Những tiềm năng phát triển du lịch của Đà Nẵng, tương lai của ngành du lịch: mục tiêu và định hướng, những thiếu sót thực tại trong việc xây dựng một môi trường du lịch hoàn hảo là 3 nhóm vấn đề đặt ra tại chuỗi hội thảo nằm trong dự án “Phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố hợp tác với Tổ chức Chuyên gia cao cấp của Hà Lan (PUM) và Trường Đại học Duy Tân tổ chức ngày 9-10.
Du khách nước ngoài đi xích lô trên đường phố Đà Nẵng. |
Đây được xem là chuyên đề quan trọng đặt ra nhiều giải pháp cho việc phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay.
Chưa xứng với tiềm năng
Theo số liệu điều tra của Khoa Du lịch, Trường Đại học Duy Tân, khoảng trên 80% du khách nước ngoài lựa chọn đến Đà Nẵng, vì trong suy nghĩ của nhiều người, nơi đây có bãi biển đẹp. Vì vậy, du lịch biển được xem là thế mạnh của Đà Nẵng trong quá trình tạo lực hấp dẫn thu hút khách đến với thành phố. Ngoài ra, chỉ số về giá cả, an ninh tốt, môi trường du lịch thân thiện cũng là một trong những nhân tố quan trọng làm nên thương hiệu cho ngành du lịch thành phố. Đặc biệt, mới đây Đà Nẵng lọt vào “Top 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á năm 2013” do độc giả Tạp chí du lịch trực tuyến Smart Travel Asia bình chọn đã góp phần đưa thương hiệu du lịch Đà Nẵng vươn tầm ra quốc tế.
Ông Guillauma Van Grinvens, Chuyên gia cao cấp PUM, người đã có 45 năm kinh nghiệm làm du lịch, thốt lên trước tiềm năng du lịch của Đà Nẵng: “Một đường bờ biển tuyệt vời, một cuộc sống sôi động, nhiều điểm du lịch nổi tiếng, cơ sở hạ tầng hoàn thiện…”. Thế nhưng, theo vị chuyên gia này nhìn nhận, thành phố ven bờ sông Hàn vẫn chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng vì thiếu sản phẩm du lịch đặc trưng. Ông Guillauma cho biết, người nước ngoài khi đi du lịch tại một nơi nào đó rất thích thú khám phá văn hóa địa phương, được sống cùng người dân địa phương, được trải nghiệm du lịch sinh thái làng quê... “Rất nhiều nơi cũng có những nhà hàng sang trọng, những resort cao cấp nhưng cái để lại ấn tượng nhất cho du khách để họ quyết định quay trở lại lần thứ hai phải là sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương, gắn với phát triển cộng đồng”, ông Guillauma cho biết.
Có một thực tế là nhiều du khách đến Đà Nẵng chỉ để tham quan cảnh đẹp, xem các sự kiện lớn mà hầu như trong số đó rất ít người quyết định ở lại đêm tại Đà Nẵng. Câu hỏi “Đêm Đà Nẵng có gì?”, “Đến Đà Nẵng tắm biển xong rồi đi đâu?”, nhiều năm nay ngành du lịch Đà Nẵng vẫn loay hoay tìm câu trả lời. Thiếu khu vui chơi giải trí về đêm, thiếu trung tâm mua sắm tầm cỡ, ẩm thực còn quá nghèo nàn… khiến nhiều du khách vẫn chưa thực sự hài lòng để bỏ tiền túi chi tiêu ở Đà Nẵng. Vì vậy, Đà Nẵng đã mất đi một nguồn thu lớn góp vào ngân sách để đầu tư cho phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Văn Tài, Trưởng phòng Điều hành, Chi nhánh Công ty Du lịch Bến Thành tại Đà Nẵng, nhận xét: “Đà Nẵng làm du lịch vẫn chưa thực sự chuyên nghiệp và hoàn hảo. Không phải là Đà Nẵng không có tiềm năng. Chúng ta có biển, có núi, có sông nhưng cái quan trọng là cần phải có chuỗi các sản phẩm liên kết giữa Đà Nẵng và các tỉnh lân cận để đáp ứng nhu cầu cho thị trường khách du lịch rộng hơn và đa dạng hơn”.
Cần sự chung tay liên kết
Một trong những nguyên nhân khiến ngành du lịch Đà Nẵng trong những năm qua vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là do thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp làm du lịch. Vì vậy, các sản phẩm du lịch ở Đà Nẵng thường không ổn định về giá và luôn luôn biến động. “Người ta nói “Buôn có bạn, bán có phường”, làm du lịch cũng phải vậy. Thế nhưng thực tế nhiều năm qua, ngành du lịch Đà Nẵng vẫn thiếu sự liên kết. Các doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, mùa hè thì đẩy giá quá cao, mùa đông lại thi nhau bán phá giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thương hiệu cho du lịch Đà Nẵng”, ông Nguyễn Văn Tài cho biết. Chính thực trạng “ăn xổi ở thì” đã khiến ngành du lịch Đà Nẵng mất đi điểm cộng trong lòng du khách thập phương. Nhiều công ty lữ hành cho biết, để phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng, các doanh nghiệp phải tự xây dựng thương hiệu cho riêng mình, bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm uy tín với khách hàng, có như vậy sự liên kết giữa các doanh nghiệp mới bền vững, hướng tới phát triển vì mục tiêu chung cho ngành du lịch thành phố.
Không chỉ thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch mà ngay cả việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch hiện nay cũng gặp khá nhiều bất cập, đó chính là thực trạng thiếu liên kết giữa các trường đào tạo với các doanh nghiệp khiến “cung không đáp ứng đủ cầu”. Đà Nẵng có khoảng 12 cơ sở đào tạo về du lịch, nhưng ở nhiều cơ sở, sinh viên khi học tại trường ít có điều kiện trải nghiệm thực tế, chủ yếu là học lý thuyết “chay”. Ông Nguyễn Công Minh, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Duy Tân, nêu thực trạng: “Sinh viên ra trường vẫn cứ than thất nghiệp, trong khi doanh nghiệp lại kêu “đói” nhân lực. Thực trạng này vẫn là cái vòng luẩn quẩn, nếu không có sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp thì chất lượng nhân lực du lịch của thành phố sẽ không đáp ứng được yêu cầu của xã hội đặt ra”.
Việc phát triển thương hiệu du lịch còn cần có sự chung tay liên kết của cả cộng đồng mà mỗi người dân địa phương được xem là một “đại sứ” du lịch. Ông Guillauma cho rằng: “Việc phát triển du lịch không chỉ nhằm vào xây dựng cơ sở lưu trú hay địa điểm du lịch mà còn cần một sự kết nối giữa các sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch cần chú ý đến chất lượng cuộc sống của người dân địa phương, đảm bảo lợi ích cho khối tư nhân, khối nhà nước và cộng đồng. Phát triển du lịch cần hướng đến một tương lai bền vững”.
Đề án “Phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng” gồm có 3 chuyên đề chính với chuỗi hội thảo diễn ra từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 12, được xem là một đề án lớn đóng góp quan trọng vào việc phát triển ngành du lịch Đà Nẵng. Tháng 11 tới, Đề án này sẽ tiếp tục với chuyên đề C thảo luận bàn tròn với sự góp mặt của nhiều chuyên gia du lịch, những đại diện đến từ khách sạn 5 sao, resort cao cấp, đơn vị lữ hành lớn nhằm đưa ra giải pháp phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng ngày càng chuyên nghiệp hơn và vươn xa hơn. |
HOÀNG HÂN