.

Phát triển du lịch đường sông

.
Trong điều kiện cơ sở vật chất ngành du lịch thành phố Đà Nẵng phát triển nhanh chóng, việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch góp phần đáp ứng nhu cầu của du khách là việc làm rất cần thiết. Phát triển du lịch đường sông sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch mới, kéo dài ngày lưu trú, tăng sự hấp dẫn cho du khách trong quá trình tham quan các điểm du lịch. 

Mô tả ảnh.
Tàu du lịch Sông Hàn đưa du khách dạo trên sông Hàn.
 
Đà Nẵng có một hệ thống đường sông tương đối phong phú, thuận lợi cho phát triển du lịch với tổng chiều dài các sông gần 100km. Các dòng sông như Trường Định - Thủy Tú, sông Cu Đê, sông Hàn, sông Cẩm Lệ… có nhiều điểm đến hấp dẫn dọc hai bên bờ sông. Các điểm đến trên tuyến đường sông Đà Nẵng có cảnh quan đẹp và có sự gắn kết với các điểm di tích lịch sử - văn hóa, các điểm tham quan du lịch, các làng quê, làng nghề tại các khu vực ven đô của thành phố.

Hiện nay có 8 đơn vị và cá nhân đang đầu tư các phương tiện đường thủy với 10 tàu du lịch có sức chứa từ 30 chỗ đến 250 chỗ và hơn 10 canô. Trong số đó, chỉ có tàu du lịch Sông Hàn có quy mô tương đối lớn, chủ yếu phục vụ khách ăn uống như một nhà hàng nổi trên sông Hàn ra đến cửa biển cho khách ngắm cảnh thành phố, còn lại các tàu khác đều có quy mô nhỏ. Các đơn vị, cá nhân kinh doanh đường sông đều hoạt động riêng lẻ, chưa có sự kết nối hỗ trợ nhau. Mức độ đầu tư vào phương tiện vật chất cũng như tổ chức kinh doanh còn thấp, do đó chất lượng dịch vụ nhìn chung còn thấp và thiếu tính chuyên nghiệp, đội ngũ nhân viên phục vụ chưa được đào tạo về nghiệp vụ, việc tuyên truyền quảng bá đối với dịch vụ này chưa được quan tâm đúng mức.

Với xu hướng phát triển du lịch của thành phố như hiện nay, để khai thác tiềm năng của du lịch đường sông Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu xây dựng Đề án khoa học xã hội cấp cơ sở “Nghiên cứu phát triển các tuyến du lịch đường sông, du lịch làng quê”. Theo đó, việc quan trọng hàng đầu là cần tiến hành quy hoạch mạng lưới du lịch đường sông, đưa ra các định hướng phát triển về không gian, bến đỗ, loại hình du lịch đường sông và quy hoạch các tuyến điểm du lịch đường sông, làm cơ sở cho việc triển khai các công việc tiếp theo.
 
Tiếp đến là công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch đường sông cần được đẩy mạnh hơn nữa. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch có kế hoạch lồng ghép tuyên truyền du lịch đường sông vào các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường sông cần chủ động liên hệ với các công ty lữ hành, khách sạn để giới thiệu sản phẩm, chào bán các chương trình du lịch đường sông cho du khách, kết hợp với các biện pháp quảng cáo trên báo chí, truyền hình, Internet… Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đường sông cần nhận thức đúng tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, khai thác tour tuyến, thị trường cho đến các hướng dẫn viên và nhân viên phục vụ trên tàu. Tại các điểm đến của du lịch đường sông như các làng nghề, làng quê, di tích… cần có lực lượng thuyết minh viên, hướng dẫn du lịch và đào tạo các nghề thủ công, dịch vụ, kỹ năng giao tiếp, phục vụ cho nhân dân các làng quê, làng nghề nhằm thu lợi nhuận từ khách du lịch.   

Về đầu tư, cần thực hiện theo hướng xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước đầu tư về cơ sở hạ tầng, tạo cơ sở ban đầu và đưa ra các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy du lịch đường sông phát triển. Đầu tư xây dựng bến neo đậu tàu thuyền cố định trên sông Hàn, đầu tư các cầu tàu dẫn đến các điểm tham quan du lịch dọc theo tuyến điểm du lịch đường sông. Ngoài ra, Sở sẽ hỗ trợ tổ chức các hình thức đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên cứu hộ cứu nạn đường sông, hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại điểm du lịch.     

Bản thân các doanh nghiệp cần phải tự nâng cao năng lực kinh doanh của mình, có chuyên môn đầu tư vào lĩnh vực du lịch đường sông. Bên cạnh đó, để du lịch đường sông phát triển cũng rất cần sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng cũng như tạo ra những cú hích ban đầu để du lịch đường sông phát triển. 

Bài và ảnh: Hoàng Ngọc
;
.
.
.
.
.