.

Du lịch biển: Điểm đột phá phát triển du lịch

.
Ngày 17-8-2010, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ký Quyết định số 7099/QĐ-UBND về việc Quy hoạch phát triển ngành Du lịch đến năm 2020. Mục tiêu định hướng phát triển là tạo đột phá để Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Mô tả ảnh.
Xây dựng các điểm giải trí thu hút du khách quốc tế.
 
Tăng trưởng ngoạn mục

Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng cho biết, lượng khách du lịch nội địa đến Đà Nẵng ngày càng tăng, bất chấp các rủi ro như dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế... và trong hai năm nay đã trở thành nguồn khách quan trọng, chiến lược. Trong 10 năm qua, lượng du khách đến thành phố có xu hướng tăng nhanh, bình quân 14%/năm. Cách đây 10 năm, Đà Nẵng đón gần 490 nghìn lượt người, đến năm 2009 tăng vọt lên gần 1,4 triệu lượt (gần gấp 3 lần).
 
Trong số đó, du khách nội địa luôn chiếm thị phần cao, trên 60%. Ông Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội thành phố cho rằng, những con số trên phần nào phản ánh nhu cầu đi du lịch ngày càng lớn của du khách nội địa và đây cũng là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường khách du lịch quốc tế đang có xu hướng chững lại.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch tại thành phố trong 10 tháng ước đạt 1.589.700 lượt người, bằng 109,6% kế hoạch, tăng 42% so với cùng kỳ 2009, trong đó có 336 nghìn khách quốc tế, tăng 26%; tổng doanh thu du lịch ước đạt 1.051 tỷ đồng, bằng 103,5% kế hoạch năm, tăng 62% so với cùng kỳ 2009. Trong năm 2010, với việc đầu tư, đưa vào sử dụng các tiện ích du lịch tại các điểm đến như: Sơn Trà, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn và hàng loạt các khách sạn 4 – 5 sao, đặc biệt là việc tổ chức thành công Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế, Lễ hội Quán Thế Âm, chương trình Điểm hẹn mùa hè và sắp đến là Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc lần thứ VI… sẽ thực sự làm cho Đà Nẵng trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.

Đột phá

Ngành Du lịch Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 đạt 8,1 triệu lượt khách, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 18,37%, trong đó khách quốc tế đạt 1,4 triệu lượt. Doanh thu đạt 10,1 ngàn tỷ đồng. Giá trị tăng thêm lĩnh vực du lịch đạt 13,86 ngàn tỷ đồng, chiếm 9,25% GDP của thành phố, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt 17-18%/năm.
(Nguồn: Quy hoạch phát triển ngành Du lịch đến năm 2020)
Để phát huy hơn nữa tiềm năng và thế mạnh hiện có, thành phố xác định phải có định hướng, tầm nhìn dài hạn để phát triển du lịch trong xu thế hội nhập và cạnh tranh với các địa phương lân cận và các nước trong khu vực nhằm tìm ra hướng đi đặc trưng và có yếu tố khác biệt. Bước đi tiếp theo là tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng du lịch, tạo điều kiện để thu hút vốn đầu tư phát triển các sản phẩm vật thể và phi vật thể theo hướng tập trung và hiệu quả; tập trung khai thác thị trường khách du lịch trọng điểm, tăng các khu vui chơi, giải trí dành cho thiếu nhi, cho du khách gia đình.
 
Tăng cường mối liên kết cùng phát triển với các địa phương lân cận, giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố để tạo ra các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực phục vụ trong quản lý Nhà nước, xúc tiến quảng bá du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên theo hướng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trau dồi vốn ngoại ngữ, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch thành phố trong thời gian tới.

Điểm đột phá đầu tiên là phát triển thị trường và tạo sản phẩm du lịch. Ngoài việc xác định khách nội địa là trọng tâm, du lịch thành phố Đà Nẵng hướng đến các thị trường Đông Á, Đông Bắc Á, Ấn Độ. Phát triển sản phẩm du lịch theo 3 hướng: Du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, trong đó lấy du lịch biển làm khâu đột phá để đưa ngành du lịch thành phố thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đối với du lịch biển, sẽ tập trung phát triển các dịch vụ thuyền buồm, lướt ván, lặn biển, câu cá, du thuyền... với các khu du lịch biển quy mô lớn.
 
Theo Sở Xây dựng, việc định hướng không gian mở, quy hoạch tập trung, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng của du khách cũng được xác định với việc tăng cường đầu tư xây dựng Khu du lịch Bà Nà và vùng phụ cận trở thành nơi nghỉ dưỡng núi đặc trưng riêng có của thành phố. Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái vùng Sơn Trà, Hải Vân, Đồng Nghệ - Phước Nhơn kết hợp với vùng Bạch Mã, Cù lao Chàm tạo thành liên vùng du lịch sinh thái đa dạng và đặc sắc. Đối với các điểm du lịch văn hóa, lịch sử được phát triển với việc xây dựng khu du lịch sinh thái Cổ Cò gắn kết với văn hóa Phật giáo và gắn kết với các di tích lịch sử, di sản thế giới trong khu vực. Việc khai thác thế mạnh làng nghề, làng quê phía nam và phía tây thành phố, sông Hàn, sông Trường Định để tạo nên sự hấp dẫn, phong phú các chương trình du lịch cũng được quan tâm khôi phục.

Bài và ảnh: NAM PHƯƠNG
;
.
.
.
.
.