Những ngày nắng nóng từ gần cuối tháng 4 đã kéo hàng vạn người dân và du khách đến tránh nóng tại các bãi tắm du lịch Đà Nẵng. Ông Phan Minh Hải, Phó trưởng BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết đã có hàng loạt hoạt động nhằm bảo vệ an toàn cho người dân và du khách tắm biển, cũng như bảo đảm vệ sinh, môi trường biển.
Biển Đà Nẵng đẹp và hấp dẫn. Ảnh: THU PHƯƠNG |
* Việc các bãi tắm thường xuyên đông nghẹt người vào mỗi chiều và được đánh giá là đông hơn nhiều so với các năm đang đặt ra cho đơn vị trách nhiệm lớn trong việc bảo đảm an toàn cho người tắm biển?
- Dự đoán được lượng khách sẽ tăng cao trong năm nay do thời tiết nắng nóng, chúng tôi đã chủ động triển khai nhiều hoạt động trước mùa nghỉ biển để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân và du khách tắm biển, giữ gìn an ninh trật tự trên các bãi tắm, chống “chặt chém” về giá dịch vụ. BQL thay thế các bảng biểu hướng dẫn, nội quy song ngữ (Anh - Việt); bảng “Những điều cần biết khi tắm biển” có các hướng dẫn, tín hiệu, cách thoát khỏi vùng nguy hiểm… Đặc biệt đã đóng mới 5 ghế quan sát cứu hộ đặt cạnh mép nước để quan sát tốt hơn và hoàn thiện công tác cứu hộ.
Các cụm ẩm thực - hàng lưu niệm, xe bán thức ăn nhanh lưu động tại nút Nguyễn Văn Thoại được đưa vào khai thác có thể phục vụ nhu cầu ăn uống cho người tắm biển và khách dạo chơi, vừa bảo đảm mỹ quan và vệ sinh trên các bãi tắm, không để hàng rong bu bám, chèo kéo, xả rác…
Kể từ ngày 1-5 năm nay, giá dịch vụ tại các khu nhà tắm nước ngọt ven biển đã được điều chỉnh theo mức quy định của UBND thành phố. Theo đó, tiền nhận giữ đồ 3.000 đồng/lần gửi, giữ mô-tô 4.000 đồng/chiếc/lần giữ/ người, giữ xe đạp 3.000 đồng/chiếc/lần giữ/ người, nếu quá 1 người/xe thì thu thêm 1.000 đồng/người. Đối với người không gửi xe nhưng sử dụng tắm nước ngọt thì thu 1.000 đồng/người/lần tắm. Riêng tiền giữ ô-tô vẫn giữ nguyên với mức giá: từ 4 đến 9 chỗ ngồi 10.000 đồng/xe, từ 12 - 29 chỗ ngồi 20.000 đồng/xe, trên 29 chỗ ngồi 30.000 đồng/xe. Chúng tôi đã thông báo và yêu cầu các bãi tắm niêm yết công khai bảng giá dịch vụ để nhân dân và du khách được biết và thu đúng giá niêm yết.
* Hiện nay, các bãi tắm dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành bị người dân chiếm dụng làm nơi buôn bán rất mất trật tự. Trong khi đó, tuyến này sẽ được khai thác theo kiểu mẫu các bãi tắm du lịch. BQL đã có giải pháp nào để ổn định trật tự cho các bãi tắm trên tuyến này chưa?
- BQL đang triển khai từng bước Quyết định 11308/QĐ-UBND ngày 30-12-2011 của UBND thành phố về việc phê duyệt đề án Quản lý và khai thác các bãi biển du lịch tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2012-2014. BQL đã phối hợp với các phường thuộc các quận Thanh Khê và Liên Chiểu như Xuân Hà, Thanh Khê Tây, Hòa Khánh Bắc, Hòa Minh sắp xếp, bố trí 12 tổ kinh doanh dịch vụ nước giải khát và 5 điểm giữ xe. Chúng tôi cũng phối hợp với lực lượng Công an, Đội quy tắc đô thị các phường tổ chức ra quân lập lại trật tự tại các bãi biển, tuyên truyền các hộ kinh doanh trái phép, các hộ bán cá dọc trên vỉa hè, sắp xếp các hộ kinh doanh dịch vụ và các bãi giữ xe, lắp đặt các biển báo, nội quy, bảng cấm, khu vực thể thao… theo đề án trên.
* Các bãi tắm nước ngọt trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành sẽ được xây dựng tại vị trí nào cho phù hợp với giao thông và thuận tiện trong việc quản lý?
- Hiện đã có chủ trương và hồ sơ thiết kế xây dựng 2 bãi tắm nước ngọt tại phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) và đường Nguyễn Chánh (quận Liên Chiểu). Tạm thời, chúng tôi đã sắp xếp 5 bãi tắm có lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ trên tuyến này. Chúng tôi cũng xin thông tin thêm: Các bãi tắm ở tuyến Hoàng Sa - Trường Sa đã được mở rộng, nhằm phục vụ tốt nhu cầu tắm biển, nghỉ mát cho người dân và du khách. Ngoài Khu nhà tắm nước ngọt số 1 gồm ba bãi tắm số 1, 2, 3, bãi tắm Phước Mỹ, bãi tắm Sao Biển, thì bãi tắm Mân Thái vừa được đầu tư xây dựng xong, đang chuẩn bị đấu thầu quyền sử dụng. Bãi tắm trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành cũng sẽ được xây dựng theo kiểu mẫu các bãi tắm đã có.
* Cảm ơn ông!
PHONG KHÁNH thực hiện