành phố Đà Nẵng. Vậy, từ kinh nghiệm của người Pháp về khu nghỉ dưỡng, tại sao chúng ta không đầu tư, thiết lập một trung tâm nghỉ dưỡng tầm cỡ của Đông Nam Á tại đây, điều mà người Pháp đã thành công từ 100 năm trước. Rồi một ngày mai, du khách đến Bà Nà, ngoài những dịch vụ du lịch, sinh thái giá trị như hiện có; từ cảm giác bồng bềnh, huyền ảo như bút ký của Nữ sĩ Huỳnh Bảo Hòa hồi đầu thế kỷ 20, ta lại có thêm nhiều dịch vụ bồi bổ sức khỏe hiện đại, hiệu quả tại nơi mà “một ngày có 4 mùa đi qua” này?

Bài và ảnh: Duy Phương

;
.
.
.
.
.